Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Phòng tê nhức chân tay khi trở trời

Chứng đau nhức vai gáy, tê bì chân tay... khiến nhiều người khổ sở khi trái gió trở trời. Song ngay cả khi thời tiết ổn định, không ít người vẫn bị bệnh này hành hạ...

Cách đây hơn một tuần, tiết trời mưa nhiều, cô Ngọc Ánh, sống ở quận 6, TP HCM thấy tay chân mỏi nhừ, tê buốt. Đến giờ, trời đã nắng ấm nhưng cô vẫn chưa đỡ. "Tê buốt hết hai bàn tay, cánh tay, có khi mất hết cả cảm giác. Nghĩ thời tiết ổn định thì sẽ đỡ, nào ngờ gió mùa qua gần một tuần rồi mà vẫn đau quá", cô Ánh than thở.
Cùng nỗi khổ đó, mỗi khi trời "nổi gió", bác Năm sống ở Cầu Giấy, Hà Nội lại thấy chân tay rơi vào tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội" vì cảm giác đau nhức khó chịu. Bác chỉ ao ước chân tay không còn nhức mỏi để không phải làm phiền đến con cháu. Bởi mỗi lần như vậy, bác thường không làm được việc gì, thậm chí còn khiến con cái phải nghỉ làm để đưa đi khám.
Đau nhức chân tay mỗi khi trái gió trở trời là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Song do là bệnh thời tiết nên tình trạng này dai dẳng, dễ tái phát và không dễ chữa trị.
Các nghiên cứu y khoa cho thấy: tình trạng tê nhức chân tay, đau mỏi vai gáy, lưng gối chủ yếu là do khí huyết lưu thông kém, "bất thông tắc thống". Bệnh dễ nặng hơn vào mùa đông bởi thời tiết lạnh gây co mạch, làm máu lưu thông kém khiến chân tay càng đau buốt, tê cứng.
Để đẩy lùi chứng bệnh dai dẳng và khó chịu, người bệnh nên lưu ý một số điều dưới đây:
1. Chế độ ăn uống
Theo DS Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng phòng nghiên cứu, Công ty Dược phẩm Phú Hưng, chứng tê nhức chân tay chủ yếu là hậu quả của các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa cột sống, gai cột sống, thoát vị đĩa đệm… Chúng gây chèn ép dây thần kinh và mạch máu. Chứng bệnh này thường gặp ở người già do lão hóa, người trẻ ít vận động… Người bệnh cần chú ý ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức khỏe, bổ sung thêm trong bữa ăn hằng ngày các loại thức ăn giàu vitamin nhóm B, canxi, magie như các loại đậu, ngũ cốc, trứng, sữa…
Te-nhuc-8-1-1378690704.jpg
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người có thói quen ít vận động, gây bất lợi cho sức khỏe nói chung và chức năng hoạt động của chân tay nói riêng
2. Chế độ vận động
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người có thói quen ít vận động, gây bất lợi cho sức khỏe nói chung và chức năng hoạt động của chân tay nói riêng. Vận động thường xuyên, lựa chọn mức độ và hình thức tập luyện phù hợp với thể trạng từng người là điều cần thiết. Các môn thể dục giúp lưu thông máu tốt, có lợi cho người mắc chứng tê nhức chân tay là đi bộ, thái cực quyền, khí công, yoga…
3. Chủ động phòng bệnh mỗi khi trái gió trở trời
Những khi thời tiết thay đổi, nhất là những ngày trời lạnh hay mưa gió, người bệnh nên hạn chế đi ra ngoài, giữ ấm tay chân, có thể ngâm tay chân với nước ấm pha chút gừng. Đồng thời, bệnh nhân nên bổ sung vào thực đơn các món ăn tốt cho xương khớp như lá lốt, xương xông…
4. Sử dụng viên uống hỗ trợ điều trị
Cũng theo DS Nguyễn Thanh Xuân, người mắc chứng tê nhức chân tay có thể dùng thêm các dạng viên uống bổ sung được chiết xuất từ các loại thảo dược có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, mạnh gân cốt, giảm đau nhức xương khớp. Một số loại dược liệu giúp hỗ trợ điều trị tê nhức chân tay như thục địa, độc hoạt, đương quy, xuyên khung, ngưu tất…

Xoa bóp giảm đau cổ vai

Đau cổ vai nói chung để chỉ tất cả những trường hợp đau và hạn chế vận động khớp cổ ảnh hưởng đến các tổ chức quanh khớp cổ, vai như cơ, xương...

Đây cũng là bệnh thường gặp nhất ở nhân viên văn phòng. Bệnh cũng xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi, nhất là lứa tuổi trên 30.

Trong đau cổ vai thì thường liên quan đến tư thế nghề nghiệp như ngồi làm việc phải cúi cổ lâu, quay cổ thường xuyên hoặc động tác đơn điệu lặp đi lặp lại của đầu, hoặc tay giữ ở tư thế lâu (đánh máy, chơi game...) hoặc ngồi lâu trong phòng lạnh làm ảnh hưởng đến hoạt động vùng cổ vai gây đau... những tư thế hay môi trường làm việc đòi hỏi sự chịu đựng và thích nghi của mọi người.

Chúng tôi nhận thấy khi bị đau cổ vai, nhân viên văn phòng tự mua và dùng thuốc giảm đau nhưng dần theo thời gian thì thuốc này không hiệu quả và những tác dụng phụ của thuốc làm người bệnh càng tỏ ra khó chịu và tìm kiếm những phương pháp cải thiện có hiệu quả giảm đau cổ vai mà không dùng thuốc.

Theo y học cổ truyền, quan niệm chứng đau là do khí huyết trong hệ kinh lạc bị tắc trở và trong trị liệu đều phải đạt được là làm cho khí huyết lưu thông trong kinh lạc thì sẽ hết đau.

Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp xoa bóp- bấm huyệt- tập luyện phòng và cải thiện hiệu quả đau cổ vai.

Xoa bóp - bấm huyệt
* Tìm điểm đau và day điểm đau: chúng ta chú ý khi gặp điểm đau mà ấn vào điểm đau có cảm giác dễ chịu thì đây là đau đã lâu nên cần day ấn nhẹ nhàng thời gian 2-3 phút ở mỗi điểm đau. Nếu gặp điểm đau mà khi ta ấn tay vào có cảm giác đau tức khó chịu thì đây là đau mới phát sinh, ta dùng ngón tay day nhanh, mạnh, thời gian mỗi điểm đau loại này vùng cổ vai khoảng 1 phút là được.

* Dùng tay bóp nắn các cơ quanh cột sống cổ, vai: ngón cái một bên, các ngón còn lại một bên bóp nắn nhẹ nhàng quanh vùng cổ vai cho đến khi vùng cổ vai hơi ửng đỏ là đạt hiệu quả cải thiện bệnh. Có thể trong quá trình xoa bóp dùng thêm dầu cù là hoặc các loại tinh dầu xoa làm cho vùng da xoa bóp bấm huyệt có cảm giác ấm, nóng là tốt.

Mỗi lần xoa bóp 10-15 phút vùng cổ gáy, có thể tự tay xoa bóp cho mình hay nhờ người khác xoa bóp cũng mang lại hiệu quả thiết thực.

Tập luyện

Chỉ tập khi không còn đau vùng cổ vai.

* Tự tập vận động khớp cổ ở tư thế ngồi: quay cổ qua lại, nghiêng cổ qua bên trái - phải, cúi ngửa cổ ra trước- sau, và tổng hợp các động tác cổ vừa thực hiện liên tục, nhẹ nhàng tránh làm mạnh đột ngột sẽ gây đau tăng... Mỗi động tác làm 3-5 lần.

* Có thể tập động tác cổ vai ở tư thế nằm ngửa: lấy điểm tựa xương chẩm và mông nâng vai lên, lắc vai dao động qua lại 6-8 lần rồi hạ vai xuống, lặp lại 3-5 lần.

Nếu mức độ xoa bóp - bấm huyệt - tập luyện chưa mang lại hiệu quả mong muốn, bệnh tái phát nhiều lần mà mỗi lần đau vùng cổ vai nặng thêm thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được khám tư vấn và điều trị.


Theo BS Huỳnh Tuấn Vũ - Tuổi trẻ

Phòng ngừa chuột rút

Chuột rút (vọp bẻ) là hiện tượng thường gặp khi cơ bắp bị căng quá mức. Bệnh không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng chuột rút làm bạn đau đớn.



Ảnh: healthbeautyfitness.in
Bạn nên áp dụng các biện pháp dưới đây để phòng ngừa chuột rút một cách hiệu quả.
• Bổ sung khoáng chất: Kali, canxi, magiê và natri là những khoáng chất rất quan trọng. Nếu thiếu chúng, cơ thể của chúng ta sẽ rất dễ bị chuột rút. Trái cây, rau củ như cam, chuối, táo là những thực phẩm giàu kali. Các loại đậu, hạt khô, bánh mì và ngũ cốc chứa lượng magiê rất dồi dào. 
Bạn có thể hấp thụ muối natri tự nhiên từ sò, thực phẩm tươi sống, trứng, cá, thịt, sữa. Trong khi đó, các sản phẩm từ sữa, sữa chua, cá ngừ, cá hồi và cải bó xôi là những thực phẩm chứa nhiều canxi. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các loại thực phẩm chức năng, mỗi ngày nên bổ sung khoảng 1.000 mg cho mỗi loại chất khoáng.
• Trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước tăng lực có chứa chất quinine (một loại thuốc trị bệnh sốt rét rất hiệu quả). Đồng thời, bạn cũng phải ngủ với tư thế thẳng thớm, không được uốn cong người hoặc tay chân. Ngoài ra, nên hấp thụ khoảng từ 400 - 800 IU vitamin E mỗi ngày để phòng ngừa chuột rút chân vào ban đêm.
• Xoa bóp nhẹ nhàng nơi bị chuột rút sẽ làm giảm đau được phần nào. Cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi cơn đau do chuột rút gây ra hết hẳn.

• Làm nóng miếng vải lót bằng nước ấm và đặt lên chỗ đau do chuột rút khoảng 20 phút, sau đó vắt nước ra rồi làm lại động tác như trên khoảng 20 phút nữa, cơn đâu sẽ cải thiện.
• Cơ thể mất nước cũng là một trong những lý do gây chuột rút. Do vậy, bạn nên uống thật nhiều nước trong ngày, đặc biệt là trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc các hoạt động thể chất.
• Khi bị chuột rút, bạn nhanh chóng đạp hai chân vào tường thì sẽ thấy giảm hẳn.
• Ngoài ra, khởi động nhẹ nhàng trước khi chơi thể thao, thường xuyên luyện tập thể dục và giữ ấm cơ thể cũng là những cách phòng ngừa chuột rút hữu hiệu.

Cách đơn giản giúp ngăn ngừa đau lưng

Bệnh đau lưng tuy không nguy hiểm nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Do ngồi một chỗ quá lâu, hay cúi khom về phía trước nên các cơ lưng bị căng, gây đau. Về lâu dài, chứng đau lưng có thể gây biến dạng cột sống và gây lên một số bệnh như còng lưng, thoái hóa cột sống…
Đau lưng là triệu chứng thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo các chuyên gia y tế, cơn đau lưng có thể hết trong vài ngày bằng các cách đơn giản.
Để phòng tránh bệnh đau lưng, bạn cần làm theo những điều dưới đây:
- Ngồi học, làm việc phải đúng tư thế: lưng thẳng, không cúi gập người về phía trước hoặc ngả quá ra phía sau.
- Nhân viên văn phòng, những người làm việc phải ngồi lâu một chỗ phải giải lao giữa giờ bằng các bài tập thể dục với những động tác như xoay, gập lưng, xoa bóp, massage lưng... cũng giúp phòng tránh đau lưng hiệu quả.
- Trị bệnh đau lưng bằng cách ăn uống khoa học với các loại thực phẩm có hàm lượng chất can xi cao, giảm chất béo.
- Khi chơi thể thao phải khởi động nhẹ trước khi tham gia 15 phút. Không nên làm bất kỳ động tác nào một cách quá đột ngột.
- Tập thể dục bằng cách đi bộ để giúp xương và cơ lưng được dẻo dai và đây là cách trị bệnh đau lưng hiệu quả nhất.
- Những người làm việc nặng như bưng bê, khuân vác, cần phải tránh nhấc vật nặng ở tư thế đột ngột, nên ngồi xuống thẳng lưng 2 tay nhấc vật nặng lên từ từ, không nên khum lưng cúi người để nhấc vật nặng.
- Không nên đi những giày cao gót thường xuyên.
- Nằm ngủ phải ở tư thế đúng, tránh nằm nghiêng, sấp, nằm trên đệm quá mềm, hay quá dày.
- Ở nhà, nên mặc đồ lót bằng loại vải mềm mại, thoải mái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số động tác giúp bạn giảm đau lương:
Động tác 1: Nằm sấp, chêm gối ở cổ và bụng dưới. Giữ lưng thẳng, thoải mái, không gồng cơ thắt lưng sau đó ưỡn lưng, ngóc đầu lên giữ yên trong 10 giây sau đó nằm xuống trở về tư thế ban đầu, nghỉ trong 10 giây rồi lặp lại động tác này 10 lần.
Động tác 2: Nằm ngửa, 2 chân co, ưỡn thắt lưng giữ yên trong 10 giây, lúc ưỡn mông và vai vẫn sát mặt giường. Sau khi ưỡn lưng xong ép thắt lưng sát xuống mặt giường giữ yên trong 10 giây sau đó lặp lại 10 lần.
Động tác 3: Nằm ngửa, co từng chân ép sát bụng, mỗi chân giữ 10 giây rồi lặp lại 10 lần
Thực phẩm giúp ngăn ngừa đau lưng
Thực tế, một số thực phẩm có đặc tính tự nhiên chống đau và chống viêm có thể giúp giảm các triệu chứng đau lưng của bạn nếu bạn thêm chúng vào chế độ ăn uống hàng ngày mà không cần dùng thuốc.
Cá: Cá có chứa hàm lượng cao các axit béo omega-3, có thể giúp giảm viêm. Đau lưng là một hình thức viêm nội bộ, thêm cá trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp giảm mức độ đau đớn do những cơn đau lưng gây nên. Omega-3 ở mức độ cao giúp giảm đáng kể tình trạng viêm gây ra cơn đau lưng. Nếu bạn không thể ăn nhiều cá thì cần bổ sung omega-3 từ các loại dầu cá. Tuy nhiên bổ sung dầu cá cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Rau quả: Hầu hết các loại trái cây và rau quả là ít calo và nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp duy trì trọng lượng của cơ thể một cách dễ dàng hơn, giúp giảm cân ở những người béo phì. Việc duy trì một trọng lượng vừa phải sẽ giảm áp lực tác dụng lên các vùng xương khớp, xương cột sống. 
Do đó nó sẽ có tác dụng giảm bớt các cơn đau. Bên cạnh đó một số loại trái cây và rau có thêm đặc tính chống đau rất tốt như: anh đào, nam việt quất, nho đỏ, trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin C. Những loại trái cây này giúp trì hoãn sự tiến triển của viêm khớp, giảm các cơn đau lưng.
Gia vị: Trong bữa ăn hàng ngày, một số loại gia vị mà thành phần của nó giúp giảm đau như: củ nghệ, củ gừng có tác dụng giảm sức, bảo vệ các khớp xương.

Phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh

Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là nữ giới sau mãn kinh và là nguyên nhân dẫn đến gãy xương, tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa.

Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỉ trọng khoáng chất của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên. 
Vì sao loãng xương?
Loãng xương có thể do tiên phát hoặc do thứ phát.
Loãng xương tiên phát (týp 1): xuất hiện từ trên 5 năm sau tuổi mãn kinh, còn gọi là loãng xương sau mãn kinh. Trong 5-10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm. 
Đặc trưng của loãng xương này là sự mất xương chủ yếu ở xương xốp và thường gây ra gãy lún các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay. Trong loãng xương sau mãn kinh, ngoài thiếu hụt oestrogen người ta còn thấy giảm tiết hormon cận giáp tăng tiết canxi qua thận, suy giảm hoạt động vitamin D3 dẫn tới giảm hấp thu canxi ở ruột.
Loãng xương tiên phát (týp 2): liên quan đến tuổi, xuất hiện ở nữ nhiều gấp 2 lần nam, là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm, biểu hiện chính là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên cả xương đặc (vỏ xương) cũng như xương xốp (bè xương). Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố quan trọng là giảm hấp thu canxi, giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới cường cận giáp trạng thứ phát.
Loãng xương thứ phát: Được phát hiện ở cả hai giới và thường là hậu quả của một số bệnh ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa chất khoáng của xương.
Phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh 1
Hình ảnh xương bình thường (trái) và loãng xương (phải).
Biểu hiện khi bị loãng xương
Đau cột sống: Đau cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng cấp xảy ra sau 1 tuần và tương ứng với việc nén xương đột ngột do gắng sức nhẹ, ngã hoặc một động tác sai. Tiếng kêu rắc khi vận động thường đi kèm với đau, có khi buộc phải nằm nghỉ. Cơn đau cấp tính liên hệ tới sự nén cột sống kinh diễn, nặng lên khi có một gắng sức do ngồi hoặc đứng ở tư thế kéo dài, đỡ đau khi nghỉ ngơi.
Biến dạng cột sống: thường nặng và sau nhiều năm mới xảy ra, lưng còng, xẹp đốt sống, chiều cao giảm dần theo tuổi (sự giảm này có thể bằng hoặc giảm quá 12cm). Khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối cùng chạm mào chậu. Đến giai đoạn này thì sự giảm chiều cao sẽ ngừng lại.
Gãy xương: thường ở phần thấp cẳng tay, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay, xương sườn và cột sống. Thấy rất đau cột sống và mất đi sau nghỉ ngơi 4-6 tuần, không gây ra ép tủy; gãy xương đùi có thể nguy hiểm cho người bệnh vì các biến chứng do nằm lâu ảnh hưởng tới vận động trong tương lai; Nén đốt sống thường xảy ra ở tuổi 55-70, còn gãy cổ xương đùi thường xảy ra muộn hơn; gãy xương chậu cũng thường xảy ra.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị bệnh loãng xương bao gồm những biện pháp như: thuốc chống đau giãn cơ, vận động thể dục thể chất phù hợp (đặc biệt duy trì trọng lượng cơ thể, tập lưng thẳng, tập bụng). Đề phòng té ngã khi đi đứng, chế độ ăn hợp lý, giảm hoặc ngưng các yếu tố nguy cơ, sử dụng nẹp lưng chỉnh hình, sử dụng thuốc điều trị thích hợp.
Chúng ta cũng biết rằng, cùng với tuổi tác, canxi cũng giảm từ từ một cách không tránh được, từ 20-80 tuổi khối lượng xương mất theo tuyến tính khoảng 30%. Ở phụ nữ nặng hơn vì thêm rối loạn sau mãn kinh, tỷ lệ có thể tới 40% ở tuổi 80. Để phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp sau đây cần được chị em quan tâm đúng mực.
Liệu pháp vận động, không vận động nhất là bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương trong các đợt đau cấp đúng vào lúc cột sống xảy ra nên cột sống bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau. Nhưng tránh bất động hoàn toàn. Cần phải vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì vận động các khớp và cơ, phòng các biến chứng nằm lâu. 
Trường hợp có điều kiện, cho bệnh nhân vận động trong bể nước nóng. Việc vận động trong bể nước nóng bị chống chỉ định khi có một bệnh phủ tạng kết hợp với loãng xương. Mặc áo nịt ngực cứng hoặc nửa cứng giúp bệnh nhân dễ ngồi dậy nhưng chỉ trong một vài tuần sau khi bị nén cột sống. Ngoài cơn đau phải hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần tránh vận động quá mạnh có thể gây gãy xương. Nếu có thể cho bệnh nhân bơi từng đoạn ngắn.
Chế độ ăn: Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đủ chất canxi. (thực phẩm giàu canxi là tôm, cua, trứng, sữa...). Trong điều kiện có thể, mỗi ngày nên uống 1/4 lít sữa tươi hoặc 2 hộp sữa chua.
Thực ra, đề phòng loãng xương ở tuổi sau mãn kinh người ta phải chú ý tới chế độ ăn và luyện tập từ khi còn trẻ.

Viêm khớp ở trẻ em: Phát hiện muộn, dễ gây tàn phế

TS Lê Thị Minh Hương (BV Nhi T.Ư) cho biết, hằng ngày chị tiếp nhận khám và điều trị nhiều bệnh cơ xương khớp ở trẻ em do nguyên nhân khác nhau.

Khám bệnh phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh xương khớp ở trẻ. Ảnh: T.Hà
Khám bệnh phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh xương khớp ở trẻ. Ảnh: T.Hà.

Bệnh nhi N.M.A. (7 tuổi, tỉnh Lào Cai) có gương mặt sáng sủa nhưng dáng đi tập tễnh vì hai đầu gối biến dạng do viêm khớp. Chị Mai, mẹ bé A. cho biết, khi 5 tuổi rưỡi thấy con đau các khớp xương, mấy người bạn chị bảo do bé thiếu can xi nên đau mỏi. Nghe theo lời bạn, chị Mai mua can xi về bổ sung cho con uống.
Một thời gian thấy con đỡ đau chị Mai nghĩ đã chữa đúng bệnh cho con. Nhưng vài tháng sau, những cơn đau của bé A. tái diễn. Chị Mai đưa con đi bốc thuốc của thầy lang. Hết thầy lang này tới thầy lang khác, bệnh của M.A không đỡ mà có dấu hiệu nặng hơn, hai đầu gối bé A. bắt đầu biến dạng, sưng to, lồi ra. Lúc bấy giờ chị Mai mới đưa con xuống BV Nhi T.Ư để khám và điều trị.
BS Minh Hương cho biết, tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức chân tay nhẹ thoáng qua là biểu hiện thông thường hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều. Nếu trẻ bị đau sau vận động quá nhiều hoặc do va chạm với các vật cứng thì không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động thì cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm khớp trẻ em như đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương…, cho đến những bệnh khớp mãn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp. Một trong những bệnh khớp mãn tính thường gặp ở tuổi học đường là bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên.
Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn, là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, bệnh nhân bị bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococcus, Salmonella, Shigella).
Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít cha mẹ hiểu biết rõ nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Một số trẻ em trước khi đến Bệnh viện Nhi T.Ư đã đi khám, chữa hàng năm trời ở nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh, dẫn tới bệnh tiến triển nặng, biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác.
BS Hương cho biết thêm, các triệu chứng của viêm khớp mãn tính gồm sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng thuốc kháng sinh aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân...
Ở trẻ lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu ở một vài khớp to như khớp gối, khuỷu tay, khớp háng, nhưng cũng có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ. Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động kèm theo các cơ ở chi đó bị teo. Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi...
Phát hiện sớm tránh tàn phế
Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp, vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp. Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa.
Bác sĩ Hương khuyến cáo khi trẻ hồi phục sau bệnh viêm khớp, cần khám mắt thường xuyên để phát hiện dấu hiệu của viêm mống mắt.
Bệnh khớp mãn tính ở trẻ em có khả năng gây tàn phế. Vì vậy khi thấy trẻ có những biểu hiện viêm khớp trên 6 tuần, sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường cần phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên gia xương khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Thoát vị đĩa đệm cột sống: Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh

Thoát vị đĩa đệm gây nên những cơn đau khó chịu, thường xuyên tái phát, làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống, trong đó chủ yếu là do chấn thương cột sống như tai nạn giao thông, tai nạn lao động; tư thế làm việc không đúng cách;…
Ở những người trên 30 tuổi, cột sống bắt đầu thoái hóa đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách khi nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống. Hay gặp nhất là việc bê vác vật nặng sai cách. Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng.
Nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hóa khớp, trật khớp… Ngoài ra, các bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm.
Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh 1
Bê vác vật nặng sai cách là nguyên nhân gây thoát bị đĩa đệm cột sống.
Các biện pháp phòng tránh
- Luôn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên tập thể dục rèn luyện đề có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững chắc.
- Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày (ngồi học, ngồi làm việc, mang vác vật nặng đúng cách,..). Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng, điều đó giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống, là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm. Cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do vậy sau khi ngồi làm việc khoảng 1 giờ cũng nên đứng dậy nghỉ ngơi khoảng 10 phút.
- Hạn chế mọi nguy cơ bị chấn thương cho cột sống khi lao động, tham gia giao thông, các vận động, động tác thể thao quá mức và kéo dài,…

Thoát vị đĩa đệm xảy ra bất kỳ phần nào của cột sống như phần cột sống cổ, cột sống thắt lưng, trong đó chủ yếu thoát vị cột sống thắt lưng. Nếu không được điều trị có thể để lại những hậu quả và những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp đĩa đệm thoát vị chèn ép tủy cổ. Khi bị chèn ép các dây thần kinh vùng thắt lưng cùng, bệnh nhân có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ do rối loạn cơ tròn. Ngoài ra bệnh nhân bị teo cơ các chi nhanh chóng, khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí mất khả năng lao động.