Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Phòng ngừa viêm gân

Bệnh lý gân thuộc nhóm bệnh tổn thương phần mềm bộ máy vận động. Đây là nhóm bệnh lý rất phổ biến. Ở chi trên hay bị tổn thương gân cơ xoay khớp vai và gân vùng cổ tay. Ở chi dưới gân bánh chè ở đầu gối, gân Achilles, gân xương chày ở mắt cá chân hay bị hơn cả. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được.
Cấu tạo của gân cơ
Gân chính là đoạn tận cùng của cơ, có vai trò nối cơ với xương và có khả năng chịu được sức căng. Gân cấu tạo chủ yếu từ các bó sợi collagen xếp song song với nhau, mỗi bó được bao bọc bởi một lớp vỏ mô. Tất cả các bó được bao trong bao gân để tạo thành gân thực sự. Vỏ hoạt dịch chỉ có mặt ở một số gân nhất định như gân xương chày sau, gân cơ gấp ở cổ tay. Về mặt cấu trúc thì gân có 3 thành phần chính là các bó sợi collagen, elastatin; chất nền và tế bào.
 
Sợi collagen chiếm tỷ lệ 86% trọng lượng khô của gân, bao gồm chủ yếu là các sợi collagen typ I.  Còn các sợi elastatin chỉ chiếm tỷ lệ 2% nhưng  giúp gân có tính co giãn, linh động. Chất nền bao gồm glucosaminglycan (chủ yếu là chondroitin sulfat), proteoglycan và glucoprotein. Trong số thành phần tế bào thì các tế bào gân là chủ yếu, có chức năng sinh tổng hợp collagen và các chất nền ngoài tế bào. Ngoài ra còn có các tế bào sụn, tế bào hoạt dịch và biểu mô.
 Tổn thương gân bánh chè.
Các yếu tố nguy cơ gây tổn thương gân cơ

Gân là nơi chịu đựng tình trạng quá tải và sự va chạm trong các hoạt động thể thao, động tác lặp đi lặp lại, dễ dẫn tới viêm gân, viêm bao gân, thậm chí rách gân, đứt gân. Gân thường bị tổn thương trong các hoạt động thể dục thể thao, nhất là trong thể thao đỉnh cao như điền kinh, chạy, bóng đá... Các sai sót trong tập luyện cũng như bài tập quá dài, căng thẳng đều làm gân bị quá tải. Các yếu tố khác là mang giày không phù hợp, thời tiết quá lạnh khi tập luyện ngoài trời.
 
Cần chú ý là phụ nữ đi giày cao gót thường hay bị viêm gân vùng cổ chân, đặc biệt là gân gót. Nhiều người ít hoạt động thể lực, ngồi lâu cũng có nguy cơ tổn thương gân vì gân cơ khi đó bị yếu, không đủ khả năng chịu lực khi chuyển sang lao động hay thể dục thể thao. Ở những người cao tuổi, gân bị thoái hoá, trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương khi mang vác nặng hay ngã. Việc sử dụng một số thuốc như fluroquinolon, statin, chống đông đường uống, thuốc tránh thai cũng có thể làm gân cơ bị tổn thương. Một số bệnh nội khoa cũng có thể làm gia tăng nguy cơ tổn thương gân. Đó là viêm khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp, gút, suy thận, bệnh hệ thống.
Dự phòng tổn thương gân cơ
Quá trình hồi phục gân bị tổn thương thường lâu dài và khó khỏi hẳn hoàn toàn. Do vậy dự phòng viêm gân là một biện pháp rất quan trọng, giúp tăng tuổi thọ và sức bền của gân cơ. Đầu tiên là chúng ta cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý và đúng cánh. Về trang thiết bị, chúng ta phải có giày thể thao mềm mại, đúng cỡ. Trước khi luyện tập phải luôn nhớ làm các động tác khởi động nhẹ nhàng để làm ấm, mềm các cơ, gân, chuẩn bị cho gân cơ bước vào hoạt động có hiệu quả. Bài tập thể lực cần tăng dần về số lượng và độ khó. Sau khi tập xong cũng cần có thời gian xoa bóp, nghỉ ngơi làm giãn cơ.
 
Cần tránh làm các động tác nâng tay lên cao quá vai liên tục trong thời gian dài để tránh viêm gân vùng vai. Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót, không nên đi trong thời gian dài. Cần phải ngâm chân nước muối gừng cuối ngày, đồng thời xoa bóp cơ cẳng chân để bảo dưỡng đôi chân. Phụ nữ sau khi sinh cũng cần tránh bế con liên tục hay tránh giặt giũ, mang vác sớm để phòng ngừa viêm gân vùng cổ tay. Những người cao tuổi cần tránh mang vác nặng, tránh leo trèo cầu thang cũng như tránh ngã. Cuối cùng là cần chú ý đặc biệt điều trị các bệnh cũng như tránh một số thuốc có thể gây viêm gân. 
PGS.TS.Nguyễn Vĩnh Ngọc

(Khoa Khớp - Bệnh viện Bạch Mai)

Phòng ngừa đau lưng


Đau lưng là bệnh thường gặp ở những người trung niên và người lớn tuổi. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đau lưng là do sự suy yếu của xương sống lưng và tổn thương cơ bắp mạn tính... Thông thường, những nguyên nhân này thường tác động qua lại lẫn nhau. Ngoại trừ những trường hợp đau lưng có nguyên nhân bệnh lý rõ ràng còn có những trường hợp đau lưng không rõ nguyên nhân. Đau lưng không rõ nguyên nhân thường có liên quan đến tư thế làm việc, sinh hoạt, trong đó thường gặp nhất là những người lao động phải làm việc ở tư thế khom lưng.
Ngoài ra, tư thế sinh hoạt không đúng như ngồi cúi người về phía trước, tư thế ngủ không ngay ngắn, hoặc những người gắng sức khiêng vác các đồ vật nặng... đều có thể gây đau lưng mạn tính.
Để phòng ngừa đau lưng, hàng ngày, mọi người cần kiểm soát tư thế làm việc, sinh hoạt và tư thế nằm ngủ sao cho khoa học, hợp lý. Thường xuyên thay đổi tư thế làm việc, làm những động tác vươn vai giữa giờ có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa đau lưng do tư thế gây nên.
Khi ngủ, giường phải rộng rãi để có thể trở người một cách thoải mái. Những người luôn ngủ trong một tư thế, không trở mình khiến một phần cơ thể máu huyết lưu thông kém, cơ bắp bị chèn ép, có nguy cơ dẫn đến đau lưng. Tư thế ngủ tốt nhất là nằm nghiêng hoặc nằm ngửa, tuy nhiên, cần phải thay đổi tư thế thường xuyên.
Trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, một số người thường có thói quen rụt cổ, khom lưng hoặc co hông... Những tư thế này tuy có lợi cho những công việc cụ thể nhưng do tư thế đơn điệu, một số cơ bắp nằm trong tình trạng co rút lâu, dễ dẫn đến mệt mỏi, thậm chí bị tổn thương.
Mỗi người ngay từ khi còn trẻ nên chú ý uốn nắn, sửa chữa tư thế làm việc sinh hoạt cho đúng. Đối với những người không thể thay đổi tư thế do tính chất công việc, giữa giờ làm việc nên nghỉ ngơi, thư giãn, làm một số động tác ngược với tư thế làm việc.
Chẳng hạn, với người làm việc thường xuyên khom lưng thì nên duỗi thẳng lưng, đối với người làm việc xoay hướng bên phải thì trong lúc nghỉ nên làm động tác xoay hướng về bên trái.
Khi thay đổi tư thế nên thực hiện từ từ, không được thay đổi đột ngột. Khi bị trẹo lưng cần phải làm động tác xoay lưng nhẹ nhàng trong phạm vi có thể. Nếu cần thiết có thể đến bác sĩ để khám và điều trị, không nên xoa nắn lưng một cách tùy tiện.
Uống thuốc không phải là phương pháp tốt nhất trong việc phòng ngừa đau lưng. Một phương pháp khác có thể phòng ngừa đau lưng là tập luyện đi lùi.
Tuy nhiên, khi tập luyện phải chọn nơi địa hình bằng phẳng, rộng rãi, tốt nhất là có hai người cùng tập luyện và cần phải kiên trì tập trong một thời gian dài. Thời gian và cường độ luyện tập phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của bản thân, nên tiến hành tuần tự từ thấp lên cao, từ ít đến nhiều.
BS. Trần Quốc Ninh

Phục hồi vận động sau gãy xương

Trong sinh hoạt, lao động hằng ngày chỉ vì sơ suất nào đó chúng ta có thể bị chấn thương, mà gãy xương là tai nạn rất hay gặp nhất là tình hình tai nạn giao thông hiện nay. Sau một thời gian bó bột, nẹp đinh người bệnh có thể ít nhiều mất những cảm giác vận động. Vậy phải làm thế nào để cơ thể sớm có được sự vận động bình thường và tránh được sự biến dạng về hình dáng sau tai nạn?
Hậu quả do gãy xương
Khi xương tay, chân bị gãy, có những trường hợp bị giập, như vậy không chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ nẹp đinh trong xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập. Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Thậm chí có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện... đây là biểu hiện hay gặp ở người già. Vì vậy sau mổ, phải bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Những biện pháp phục hồi bao gồm
Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 - 15 phút, ngày 4 - 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.
Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.
 Bệnh nhân gãy xương cần kiên trì phục hồi vận động.
Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau. Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. Đưa 2 nạng ra trước 10 - 30cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.
Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.
Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.
Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.
Khi bị chấn thương, để chóng lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu.
BS. Phan Ngọc Minh

Thoát vị đĩa đệm và những hậu quả khó lường

Thoát vị đĩa đệm nhiều tầng - một bệnh lý lâm sàng rất phức tạp, đa dạng, nhất là trường hợp khối lượng thoát vị quá to gây chèn ép tủy sống và đuôi ngựa. Đây là chùm hội tụ nhiều rễ thần kinh thắt lưng - cùng gây đau đớn cho người bệnh tới cực điểm, đòi hỏi phải xử trí cấp cứu kịp thời.
Hậu quả do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đau rễ thần kinh
Đau rễ phản ánh một quá trình tổn thương kích thích rễ thần kinh. Có thể do chèn ép cơ học (thoát vị đĩa đệm, chèn ép do xương); do viêm rễ, viêm ngoài màng cứng, viêm màng nhện của tủy sống; do u rễ. Đau rễ thần kinh thường đau theo dải, lan từ thắt lưng xuống chân, tương ứng với vùng phân bố của rễ thần kinh. Đau rễ xuất hiện sau giai đoạn đau thắt lưng cục bộ, đau tăng lên khi đi lại, đứng lâu, ngồi lâu. Đau dội mạnh lên khi ho, hắt hơi, rặn đại tiện. Nằm nghỉ tại giường lại giảm đau nhanh chóng. Đó là kiểu đau mang tính chất cơ học, thường gặp trong cơ chế xung đột giữa đĩa đệm với rễ thần kinh do thoát vị đĩa đệm.
Đau rễ lại xuất hiện khi đi được một đoạn làm bệnh nhân phải dừng lại để nghỉ. Khi đi tiếp một đoạn nữa, đau lại xuất hiện, buộc bệnh nhân phải nằm nghỉ. Người ta gọi đó là hội chứng đau khập khễnh cách hồi.
Trường hợp đau một rễ thần kinh thường gặp trong thoát vị đĩa đệm tầng L4 - L5 (đốt thắt lưng 4 - 5) và thoát vị đĩa đệm L5 - S1 (đốt thắt lưng 5 - xương cùng thứ nhất). Trường hợp thoát vị đĩa đệm hai tầng sẽ gây đau hai rễ thần kinh, thường gặp ở hai đĩa đệm cuối là L4 - L5 và L5 - S1 vì đây là đoạn bản lề của cột sống thắt lưng, nơi chịu sức ép mạnh của tải trọng phần trên cơ thể và sự chuyển động của cột sống về nhiều phía.
Rối loạn cảm giác thường gặp là giảm cảm giác nông (nóng, lạnh, xúc giác) ở những khu vực khoang da tương ứng với rễ thần kinh bị tổn thương. Đây là biểu hiện mức độ tổn thương sâu sắc của rễ thần kinh.
Rối loạn vận động: bại và liệt cơ ở hai chân do rễ thần kinh chi phối.
Rối loạn cơ thắt: trong tổn thương các rễ vùng xương cùng (rễ S3, S4, S5) có biểu hiện lúc đầu bí tiểu sau đái dầm dề, luôn luôn có nước tiểu chảy rỉ ra một cách thụ động do liệt cơ thắt kiểu ngoại vi không giữ được nước tiểu.
Ngoài các triệu chứng trên, thầy thuốc chuyên khoa thần kinh có những nghiệm pháp khám khách quan như rối loạn phản xạ, rối loạn thần kinh thực vật…
Các giai đoạn tiến triển của thoát vị đĩa đệm.
Và hội chứng đuôi ngựa
Tủy sống tận cùng ở ngang mức đốt sống thắt lưng 2 (L2). Tiếp theo khoanh tủy cuối là nón cùng (hình tam giác giống như cái nón). Đuôi ngựa là hội tụ của các rễ thần kinh thắt lưng cùng, gồm các rễ L2, L3, L4, L5, S1, S2, S3, S4, S5 chi phối thần kinh vận động, cảm giác và dinh dưỡng cho các cơ quan trong chậu hông và hai chân.
Trường hợp đau nhiều rễ thần kinh do chèn ép của khối thoát vị đĩa đệm lớn, nhiều tầng tạo nên bảng lâm sàng như là một khối u, được gọi là hội chứng đuôi ngựa. Đau nhiều rễ cũng ít gặp nhưng rất quan trọng vì thường là khởi đầu của bệnh cảnh hội chứng đuôi ngựa do khối thoát vị đĩa đệm lớn (thể giả u) chèn ép đuôi ngựa. Đặc điểm lâm sàng là đau khốc liệt, người bệnh không thể chịu nổi, đòi hỏi cấp cứu về thần kinh. Đau lại kèm theo liệt cơ, mất cảm giác, rối loạn cảm giác…
Có 3 hội chứng đuôi ngựa tùy theo tầng thoát vị đĩa đệm, có các hội chứng khác nhau:
Hội chứng đuôi ngựa trên: liệt ngoại vi toàn bộ ở hai chân, rối loạn cảm giác hai chân từ nếp bẹn trở xuống, rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi. Thể này ít gặp vì thoát vị đĩa đệm ở đoạn cao (L1 -  L2 và L2 - L3) ít có điều kiện xảy ra.
Hội chứng đuôi ngựa dưới: do thoát vị đĩa đệm L5 - S1, có rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi, rối loạn cảm giác vùng đáy chậu, không có liệt hoặc chỉ liệt một số động tác của bàn chân (rễ L5, S1, S2).
Hội chứng đuôi ngựa giữa: thường gặp do thoát vị đĩa đệm L3 - L4 và L4 - L5. Liệt gấp cẳng chân, liệt các động tác của bàn chân và ngón chân, mất cảm giác toàn bộ ngón chân; mất cảm giác toàn bộ cẳng chân, bàn chân, mặt sau đùi và mông; rối loạn cơ thắt kiểu ngoại vi.
Chẩn đoán xác định viêm đa rễ thần kinh dựa trên cơ sở lâm sàng và các kỹ thuật cận lâm sàng như chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…
 Thoát vị đĩa đệm gây nhiều rối loạn khác nhau.
Chữa trị bằng các biện pháp kết hợp
Chế độ vận động: trong thời kỳ cấp tính, nằm nghỉ tại giường là nguyên tắc quan trọng đầu tiên. Tư thế nằm ngửa trên ván cứng, có đệm ở vùng khoeo làm co nhẹ khớp gối và khớp háng.
Điều trị vật lý và các liệu pháp phản xạ: bao gồm phương pháp nhiệt như chườm nóng (túi nước, muối rang, cám rang, lá lốt, lá ngải cứu nóng); dùng các dòng điện tại khoa vật lý trị liệu, điều trị bằng laser; châm cứu.
Dùng thuốc: chủ yếu là dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, trấn tĩnh thần kinh và vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12). Các thuốc này đều có những chống chỉ định nên phải do thầy thuốc chuyên khoa sử dụng.
Các biện pháp điều trị đặc hiệu khác đều phải điều trị nội trú tại các trung tâm chuyên khoa thần kinh và phẫu thuật thần kinh.
PGS. Vũ Quang Bích

Những bài tập vận động sau thay khớp háng

Trong thành công của thay khớp háng (TKH), việc săn sóc, hướng dẫn bệnh nhân luyện tập sau mổ rất quan trọng vì góp phần làm giảm thiểu những biến chứng, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại tham gia các hoạt động cộng đồng.
Có nhiều bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật TKH, bài tập sau đây do Viện Hàn lâm các phẫu thuật viên của Hoa Kỳ (AAOS) soạn thảo, bài tập tuy tương đối đơn giản, dễ tập nhưng mang lại hiệu quả rất tốt.
Ngay sau khi phẫu thuật
Những bài tập này quan trọng cho lưu thông tuần hoàn của chi thể và phòng chống tắc mạch. Nó còn làm tăng sức cơ và cải thiện tầm vận động của khớp háng. Bệnh nhân có thể bắt đầu những bài tập này trong phòng bệnh trong ngày đầu tiên sau mổ, khi nằm trên giường trong tư thế hai chân dang nhẹ. Lúc đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy không dễ chịu lắm, nhưng nó giúp đẩy nhanh khả năng phục hồi và làm giảm đau sau mổ.
Gấp duỗi cổ chân: Nhẹ nhàng gấp, duỗi cổ chân. Cứ 5-10 phút làm động tác này vài lần. Động tác này có thể làm ngay sau khi mổ về và tiếp tục làm cho đến khi bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.
Xoay cổ chân: Làm 5 lần cho mỗi hướng xoay, 3-4 lần/ngày.
Tập vận động khớp gối: Đưa gót chân về phía mông, gấp gối và để bàn chân trên mặt giường. Không để gối đổ vào trong (làm 10 lần). Nhắc lại 3-4 lần/ngày.
Tập cơ mông: Co cơ mông và giữ trong 5 giây (làm 10 lần). Nhắc lại 3-4 lần/ngày.
Tập dạng chân: Dạng chân tối đa có thể, sau đó khép lại (làm 10 lần), nhưng không được bắt chéo chân. Nhắc lại 3-4 lần/ngày.
 Tập dạng khớp háng.
Tập cơ tứ đầu đùi:
Bó chặt  đùi. Gồng cơ đùi. Cố gắng để duỗi thẳng gối, giữ trong 5-10 giây. Tập 10 lần/ngày, mỗi lần trong 10 phút (tập cho đến khi thấy mỏi cơ).
Nâng chân: Bó chặt  đùi, để gối thẳng trên giường. Nhấc chân lên khỏi mặt giường khoảng 10-15cm, giữ như vậy trong 5-10 giây. Hạ chân xuống từ từ (tập cho đến khi thấy mỏi cơ).
Những bài tập ở tư thế đứng
Ngày thứ 2-3 sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể tập các bài tập ở tư thế đứng. Bệnh nhân có thể nhờ người trợ giúp trong những lần đầu khi bệnh nhân thấy chóng mặt. Khi phục hồi sức khoẻ, họ có thể đứng tập một mình. Khi tập các bài ở tư thế đứng, bệnh nhân phải có điểm tựa vững chắc như thành giường bệnh hoặc tường, tốt nhất luôn có người hỗ trợ đứng bên cạnh.
Nâng gối: Nâng gối lên nhưng không cao quá thắt lưng, giữ trong 2-3 giây sau đó hạ chân xuống (làm 10 lần). Nhắc lại 3-4 lần/ngày.
Tập dạng khớp háng: Giữ cho hông, gối, cổ chân thẳng và cơ thể ở tư thế đứng thẳng. Dạng chân, sau đó hạ chân từ từ cho tới khi bàn chân chạm đất (làm 10 lần). Nhắc lại 3-4 lần/ngày.
Tập duỗi khớp háng: Đưa chân ra sau từ từ. Giữ lưng thẳng. Để chân duỗi trong 2-3 giây, hạ chân xuống sàn từ từ. Làm 10 lần. Nhắc lại 3-4 lần/ngày.
 Tập duỗi khớp kháng.
Tập đi
Sau vài ngày, bệnh nhân có thể bắt đầu tập đi những đoạn ngắn trong phòng bệnh và tiến hành làm những động tác nhẹ nhàng.
Tập đi với khung, chịu tải trọng: Đứng thoải mái và chịu tải trọng cơ thể với sự hỗ trợ của khung tập đi hoặc dùng nạng. Đi từng đoạn ngắn một (đưa khung hoặc nạng đi trước, sau đó nhấc chân vừa mổ đi từng bước một sao cho gót chân chạm xuống trước). Khi bước đi, gối thẳng, bàn chân vuông góc và đặt toàn bộ bàn chân xuống sàn. Nên nhớ đặt gót chân xuống trước, sau đó đặt cả bàn chân, rồi nhấc các ngón chân rời sàn sau cùng. Cố gắng tập đi nhẹ nhàng nhất có thể. Dần dần, BN có thể dồn càng nhiều tải trọng của cơ thể lên chân mổ.
Tập đi với gậy hoặc nạng: Khung tập đi thường dùng cho những tuần đầu sau mổ giúp cho bệnh nhân giữ thăng bằng  và tránh bị ngã. Sau đó, bệnh nhân có thể dùng nạng hoặc gậy chống hỗ trợ trong những tuần tiếp theo cho đến khi thấy sức cơ phục hồi và có thể lấy lại được thăng bằng. Nạng và gậy được sử dụng ở bên tay đối diện với khớp bị mổ. BN có thể sử dụng 1 nạng hoặc gậy chống khi đứng và giữ thăng bằng mà không cần khung tập đi (khi đó trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân và  không cần phải vịn tay trong như khi đang sử dụng khung tập đi).
Chỉ nên bỏ khung, nạng tỳ nén hoàn toàn lên chân thay khớp sau 8 tuần.
Tập lên xuống cầu thang: Khi tập lên xuống cầu thang, yêu cầu cả hai yếu tố: sự dẻo dai và sức mạnh. Đầu tiên, BN cần sự hỗ trợ của tay vịn cầu thang và tập đi từng bước một. Khi lên cầu thang luôn bước chân lành trước, khi xuống bước chân thay khớp trước. BN cần sự hỗ trợ của người khác cho đến khi hồi phục phần lớn sự vận động và sức khoẻ. Không nên tập ở những bậc thang cao quá 7 inches (18cm) và luôn nhớ dùng tay vịn cầu thang để hỗ trợ.
Ngoài bài tập như trên, cần hướng dẫn cho bệnh nhân một số vấn đề quan trọng sau:
Các động tác không nên làm sau phẫu thuật thay khớp háng để phòng sai khớp nhân tạo:
Không gấp khớp háng quá 90 độ, ví dụ: ngồi xổm, bước cầu thang quá cao, ngồi bó gối, cố nhặt 1 vật rơi dưới sàn, khi đang ngồi nếu muốn đứng dậy không nên cúi mình ra phía trước để đứng dậy, nên dùng hai tay để hỗ trợ, nên cố để lưng thẳng...
Không bắt chéo chân thay khớp sang chân lành, ví dụ: ngồi xếp chân “chữ ngũ”, nằm nghiêng không có gối kê giữa hai chân, nằm bắt chéo chân (khuyên bệnh nhân: tốt nhất nằm ngửa, luôn để gối giữa hai đầu gối)...
 Gấp duỗi cổ chân.
Xoay bàn chân vào trong quá mức. Để tránh xoay ngoài khớp nhân tạo.
Ngoài ra, để tránh 3 động tác trên, 1 số vận động không nên làm:
Không chơi các môn thể thao như nhảy cao, nhảy xa, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông...
Không mang vác vật nặng...
Việc luyện tập, tập vận động sau phẫu thuật thay khớp háng rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào thành công chung của phẫu thuật thay khớp. Luyện tập đúng giúp bệnh nhân nhanh hồi phục sức khỏe và phục hồi chức năng khớp háng, sớm trở lại các hoạt động thông thường.
Bệnh nhân được thay khớp háng nhân tạo cần lưu ý rằng: khớp háng nhân tạo dù có tốt đến mấy cũng không thể thay thế hoàn toàn khớp háng bình thường. Vì vậy, trong luyện tập và sinh hoạt, cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các qui trình do nhân viên y tế hướng dẫn, đặc biệt tránh các tư thế có thể gây sai khớp nhân tạo, có như vậy, kết quả phẫu thuật mới thành công thực sự.  

ThS.BS. Phùng Văn Tuấn

Bệnh xơ tủy vô căn

Bệnh xơ tủy vô căn là rối loạn phát triển của một tế bào tiền thân tạo máu đa năng với bệnh nguyên không rõ. Biểu hiện đặc trưng bằng xơ tủy, dị sản tủy, kèm tạo máu ngoài tủy và lách to.
Xơ tủy vô căn được xếp loại là các rối loạn tăng sinh tủy mạn tính, bệnh không thường gặp, do không có triệu chứng đặc hiệu cho dòng nào, việc chẩn đoán khó khăn bởi vì xơ tủy, dị sản tủy, lách to cũng là đặc điểm của các bệnh khác như tăng hồng cầu vô căn, bạch cầu dòng tủy mạn tính (CML); xơ tủy và lách to còn là triệu chứng của nhiều bệnh lành tính lẫn ác tính. Khác với các rối loạn tăng sinh tủy mạn tính khác hay bệnh xơ tủy ác tính hoặc cấp tính hay gặp ở mọi lứa tuổi, xơ tủy vô căn gặp chủ yếu ở người trên 60 tuổi.
Bệnh nhi ghép tủy tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
 
Nguyên nhân sinh bệnh là gì?
Bệnh nguyên của xơ tủy vô căn không rõ. Người ta thấy các bất thường nhiễm sắc thể nhất định như 20q-, 13q- và ba nhiễm sắc thể 1q rất thường gặp, nhưng không có bất thường di truyền học tế bào đặc hiệu nào được xác định. Không thấy có sự liên quan giữa mức độ xơ tủy và mức độ tạo máu ngoài tủy. Bệnh xơ tủy vô căn liên quan với sản xuất quá mức collagen týp III, phát hiện này được quy cho yếu tố tăng trưởng bắt nguồn từ tiểu cầu hay yếu tố tăng trưởng chuyển dạng b, song chưa có một bằng chứng nào thuyết phục. Một đặc điểm quan trọng là các nguyên bào sợi trong xơ tủy vô căn không phải là một phần của dòng u tân sinh.
Biểu hiện của bệnh như thế nào?
Xơ tủy vô căn không có triệu chứng cơ năng hay thực thể nào đặc hiệu. Hầu hết bệnh nhân không có triệu chứng biểu hiện mà thường chỉ được phát hiện khi thấy lách to hoặc công thức máu bất thường khi khám. Có dấu hiệu cho thấy các đặc điểm đặc trưng của tạo máu ngoài tủy: hồng cầu hình giọt lệ, có nhân, tủy bào và tiền tủy bào, nguyên tủy bào. Triệu chứng thiếu máu luôn có nhưng thường nhẹ trong khi số lượng bạch cầu và tiểu cầu bình thường, hoặc tăng hay giảm. Có thể thấy gan to nhẹ, kèm với lách to. Nồng độ lactat dehdrogenase và phosphatase kiềm huyết thanh có thể tăng; nồng độ phosphatase kiềm bạch cầu có thể thấp, bình thường hay tăng. Chụp Xquang xương có thể thấy xơ cứng xương. Nếu tạo máu ngoài tủy quá mức có thể gây ra các triệu chứng: tăng áp nội sọ, tăng áp phổi, dịch ổ bụng, tắc ruột, tắc niệu quản, chèn ép màng ngoài tim, chèn ép tủy xương, hoặc các tổn thương dạng cục ở da. Có khi gặp lách to gây nhồi máu lách biểu hiện bằng triệu chứng sốt và đau ngực kiểu màng phổi. Có thể gặp dấu hiệu tăng acid uric máu và gout thứ phát sau đó.
Tuy bệnh cảnh mô tả trên đây đặc trưng cho bệnh xơ tủy vô căn nhưng các đặc điểm này đều có thể gặp ở các bệnh đa hồng cầu vô căn, CML. Mặt khác nhiều rối loạn cũng có những đặc điểm giống với xơ tủy vô căn, chỉ khác là chúng đáp ứng rõ ràng với các liệu pháp điều trị. Vì vậy, việc chẩn đoán xơ tủy vô căn là một chẩn đoán loại trừ các bệnh: carcinom di căn tủy, nhiễm khuẩn, u lympho, hodgkin, bạch cầu cấp, đa u tủy, bạch cầu dòng tủy mạn tính, tăng hồng cầu vô căn, tăng dưỡng bào toàn bộ, đa hồng cầu vô căn, CML, lupus ban đỏ toàn thân, loạn dưỡng xương do thận.
 Hình ảnh tiêu bản xơ tủy.
Tiến triển và biến chứng
Bệnh nhân xơ tủy vô căn chỉ sống được trung bình 5 năm (nếu nhẹ có thể kéo dài 15 năm). Tiến triển tự nhiên của xơ tủy nguyên phát là một tình trạng suy tủy liên tục với biểu hiện thiếu máu nên bệnh nhân phải phụ thuộc vào truyền máu và tăng kích thước cơ quan. Do suy giảm miễn dịch bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn phổi. Xơ tủy vô căn có thể tiến triển từ giai đoạn mạn tính lên giai đoạn tăng tốc với triệu chứng toàn thân và tăng suy tủy. Có khoảng 10% bệnh nhân bị một thể bệnh bạch cầu cấp tiến triển mà điều trị thường không có kết quả. Các yếu tố ảnh hưởng làm cho bệnh nặng lên gồm: thiếu máu, giảm tiểu cầu, cao tuổi, sự hiện diện của các bất thường di truyền tế bào phức tạp, các triệu chứng toàn thân như sốt không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi về đêm, sụt cân. Mọi bất thường di truyền học tế bào đều liên quan làm cho đời sống của bệnh nhân bị ngắn lại. Sự hiện diện hay phát triển của nhiều bất thường di truyền học tế bào đều báo hiệu bệnh nặng lên, khả năng tử vong sớm hơn.
Chữa trị bệnh ra sao?
Hiện nay không có điều trị đặc hiệu cho bệnh xơ tủy vô căn. Tình trạng thiếu máu có thể nặng thêm do thiếu acid folic hoặc sắt, trong đó có ít trường hợp điều trị bằng pyridoxin có hiệu quả. Hay gặp thiếu máu do hiện tượng tạo máu không hiệu quả trong khi không được bù trừ bằng tạo máu ngoài tủy ở lách và gan. Erythropoietin có thể làm lách to hơn. Nếu xét nghiệm bắt giữ hồng cầu của lách cho biết tình trạng cường lách nên phẫu thuật cắt lách; hoặc cắt lách nếu lách to và nên thực hiện trước khi bệnh nhân bị suy kiệt. Có thể sử dụng allopurinol để kiểm soát tăng acid uric máu. Dùng hydroxyurea để kiểm soát phì đại cơ quan được chứng minh có kết quả tốt. Nếu dùng interferon - a thì kết quả đã quan sát thấy có sự phục hồi của xơ tủy, nhưng cần lưu ý là tác dụng phụ của nó khá nặng đối với người cao tuổi. Có thể sử dụng glucocorticoid để kiểm soát biến chứng tự miễn. Phương pháp ghép tủy nên xem xét sử dụng cho bệnh nhân trẻ tuổi.
BS. Ninh Hồng

Bệnh xương khớp không trừ ai

Bài 1: Gút - vua của các bệnh, bệnh của các “vua”
Có hàng trăm bệnh liên quan đến xương khớp, trong đó 35 bệnh khớp, 7 bệnh quanh khớp, 21 bệnh nội khoa có biểu hiện khớp, 40 bệnh xương cũng thuộc chuyên khoa khớp học. Các bệnh hay gặp như thoái hóa khớp, viêm khớp, loãng xương, gút... ngày càng có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống của người bệnh, đôi khi gây tàn phế, thậm chí có thể gây tử vong do biến chứng. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh và hạn chế biến chứng nếu được điều trị đúng và kịp thời. Báo Sức khỏe & Đời sống xin đăng loạt bài về các bệnh xương khớp giúp độc giả tiếp cận với cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
 Biểu hiện gút cấp tính ở ngón chân.
Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá nhân purin của tế bào, có thể hiểu nôm na là rối loạn chuyển hoá đạm, được đặc trưng bởi sự tăng cao quá mức acid uric trong máu và trong các mô của cơ thể. Các tinh thể urat lắng đọng vào màng hoạt dịch của khớp gây nên viêm khớp vi tinh thể với những triệu chứng rất đặc trưng.
Các khó khăn chính gặp phải khi chẩn đoán bệnh gút
Khi bệnh ở thể điển hình thì có thể phát hiện được không mấy khó khăn. Chẩn đoán bệnh hiện nay vẫn dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ 1968. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay chẩn đoán gút còn gặp nhiều khó khăn. Có 3 nguyên nhân chính gây khó khăn cho công tác chẩn đoán. Thứ nhất, đây là bệnh khá mới nên khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều cơ sở y tế lại chưa có khả năng làm các xét nghiệm cần thiết như chọc dịch khớp, xét nghiệm acid uric máu... nên bỏ qua, không chẩn đoán được bệnh. Nguyên nhân thứ hai là bệnh có rất nhiều biểu hiện và nhiều thể bệnh khác nhau, nên dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Nguyên nhân thứ ba là tình trạng lạm dụng thuốc bừa bãi hiện nay. Bệnh nhân được dùng quá nhiều loại thuốc nên mất hết triệu chứng, khiến chẩn đoán trở nên rất khó khăn. Có nhiều bệnh nhân gút vào viện với các biến chứng nặng nề do lạm dùng thuốc như đái tháo đường, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não.
Các hiểu biết giúp chẩn đoán bệnh chính xác
Đối tượng  và lứa tuổi hay mắc bệnh
Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới trưởng thành. Đa số các bệnh nhân gút là nam giới. Nam dễ bị bệnh, có thể do lối sống, chế độ ăn (rượu, bia ) và vấn đề di truyền. Về tuổi: bệnh thường gặp nhất ở độ tuổi 40-60. Ở nữ giới, bệnh thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.
 Biểu hiện gút ở ngón chân.
Các biểu hiện chính của bệnh gút
Để phát hiện sớm được bệnh gút cần chú ý đến 3 biểu hiện lâm sàng chính của bệnh. Đó là các tổn thương khớp, xuất hiện hạt tophi và tổn thương thận.  Biểu hiện đặc trưng đầu tiên của bệnh gút là các viêm khớp cấp tính do gút. Cơn xuất hiện đột ngột, thường vào ban đêm. Khớp hay bị tổn thương là các khớp ở chi dưới: gối, cổ chân và đặc biệt là ngón chân cái... Khớp bị tổn thương đau ghê gớm, bỏng rát, đau làm mất ngủ, da trên vùng khớp hay cạnh khớp sưng nề, có màu hồng hoặc đỏ. Thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, đôi khi sốt 38-38,5oC, có thể kèm rét run. Một đặc điểm nữa là khi uống thuốc colchicine thì bệnh nhân thấy giảm đau khớp nhanh trong vòng 48-72 giờ. Các đợt viêm khớp này có thể tự khỏi sau khoảng 1-2 tuần. Sau đó lại xuất hiện các đợt viêm khớp mới. Khi tiến triển lâu dài thì bệnh chuyển sang giai đoạn mới. Đó là gút mạn tính. Các khớp bị sưng đau thường xuyên, dần dần bị biến dạng, cứng khớp, dẫn đến tàn phế. Biểu hiện thứ hai  của bệnh gút là xuất hiện các hạt tophi ở trên các khớp bị tổn thương như   khớp cổ chân, bàn ngón chân... Đó là các u cục nổi lên dưới da, không đau, da phủ trên đó bình thường, mỏng, dưới da có thể nhìn chất bột trắng. Hạt tophi cũng có thể ở tình trạng viêm cấp, hoặc rò ra chất nhão và trắng như phấn. Biểu hiện thứ ba của bệnh gút là tổn thương thận. Trong gút mạn tính có thể có lắng đọng muối urat trong thận tạo thành sỏi thận. Khi đó bệnh nhân có các cơn đau quặn thận, đái ra máu, đái ra sỏi, hay thậm chí  không có nước tiểu do sỏi làm tắc nghẽn đường tiết niệu. Để chẩn đoán chính xác bệnh gút cần làm thêm xét nghiệm định lượng acid uric trong máu. Thường phát hiện được nồng độ acid uric máu tăng cao. Các xét nghiệm khác và Xquang khớp tổn thương cho phép xác định mức độ tổn thương và phát hiện các bệnh khác kèm theo.
Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây bệnh
Có hai nhóm nguyên nhân lớn của bệnh gút là gút nguyên phát và gút thứ phát. Gút nguyên phát là thể bệnh gặp nhiều nhất, có tính chất di truyền và mang tính gia đình. Gút thứ phát có nguyên nhân do tăng acid uric máu thứ phát, gây nên bởi một số bệnh như bệnh thận, bệnh máu, do sử dụng một số thuốc, hay do nhiễm độc chì. Có 5 yếu tố  thuận lợi gây bệnh chính. Thứ nhất là yếu tố gia đình. Có tới 30% bệnh nhân gút có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này. Thứ hai là yếu tố nghề nghiệp. Đa số bệnh nhân là trí thức, thương gia, chủ doanh nghiệp. Vì vậy có câu nói: gút là vua của các bệnh và là bệnh của các vua. Nói là vua của các bệnh vì gút cấp gây đau khớp ghê gớm. Nói bệnh của các vua là vì gút trước hết thường hay gặp ở vua chúa, hay những người giàu có. Thứ ba là tật nghiện bia, rượu. Ở Việt Nam có tới 75% bệnh nhân gút uống rượu bia thường xuyên trung bình từ 7-10 năm. Thứ tư là các rối loạn chuyển hoá khác như tăng acid uric máu, tăng đường máu, tăng mỡ máu. Các nghiên cứu khoa học đã chứng tỏ người béo phì có nguy cơ mắc bệnh gút gấp 5 lần so với những người có cân nặng bình thường. Tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút lên 3 lần. Thứ năm là tiền sử dùng một số thuốc làm tăng acid uric máu như  thuốc lợi tiểu, corticoid, aspirin, thuốc chống lao.
Tóm lại, khi bệnh nhân đau sưng các khớp ở chi dưới, có các tính chất như cơn gút cấp, hay có các hạt tophi hay bị sỏi thận, đặc biệt ở bệnh nhân nam giới, cần phải nghĩ đến bệnh gút trước tiên và người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để  chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc

Loãng xương hay viêm khớp?

Tôi 29 tuổi, có con 17 tháng và đang cho con bú. Gần đây, tôi hay bị đau phần xương hông bên trái, thường đau về buổi chiều và tối, nhất là ngày phải làm việc nhiều và leo cầu thang. Xin hỏi bác sĩ tôi bị bệnh gì? Có cách nào điều trị bệnh của tôi không?
Nguyễn Thị Thắng(Hòa Bình)
 Vị trí khớp cùng chậu.
Trường hợp bị đau vùng xương hông (xương chậu) bên trái có khả năng là chị bị viêm khớp cùng chậu trái. Viêm khớp cùng chậu là tình trạng khớp cùng chậu - khớp tạo bởi xương cùng và xương chậu bị viêm. Viêm khớp cùng chậu hay gặp trong bệnh viêm cột sống dính khớp (là một bệnh hay gặp ở nam giới trẻ tuổi, có viêm khớp cùng chậu và viêm dính các khớp ngoại biên và/hoặc cột sống) và phụ nữ mang thai hay sau đẻ hoặc đang mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, tiết niệu. Sở dĩ viêm khớp cùng chậu hay gặp ở phụ nữ mang thai và sau đẻ bởi ở người mang thai - đặc biệt lúc đẻ - khung chậu giãn nở rộng do các dây chằng nối xương chậu với xương cùng bị mềm, ngấm nước và giãn ra. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn cư trú sẵn ở vùng tiểu khung, ở đường tiết niệu sinh dục dễ xâm nhập gây viêm. Đến một thời điểm nào đó, có thể là trước đẻ, sau đẻ một thời gian (thường gặp hơn), viêm bùng phát biểu hiện bởi đau vùng mông một bên hay hai bên, đau âm ỉ liên tục, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi nhưng không hết hẳn. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, xét nghiệm có tình trạng viêm như máu lắng, protein C phản ứng (CRP) tăng cao; đặc biệt khi chụp Xquang hoặc chụp cắt lớp vùng khung chậu sẽ thấy biểu hiện mờ (viêm) khớp cùng chậu. Khi chẩn đoán xác định viêm khớp cùng chậu, bác sỹ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc chống viêm, giảm đau, kháng sinh thích hợp cùng chế độ vận động nghỉ ngơi hợp lý. Còn bệnh loãng xương là bệnh thường hay gặp ở người già - gọi là loãng xương nguyên phát. Loãng xương ở người trẻ tuổi như chị rất ít gặp, thường có một nguyên nhân khác ngoài yếu tố tuổi tác - gọi là loãng xương thứ phát. Biểu hiện của bệnh loãng xương thường là đau cột sống, đau nhức xương dài hoặc có gãy xương sau một tác động có thể là rất nhẹ. Như vậy trường hợp của bạn có thể là viêm khớp cùng chậu. Bạn nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được khám bệnh, chẩn đoán và điều trị chính xác.
BS. Bùi Hải Bình

Bị viêm khớp có nên tập thể thao?

Trước đây tôi vẫn thường xuyên tập thể dục thể thao, nhưng gần đây tôi bị viêm khớp và đã điều trị ổn định. Tôi có nên tập thể thao không thưa bác sĩ?
Võ Hùng Mạnh (Đồng Nai)
Nhiều người mắc bệnh viêm khớp thường băn khoăn về việc luyện tập thể dục thể thao sẽ làm bệnh tật của họ nặng thêm. Tuy nhiên câu trả lời hoàn toàn ngược lại rằng luyên tập thể dục thể thao có tác dụng rất tích cực cải thiện tình trạng viêm khớp vì các lý do như sau: Tập luyện giúp cải thiện vận động và giảm cứng khớp nhất là vào buổi sáng; các hoạt động nhẹ nhàng đều đặn làm giảm đau do viêm khớp; tập luyện giúp cơ bắp phát triển, dẻo dai tăng sự vững chắc giữa các khớp xương giúp người bị viêm khớp đi lại dễ dàng hơn; người bệnh viêm khớp, xương thường bị thoái hóa, nếu luyện tập tích cực sẽ giảm nguy cơ bị loãng xương; duy trì cân nặng hợp lý của cơ thể nhờ tập thể thao rất quan trọng đối với người viêm khớp; luyên tập giúp tinh thần bớt căng thẳng, giảm stress và có ích cho sức khỏe; mang lại tinh thần sảng khoái và thấy yêu đời hơn. Tóm lại, tập luyện khoa học và đều đặn rất có lợi cho sức khỏe và bệnh viêm khớp nên bạn hãy kiên trì rèn luyện để có sức khỏe tốt và đẩy lùi bệnh tật.
Bác sĩ Nguyễn Thế Minh

Chế phẩm sinh học trị viêm cột sống dính khớp

Ở châu Âu, các chế phẩm sinh học kháng TNF alpha được lựa chọn điều trị mới cho bệnh nhân viêm cột sống dính khớp (VCSDK) thể nặng. Giá điều trị rất cao khi sử dụng anti-TNF alpha. Với điều kiện nước ta, việc lựa chọn điều trị mới pamidronate cho bệnh VCSDK thể nặng là chấp nhận được.
 
Bệnh VCSDK hay gặp tại các phòng khám xương khớp, bệnh gặp chủ yếu ở nam giới trẻ tuổi, bệnh nhân thường được chẩn đoán muộn và ít hiểu biết về bệnh. Ở những trẻ khởi phát bệnh trước 16 tuổi, bệnh thường rất nặng đặc biệt có tổn thương khớp háng kết hợp. Viêm cột sống dính khớp là bệnh khớp viêm mạn tính, vì vậy việc điều trị thuốc chống viêm không steroid tùy theo đợt tiến triển của bệnh và có thể sử dụng kéo dài. Các thể nhẹ thuốc chống viêm không steroid đáp ứng rất tốt, kết hợp luyện tập bệnh cải thiện rất nhiều. Bên cạnh đó có nhiều thể bệnh, bệnh nhân mắc bệnh rất nặng, vận động rất khó khăn, bệnh nhân không tự đi và không ngồi xổm được, bệnh dai dẳng làm bệnh nhân dễ bi quan trong điều trị, do không hiểu biết về đặc điểm viêm của bệnh và tạo xương mới tạo thành cầu xương dính cột sống và dính khớp dẫn đến bệnh nhân có những tư thế xấu, gù lưng, gấp khớp háng, gấp khớp gối.
Bệnh VCSDK được biết đến từ rất lâu và mãi đến cuối thế kỷ XIX (năm 1893) Bechterew - bác sĩ thần kinh người Nga mô tả bệnh một cách đầy đủ vì lý do đó mà bệnh còn được gọi là bệnh Bechterew. Nguyên nhân của bệnh VCSDK tuy không rõ ràng nhưng người ta nhận thấy bệnh liên quan chặt chẽ đến kháng nguyên HLA-B27 và chịu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và nhiễm Chlamydia trachomatis. Bệnh biểu hiện chủ yếu bởi viêm cột sống, viêm các khớp, viêm điểm bám gân. Đau cột sống có thể cột sống cổ, cột sống lưng hoặc thắt lưng, bệnh nhân sẽ cúi hạn chế, giai đoạn cuối, bệnh nhân không bao giờ ngửa cổ được và không bao giờ nhìn được mặt trời mọc. Chụp Xquang thường quy khung chậu, cột sống thắt lưng, cột sống lưng và cột sống cổ là rất cần thiết để đánh giá mức độ tổn thương của bệnh VCSDK và tình trạng gãy lún đốt sống. Bệnh nhân VCSDK có nguy cơ gãy xương cao do đó phải đề phòng té ngã đặc biệt gãy cột sống cổ đoạn thấp. Một vài trường hợp có thể bị viêm đốt sống hoặc có dấu hiệu của ép tủy có chỉ định chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng hoặc cổ. Khoảng 20% bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp gối (tràn dịch khớp gối), đối với thể này, bệnh nhân ngoài điều trị thuốc chống viêm không steroid thì phải kết hợp thuốc sulfasalazin. Điều trị VCSDK có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành như vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, chấn thương chỉnh hình đặc biệt cho những bệnh nhân có chỉ định thay khớp háng hoặc chỉnh sửa cột sống, hoặc cố định phía sau cho những trường hợp gãy cột sống cổ đoạn thấp. Ở châu Âu, bệnh VCSDK là một trong số bệnh mạn tính của xương khớp được quản lý như bệnh viêm khớp dạng thấp. Hiện nay trên thế giới vấn đề chẩn đoán sớm VCSDK đang được các nhà khoa học rất quan tâm, nghĩa là chẩn đoán bệnh trước khi có triệu chứng của hình ảnh Xquang viêm khớp cùng chậu. Chẩn đoán sớm có thể dựa vào siêu âm vùng viêm các điểm bám gân hoặc chụp cộng hưởng từ khung chậu hoặc cột sống thắt lưng nhưng phương pháp này rất đắt vì vậy không được ứng dụng trên lâm sàng hiện nay.
 Việc lựa chọn điều trị mới cho VCSDK cho mỗi quốc gia: lựa chọn sử dụng các chế phẩm sinh học như anti-TNF alpha hay pamidronate. Pamidronate là thuốc phù hợp với nền kinh tế của các nước đang phát triển. Thuốc pamidronate thuộc nhóm Biphasphonate. Bisphosphonate có dạng uống và dạng tiêm truyền tĩnh mạch chậm. Biphosphonate có tác dụng gắn vào xương và ức chế hoạt hoá hủy cốt bào dẫn đến giảm hủy xương. Thuốc được sử dụng chủ yếu trong bệnh loãng xương, ung thư di căn xương, các bệnh xương chuyển hoá và điều trị tăng calci máu. Gần đây thuốc pamidronate được coi là thuốc có tác dụng chống viêm, nên được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh VCSDK nặng, những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị các thuốc chống viêm không steroid. Vào những năm 2000-2001 ở Canada, thuốc pamidronate được sử dụng cho những bệnh nhân VCSDK có tình trạng bệnh nặng. Từ đó đến nay nhiều nghiên cứu cho thấy pamidronate có hiệu quả cho bệnh nhân VCSDK. Sử dụng thuốc Pamidronate (AREDIA) truyền tĩnh mạch chậm (điều trị tại bệnh viện), liều từ 30mg cho mỗi tháng trong vòng 6 tháng.
 Ngoài việc quản lý bệnh VCSDK, vấn đề loãng xương ở bệnh nhân VCSDK được các nhà thấp khớp học Anh đã đề cập từ nhiều năm nay. Ngày nay chẩn đoán loãng xương theo tiêu chuẩn quốc tế, ở nước ta có thể áp dụng tại nhiều cơ sở y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vì vậy quản lý loãng xương cho bệnh nhân VCSDK có nhiều thuận lợi, chi phí có thể thực hiện phổ cập cho tất cả bệnh nhân mắc bệnh viêm mạn tính.
BSCK2. Mai Thị Minh Tâm
(Khoa cơ xương khớp- BV E Hà Nội)

Đau khớp kéo dài, tại sao?

Thay đổi thời tiết tức là thay đổi áp suất không khí nên dây thần kinh cảm giác cảm nhận thay đổi. Người viêm khớp khi thay đổi thời tiết thường đau, nhất là khi độ ẩm tăng cao (làm cho các bao gân cơ ở khớp dễ bị co cứng hơn).
Khi có bệnh tiềm tàng, gặp yếu tố thời tiết sẽ kích ứng, như chất xúc tác làm cho cơn đau khởi phát. Ngoài ra, khi làm việc căng thẳng, sẽ dễ đau cột sống cổ do co cứng cơ tại chỗ. Nhiều người than phiền về tình trạng đau nhức mỏi khớp xương, thậm chí đã uống thuốc cả Đông và Tây y nhưng không khỏi...
Thuốc làm bệnh nặng
Ông Doãn Văn T.(77 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) nhập Bệnh viện Bạch Mai, khoa Cơ xương khớp ngày 10/3 trong tình trạng chân tay co quắp, khớp sưng phù nề và đau nhức. Ông đã... tự chữa ở nhà bằng thuốc bột mua ở hiệu thuốc gần nhà, 5.000 - 6.000/gói, uống thấy đỡ đau nên cứ đau lại dùng (!). Khoảng 1 tuần nay ông đau dữ dội, dùng thuốc đó vẫn không đỡ nên chuyển sang tiêm ở một cơ sở tư nhân. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ xác định ông bị viêm khớp dạng thấp, ông đã sử dụng coticoid bừa bãi nên bây giờ lãnh hậu quả.
Theo TS Trần Minh Hoa, phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, đau khớp chỉ là trệu chứng của các tình trạng khớp tăng cảm giác đau gây hạn chế vận động. Cảm giác đau ấy có thể do va chạm, chấn thương, co cơ một cách sinh lý, bệnh lý viêm tại khớp, các thành phần mềm quanh khớp hoặc do khối u chèn ép ở vùng khớp...
Đối với người lớn tuổi, đau khớp thường do thoái hoá. Phụ nữ tuổi mãn kinh (trên 45 tuổi) hay đau dọc xương, cảm giác khó chịu như kiến bò, kiến cắn, nhất là khi đêm về... là do suy giảm hormon sinh dục nữ và đó là dấu hiệu giảm mật độ xương. Nếu bệnh nhân chỉ uống thuốc giảm đau đơn thuần thì chỉ giảm đau được tức thời lúc ấy và chắc chắn sẽ tái phát do nguyên nhân không được điều trị.
Xoa bóp, ăn uống... theo bệnh
Theo TS Hoa, người trên 40 tuổi, có dấu hiệu đau xương khớp, nên đi khám. Nếu thoái hoá khớp, phải điều trị ngăn chặn quá trình tiến trình thoái hoá và kèm thuốc giảm đau. Nếu loãng xương, giúp bệnh nhân có chế độ sinh hoạt và hoạt động tốt thì mới giảm đau được. Nếu chỉ uống vài viên thuốc giảm đau thì vô nghĩa, bởi hết thuốc sẽ lại đau lại.
Phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp phải điều trị suốt đời bởi đó là bệnh tự miễn, một vài đơn thuốc giảm đau không thể khỏi bệnh. Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh phải dùng các thuốc điều trị cơ bản, các thuốc giảm miễn dịch nên phải có sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ nhằm tránh tác dụng phụ đến chức năng gan, thận.
Đau khớp nhưng không sưng vẫn nên vận động, xoa bóp bình thường. Nhưng nếu đã viêm, sưng, nóng, đỏ, đau, có tràn dịch khớp thì nên hạn chế đi lại, không xoa bóp, bởi khi xoa bóp (hoặc kể cả châm cứu) sẽ kích thích phản ứng viêm khớp và làm tình trạng tràn dịch khớp trở nên trầm trọng. Lúc này nên dùng thuốc để hạn chế viêm theo đơn của bác sĩ rồi mới vận động.
Massage xoa bóp chỉ có tác dụng với người đau xương khớp đơn thuần có co cơ hoặc khi làm việc căng thẳng cần thư giãn. Những bệnh nhân cao huyết áp, có bệnh lý xương trầm trọng như: Loãng xương trầm trọng, xẹp đốt sống, tổn thương khớp nghiêm trọng không nên dùng giường massage. Nói chung, kể cả việc vận động và dùng giường massage cũng cần tham vấn ý kiến bác sĩ.
Theo Hoài Hương
Khoa học & Đời sống

Ung thư di căn xương

Di căn xương là các khối u phát triển trong cấu trúc xương do sự nở và tăng sinh của tế bào ung thư mẹ từ nơi khác di chuyển đến, hay còn gọi ung thư phát triển của xương di căn xương thường gặp trong đợt bệnh tiến triển, nghĩa là bệnh đã phát triển lan tỏa.
Ung thư di căn xương
Hình ảnh ung thư xương. 
Xương nhận 10% lưu lượng máu, các ung thư nguyên phát di căn đến xương nhiều hơn di căn đến tổ chức não. Di căn xương thường theo con đường mạch máu hoặc con đường bạch huyết. Xuất hiện di căn xương do sự mất cân bằng giữa hoạt hóa các tạo cốt bào (tế bào sản xuất xương) và hoạt hóa các hủy cốt bào (các tế bào phá hủy xương). Người ta thấy tăng hoạt hóa hủy cốt bào gây hủy xương. Có 80% di căn xương do 5 nguyên nhân như ung thư vú, thận, tuyến tiền liệt, tuyến giáp và phế quản-phổi. Hình ảnh di căn xương thường gặp là hủy xương ngoài ra gặp ít hơn hình ảnh đậm đặc xương hoặc hình ảnh hỗn hợp. Cột sống là nơi hay di căn xương nhiều nhất, sau đó kể đến các vị trí cũng thường gặp khung chậu, xương sườn, xương ức, xương sọ, xương đùi, xương cánh tay và xương đòn.
Trẻ em và người trẻ ít gặp ung thư di căn, nhưng rất hay gặp ở người lớn. Ung thư di căn xương ở phụ nữ quanh tuổi 55 thường do ung thư tuyến vú. Ung thư di căn xương ở nam giới thường do ung thư tiền liệt tuyến. Người ta nhận thấy 80% ung thư di căn xương đến trong 3 năm đầu của ung thư nguyên phát.
Chẩn đoán
Chụp Xquang thường quy là xét nghiệm đầu tiên cho tất cả bệnh nhân có biểu hiện đau, phương pháp này cho thấy độ nhạy thấp và âm tính giả khoảng 3-5%. Chụp xạ hình xương là phương pháp rất nhạy để phát hiện di căn xương và có thuận lợi thăm dò tất cả hệ xương. Mặt trái của xạ hình xương ít đặc hiệu và khi phát hiện ra một bất thường trên xạ hình xương phải thăm dò hệ thống Xquang vùng nghi ngờ vì có nhiều nguyên nhân có dấu hiệu tăng cố định xương. Chụp cắt lớp là phương pháp phân tích hình ảnh gấp 10 lần so với chụp Xquang thường quy và nó giúp cho sự xác định vị trí để sinh thiết xương dưới chụp cắt lớp. Chụp cộng hưởng từ là phương pháp hơn cả chụp cắt lớp nó cho thấy hình ảnh xâm lấn tủy và cả mô mềm lân cận và thăm dò được ống sống. Chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật thăm dò có độ nhạy cao để thăm dò tủy xương.
Điều trị
Tùy thuộc vị trí di căn xương, bản chất của mô xương và nguồn gốc của ung thư. Điều trị các triệu chứng có trên bệnh nhân. Mục đích của điều trị là giảm đau và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Đối với di căn đốt sống mặc áo chỉnh hình, hoặc bơm ximăng vào đốt sống. Trường hợp có hủy xương nhiều sử dụng biphosphonat có tác dụng giảm đau và hạ calci máu. Điều trị đặc hiệu bao gồm: điều trị tại chỗ (liệu pháp tia X và ngoại khoa); điều trị toàn thân (liệu pháp hormon và liệu pháp hóa học, biphosphonat); điều trị triệu chứng (giảm đau, điều trị hỗ trợ, calcitonine và biphosphonat). Điều trị đau trong ung thư di căn xương: sử dụng theo 3 bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới. Thuốc giảm đau sử dụng ưu tiên loại đường uống. Đau rất mạnh sử dụng ngay bậc 3. Thuốc chống viêm không steroide hiệu quả trong những trường hợp đau xương. Thuốc corticoide có hiệu quả giảm đau trên đau xương, nội tạng và thần kinh, nhưng không có ưu tiên loại corticoide nào hay liều nào được xác định.  
Biểu hiện của di căn xương
Tại các phòng khám xương khớp bệnh nhân đến khám với lý do đau xương, đau rất nhiều, đau thường tại chỗ, đau có thể từ tuần này sang tuần khác, đau đêm nhiều hơn đau ngày. Một số bệnh nhân phàn nàn đau cột sống lưng lan xuống thắt lưng. Đau có thể do yếu tố cơ học và cũng có thể do yếu tố hóa học tác động. Trong một số trường hợp bệnh nhân có biểu hiện đau thần kinh tọa, đấy là một trong các biến chứng thường gặp trong ung thư di căn cột sống. Đứng trước bệnh nhân biểu hiện đau thần kinh tọa không đáp ứng với điều trị nội khoa cần chú ý đến các nguyên nhân của bệnh lý ác tính. Gãy xương dài như xương cánh tay, xương cẳng chân. Các biến chứng gãy xương hoặc xẹp đốt sống, ép tủy cũng thường gặp. Ngoài ra có thể gặp dấu hiệu tăng calci máu cấp tính hoặc mạn tính với các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn.
BSCK. Mai Thị Minh Tâm
(Khoa cơ xương khớp - Bệnh viện E Hà Nội)

Nhậu nhiều - coi chừng hư khớp háng

Về khoản nhậu thì có lẽ dân Việt Nam là “Vô địch”. Nhậu mọi lúc mọi nơi và hậu quả thì cũng vô số kể. Một trong số đó là tình trạng hư khớp háng do hoại tử chỏm xương đùi.
Nguyên nhân và triệu chứng
Hoại tử chỏm xương đùi là tình trạng chết của xương do thiếu máu nuôi. Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 30-60, xảy ra ở cả 2 chỏm xương đùi với độ nặng khác nhau hay như nhau. Bệnh xảy ra do các bệnh lý gây tắc các mạch máu nhỏ cung cấp máu cho chỏm xương đùi, ví dụ tắc mạch do các chất mỡ gây tắc mạch trên những bệnh nhân có tổn thương gan do rượu.
 
Nguyên nhân có thể chia làm 2 nhóm chính là có chấn thương hay không chấn thương. Nguyên nhân do chấn thương ví dụ như: té gãy cổ xương đùi, trật khớp háng… nguyên nhân không do chấn thương bao gồm: uống nhiều rượu, bia, dùng corticoide liều cao kéo dài, bệnh lý giảm áp như những người thợ lặn lặn sâu và trồi lên đột ngột, bệnh lý hồng cầu hình liềm, chạy tia xạ và có khoảng 25% không rõ nguyên nhân là gì.
Triệu chứng thường là có cơn đau khởi phát đột ngột mà có lẽ là do thiếu máu nuôi đột ngột. Tuy nhiên, bệnh nhân thường đã có tình trạng hoại tử chỏm trước đó. Cơn đau ngày càng nhiều khi xương chết làm xẹp chỏm xương đùi, đau khi đi đứng và giảm khi nghỉ ngơi. Cơn đau xuất phát từ bẹn lan xuống mặt trong đùi hoặc đôi khi cảm giác đau sau mông. Cơn đau làm hạn chế các vận động của khớp háng và khi khám thấy động tác xoay ngoài và xoay trong háng bị giảm trước. Đôi khi bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng gối và khiến cho nhiều bác sĩ chẩn đoán lầm.
Chẩn đoán và điều trị
Việc chẩn đoán thường dựa trên lâm sàng và X-quang, tuy nhiên ở giai đoạn sớm, X-quang thường qui không phát hiện được, mà phải cần tới phim MRI mới cho phép thấy các tổn thương xương sớm.
Khi đã có chẩn đoán, việc điều trị sẽ bao gồm thuốc kháng viêm giảm đau nhưng kết quả không khả quan mấy. Có rất nhiều phương pháp mổ xẻ nhằm mục tiêu cứu vãn chỏm xương đùi, động tác đơn giản nhất là khoan giải áp, phức tạp hơn có thể ghép xương xốp sau khi khoan, ghép mào chậu có cuống mạch hay xương mác có cuống mạch, nghĩa là bác sĩ sẽ khoan 1 đường hầm giải áp trong chỏm xương đùi, sau đó sẽ dùng một miếng xương có mạch máu nuôi đi theo đặt vào trong chỗ đường hầm với hy vọng là chỏm xương đùi sẽ có máu nuôi và sống lại. Lý thuyết là như thế nhưng kết quả khá hạn chế. Tuy nhiên, người ta vẫn tiến hành vì mục tiêu cứu lấy chỏm xương đùi.
Khi chỏm xương đùi đã hư hoàn toàn thì biện pháp cuối cùng để giải thoát cho bệnh nhân khỏi cơn đau và sự tàn phế là thay khớp háng. Thay khớp háng giúp bệnh nhân đi lại dễ dàng, không đau. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó. Điều đầu tiên là khớp háng nhân tạo không thể tốt hơn chỏm xương đùi thật, bệnh nhân sẽ không được phép ngồi xổm hay bắt chéo chân, nguy cơ có thể bị trật khớp háng mặc dù có nhiều nỗ lực nghiên cứu từ các hãng dụng cụ để giảm thiểu tình trạng này. Thứ đến khớp háng nhân tạo có một tuổi thọ nhất định, sau một thời gian 10-15 năm sau khớp hư thì phải thay lại. Việc thay lại sẽ rất khó khăn và tốn kém do xương bị hư nhiều. Người mang khớp háng nhân tạo cũng giống như mang van tim nhân tạo cũng phải tránh để bị nhiễm trùng ở da, răng, miệng hay những nơi khác, vì khi đó vi khuẩn sẽ bám vào khớp háng nhân tạo gây ra nhiễm trùng và như thế thì rất tồi tệ.
Vì những biến chứng trên mà các bác sĩ cố gắng kéo dài thời gian sử dụng chỏm xương đùi thật càng lâu càng tốt, cho đến khi không còn cách nào khác thì sẽ thay chỏm. Ở nước ngoài, bệnh nhân được bảo hiểm trả nhưng ở Việt Nam thì việc thay khớp háng sẽ là một gánh nặng cho bệnh nhân vì giá khá cao. Tốt nhất có lẽ nên… bớt nhậu để giảm bớt nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi và cũng là một trong những cách tiết giảm chi tiêu trong tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
BS. Tăng Hà Nam Anh