Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Đậu rồng tốt cho khung xương


Đậu rồng có hàm lượng canxi cao nhất trong số tất cả các loại đậu và vì vậy, rất có lợi cho khung xương của con người




Đậu rồng có vị hơi nhẫn giống như vị của rau diếp, còn hoa thì lại giống như các loại nấm. Theo các kết quả phân tích cho thấy, trong thành phần đậu rồng có chứa nhiều protein (hơn 50%), trong đó gồm 18 loại axit amin cần thiết cho cơ thể.
 
Mọi người thích ăn sống vì  đậu rồng rất giòn và ngon khi còn tươi và chỉ  cần cầm tay ăn, có khi luộc sơ rồi ăn không cần đun chín quá sẽ mềm và bớt ngon. Tốt nhất là nên mua lúc mới hái còn tươi, không nên bảo quản lâu trong tủ lạnh vì nó sẽ bị biến màu và giảm chất lượng.
 
Toàn cây đều sử dụng được, lá làm rau ăn, hoa được dùng trong các món bánh, mùi của hạt đậu rồng giống như mùi măng tây, rễ giống như khoai tây nhưng được biết là nó giàu chất dinh dưỡng hơn cả khoai tây. Hạt phơi khô đem rang được chế biến thành một loại thức uống có hương vị giống như cà phê.  
 

Lợi ích cho sức khoẻ 

Đậu rồng có hàm lượng canxi cao nhất trong số tất cả các loại đậu và vì vậy, rất có lợi cho khung xương của con người. Sự có mặt của canxi trong các loại đậu giúp sản xuất và bảo trì hệ thống xương cốt và cung cấp sức mạnh để vượt qua bệnh tật và phòng chống loãng xương
 
Đậu rồng cũng là một nguồn khoáng sản tự nhiên, cung cấp cho con người rất nhiều vitamin (A, C), là những vitamin giúp gia tăng sức đề kháng và chống lão hóa tế bào, Fe giúp phòng chống thiếu máu, và nhiều men tiêu hóa thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ. Là một cây họ đậu nên đậu rồng chứa hàm lượng cao protein và vì vậy có thể thay thế cho protein từ động vật, tốt cho người ăn chay và phòng bệnh suy dinh dưỡng. 

Món ăn chế biến từ đậu rồng

Rửa sạch ăn sống, đặc biệt là chấm với mắm tôm chà là món ăn khoái khẩu của người dân Nam Bộ hoặc chấm với nước mắm kho quẹt, nước tôm rim. Thái mỏng, trộn chung với xà lách, hành tây, tỏi, thêm sốt chanh chua ngọt để làm món rau ghém. Xào hoặc nấu canh tôm, luộc, trộn gỏi, chế biến thành món dưa chua từ đậu rồng để dành dùng lâu. Sau khi rửa sạch để ngăn lạnh,  đây cũng là một trong những món khai vị tuyệt hảo. 


Hạt khô pha với các loại hạt khác như đậu nành, đậu đen, đậu xanh... xay thành bột có thể thay thế cho sữa bột giúp chữa bệnh suy dinh dưỡng, trẻ em bụng ỏng da xanh xao vì đậu rồng có nhiều axit amin cần cho sự phát triển của trẻ như lysin, methionin, cystein... và nhiều Ca. 

Theo DS Nguyễn Đông PhươngKhoa học Đời Sống Online

Điều trị chứng viêm khớp theo chuyên gia Mỹ


Thực hiện theo một số lời khuyên sau của các chuyên gia về viêm khớp Mỹ có thể giúp bạn vượt qua cơn đau khớp, theo trang tin msn.com.


Tập thể dục
Cho dù là bơi lội, đi bộ hoặc đạp xe thì hình thức nào cũng có thể giúp bạn giảm đau, cải thiện sức khỏe của bộ xương cũng như các khớp xương. Nếu bạn quyết định tập thể dục thì hãy bắt đầu bằng việc đi bộ 30 phút/lần với tần suất 3 lần/tuần, theo bác sĩ Neal Barnard.
Các chuyên gia khẳng định rằng, củng cố cơ bắp quanh xương sống sẽ giúp giảm đau lưng và cải thiện khả năng đi lại. Các bài tập thể dục dưới nước cũng giúp giảm các cơn đau do chứng viêm khớp gây ra. Nếu bạn không có hồ bơi, thì theo bác sĩ Justus Fiechtner, bạn có thể chỉ cần duỗi tay chân trong bồn tắm với nước âm ấm hoặc dưới vòi sen cũng giúp giảm đau.
 
Gừng, tỏi... có tác dụng tốt ngăn ngừa viêm khớp - Ảnh: K.Vy
 
Bạn cần tập luyện thường xuyên nhưng đừng gắng quá sức vì có thể khiến cơn đau viêm khớp thêm tồi tệ. “Nếu tập thể dục khiến cơn đau kéo dài hơn 30 phút sau khi bạn đã ngưng tập, thì có lẽ bạn đã tập quá sức. Hãy điều chỉnh lại việc tập luyện”, bác sĩ Michael Loes khuyến cáo.
Ăn uống cân bằng
“Kiểm soát cân nặng là cách tốt nhất giúp bạn ngừa bệnh viêm khớp xương mãn tính. Có chế độ ăn uống cân bằng là cách nhanh nhất đạt được mục tiêu này”, bác sĩ Fiechtner khuyên.
Tổ chức ngừa viêm khớp Mỹ hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý như sau: Ăn nhiều rau củ và ngũ cốc; Bổ sung lượng đường, muối, chất cồn hợp lý và giảm dùng chất béo cũng như cholesterol. Các chuyên gia thuộc tổ chức này cũng khuyên nên dùng các viên bổ sung khoáng chất và đa sinh tố để bảo đảm rằng bạn bổ sung đủ vitamin và khoáng chất, đặc biệt là can-xi, cho cơ thể.
Bổ sung MSM
Hợp chất chứa sulfur, methylsulfonylmethane, hay còn gọi là MSM thường có trong một số thực phẩm như hành, tỏi, các loại rau nhà họ cải, sữa, trứng có thể giúp giảm các cơn đau do chứng viêm khớp. MSM cũng có tác dụng chống viêm sưng nhờ tăng tính hiệu quả của cortisol, chất chống viêm có sẵn trong cơ thể, chuyên gia Stanley Jacob giải thích.
Theo chuyên gia Jacob, có thể bổ sung 1.000 mg MSM 2 lần/ngày từ thực phẩm trong 2-3 ngày đầu tiên. Sau đó, mỗi tuần, bạn bổ sung thêm 1.000 mg MSM cho đến khi cơn đau giảm đi. Lượng MSM cần thiết là từ 2.000 đến 8.000 mg mỗi ngày.
Ăn gừng
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, gừng có tác dụng chặn đứng chứng viêm sưng tương tự như các loại thuốc chống viêm sưng khác, song gừng không gây ra tác dụng phụ. Ngâm một vài lát gừng tươi trong nước nóng 10 phút và uống khi nước nguội bớt.
Đứng thẳng lưng
Đứng không đúng tư thế có thể gây áp lực lên khớp, ảnh hưởng đến xương và sụn, từ đó khiến chứng viêm khớp trở nên tồi tệ hơn, theo chuyên gia Alan Lichtbroun. Vì thế, bạn hãy đứng thẳng lưng, vì như vậy sẽ giúp bảo vệ đầu gối cũng như phần hông về lâu dài.

Theo Nhất Linh - Thanh Niên

5 dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm khớp


Làm thế nào để nhận biết bạn có bị bệnh viêm khớp mãn tính? Điều này thật không đơn giản.


Vì theo giới chuyên môn, một số người thường không có triệu chứng bệnh lý rõ rệt, ngay cả khi tình trạng khớp của họ bị tổn hại có thể nhìn thấy được qua hình ảnh kiểm tra khi chụp X quang.
Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh viêm khớp hoặc bệnh viêm khớp của bạn đã lâm vào tình trạng tồi tệ:

1. Đau khớp: Bạn có cảm giác các khớp bị đau khi vận động và hết đau khi nghỉ ngơi? Tình trạng này thường là do bệnh viêm khớp đang âm thầm tiến triển có thể gây đau không ngớt, bạn cần giới hạn vận động.

2. Cứng khớp: Bạn có cảm thấy các khớp của bạn bị cứng, đặc biệt tồi tệ vào buổi sáng, kéo dài khoảng hơn 30 phút, và giảm nhẹ sau khi nghỉ ngơi? Đó là triệu chứng thông thường của bệnh viêm khớp mãn tính. Tình trạng cứng khớp này có thể làm giới hạn phạm vi hoạt động, mặc dù bạn có thể giúp giảm nhẹ bằng cách thực hiện việc vận động các khớp sau vài phút.

3. Sưng khớp: Các khớp của bạn có bị sưng? Theo các chuyên gia, tình trạng tổn hại khớp có thể thúc đẩy quá trình phát triển của chứng gai xương (osteophytes) gần các khớp, khiến khớp bị viêm sưng.

4. Khớp phát ra tiếng động: Bạn có chú ý tới các tiếng động “lắc rắc” phát ra từ các khớp xương trong khi bạn di chuyển? Bạn cần biết rằng, khi các khớp bị tổn hại có thể tạo ra tiếng động trong khi bạn vận động, do các đầu xương cọ sát với nhau.

5. Yếu cơ: Bạn có nhận thấy các cơ bắp xung quanh các khớp tổn hại bị yếu đi? Việc ít vận động thường xuyên, lâu dài chính là nguyên nhân dẫn đến các cơ bắp ở quanh các khớp bị đau đó dần yếu đi.

Lưu ý: Trong trường hợp bạn mắc phải những triệu chứng trên, đừng quá bi quan. Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp nhất, nhằm giúp làm chậm lại tiến trình phát triển của bệnh viêm khớp mãn tính.
 

Theo Phụ nữ TP.HCM

Những thói quen không tốt cho hệ xương


Các thói quen xấu sẽ khiến hệ thống xương của bạn có vấn đề, tạo điều kiện cho các chứng đau lưng mỏi eo, rạn xương…




Các thói quen xấu dưới đây sẽ khiến hệ thống xương của bạn có vấn đề, tạo điều kiện cho các chứng đau lưng mỏi eo, rạn xương…làm phiền bạn.
Hiếm khi ra nắng
Ngày nay chúng ta đã có ý thức hơn đến việc bổ sung canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên là dân văn phòng, hầu như cả ngày ở trong văn phòng, tối về nhà lại không muốn ra ngoài, không thích vận động, không thích phơi nắng, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt vitamin D. Do vậy, dù có bổ sung can-xi thế nào cũng khó có thể hấp thụ một cách hiệu quả. Một khi xuất hiện hiện tượng loãng xương, sẽ dễ dẫn đến các vấn đề như gãy xương do dùng lực quá sức… 
Ngồi máy tính lâu
Nghiên cứu đã chỉ ra, các bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến cột sống ngày càng trẻ và có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng máy tính. Việc thường xuyên sử dụng chuột, khiến phần cổ bên phải dùng lực nhiều, làm cột sống mất cân bằng, dễ khiến các cơ và dây chằng ở một phía của cơ thể bị căng thẳng nhiều hơn. Liên tục trong thời gian dài, sẽ khiến vùng thắt lưng luôn phải chịu trọng lượng của cả cơ thể, tạo điều kiện cho các bệnh liên quan đến cột sống phát sinh. 
Thích đồ uống có ga
Uống coca thường xuyên sẽ làm giảm mật độ xương gây gãy xương. Nghiên cứu đã chứng minh, axit phosphoric có trong coca không chỉ làm giảm khả năng hấp thụ can-xi của cơ thể, mà còn đẩy nhanh quá trình bài thải can-xi ra khỏi cơ thể.
Giảm cân mù quáng
Lượng chất béo thích hợp được nạp vào cơ thể sẽ thông qua quá trình trao đổi chất chuyển hoá thành các chất như estrogen…, giúp tăng cường sự hấp thụ can-xi, thúc đẩy quá trình hình thành xương, chống loãng xương.
Do tầng chất béo và các cơ đều yếu, nên chỉ cần bị bệnh, hay bị sái chân, ngã…sẽ dễ bị gãy xương hơn những người khác.
Ngoài ra, kết cấu chất béo và cơ ở những người có hình thể gầy, nhỏ cũng khá yếu, cũng rất dễ gây bệnh loãng xương.

Theo Dân trí

Giảm đau cho quý ông mắc gout


Để giảm những cơn đau đớn do bệnh gout gây ra, các quý ông có thể ngâm chân bằng nước ấm có pha chút muối biển Epsom.




Bệnh gout được liệt vào danh sách một trong những bệnh nan y. Bạn phải  xác định tư tưởng “chung sống” với bệnh.
Người mắc gout thường có biểu hiện dễ  nhận thấy là sưng phù nề ở các khớp tay, chân, khủyu tay, đầu gối, mắt cá chân, thường gặp nhất là ở ngón chân cái. Kèm theo đó là cảm giác đau đớn, tấy đỏ. Những cơn đau của chứng bệnh khớp chủ yếu tấn công vào ban đêm.
Thủ phạm gây bệnh
Những người mắc bệnh gout đa phần là nam giới (95%) và phổ biến ở độ tuổi ngoài 40. Nguyên nhân là ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng. Bệnh này dễ “viếng thăm” những ai có trọng lượng cơ thể “hoành tráng”, nghiện rượu, bia.
Theo thống kê, tại Việt Nam có tới 75% bệnh nhân mắc gout uống rượu bia thường xuyên trong 7 - 10 năm. Ngoài ra, nếu gia đình từng có người mắc gout thì bạn nên cẩn trọng vì ước tính 20% bệnh nhân mắc gout là do di truyền. Bệnh sẽ có những biểu hiện tồi tệ hơn nếu người bệnh uống bia, đồ uống có cồn hoặc ăn một lượng lớn phủ tạng động vật. 

Chườm đá giúp giảm đau cho những người mắc gout. Ảnh: Như Ý.
 Các cách giảm đau
Chứng bệnh gout hiện chưa có phương pháp điều trị  tận gốc mà mọi nỗ lực chỉ nhằm mục  đích khống chế cảm giác đau đớn và hạn chế nguy cơ tái phát. Bệnh nhân được điều trị gout bằng thuốc chống viêm NSAIDs và Corticosteroid, có thể cảm nhận những dấu hiệu tích cực sau khoảng 12 giờ. Tuy vậy, không nên coi  thuốc là “thần dược”. Để cải thiện bệnh, cần có chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đều đặn.
Những cơn đau được xem là phiền toái lớn nhất với bệnh nhân gout. Các cách giảm đau đơn giản sau đây được xem là giải pháp tình thế.
- Dùng đá chườm trực tiếp hoặc cho vào túi chườm đắp lên vùng khớp bị sưng viêm khoảng 10 – 15 phút. Đây là giải pháp có tác dụng làm giảm cảm giác đau đớn đã được các chuyên gia thuộc Đại học Y New Jersey (Mỹ) kiểm chứng.
- Việc ngâm chân bằng nước ấm có pha chút muối biển Epsom rất có lợi với bệnh nhân mắc gout. Trong muối Epsom, các chuyên gia tìm thấy một hàm lượng lớn chất  magie. Việc bổ sung magie rất có lợi cho tim mạch, kích thích lưu thông máu, giúp thải loại độc tố. Nếu không có muối Epsom thì bạn cũng có thể dùng những loại muối thông dụng để thêm vào nước ngâm chân, cũng sẽ mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo Thu Hà - báo Đất Việt

Ngủ gối cao hại bằng 8 tiếng cúi đầu làm việc


Nhiều người cho rằng ngủ gối cao sẽ giúp giảm stress, nhưng đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.




90% người bị thoái hóa đốt sống cổ không cần phẫu thuật
Cơ cổ, vai làm việc nặng nhọc, những thay đổi đột ngột của cơ xương đều có thể dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ, ngoài những trạng thái mệt mỏi hay đau nhức ở cổ, còn có những triệu chứng khác như tê tay, chóng mặt nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, ra mồ hôi nhiều, mất ngủ, mất tập trung…, nhưng cũng có một số ít người mắc bệnh hầu như không có những triệu chứng trên, chỉ cảm thấy cơ cổ đột nhiên cứng lại khi đang làm việc hoặc khi thức dậy vào buổi sáng.
Mặc dù nhiều người cảm thẩy rất khó chịu bì những rắc rối bệnh này đem lại là không nhỏ, nhưng các chuyên gia cho biết, chỉ cần loại bỏ những áp lực tinh thần và những nguyên nhân dẫn đến bệnh này từ cuộc sống và trong công việc, thì 90% số người bị thoái hóa đốt sống cổ sẽ có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không cần phẫu thuật.
 
Thoái hóa đốt sống cổ trước đây chỉ xuất hiện ở người cao tuổi,
nhưng hiện nay, bệnh này đã bắt đầu phổ biến ở các bạn trẻ
Tham gia nhiều “hoạt động có tính đối kháng” để phòng bệnh thoái hóa đốt sống cổ
90% người bị thoái hóa đốt sống cổ đều có thể chữa khỏi bệnh thông qua trị liệu, nhưng họ cần loại bỏ những nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc sống và trong công việc mới có thể tránh xa hoàn toàn bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Các hoạt động này là lựa chọn tốt nhất cho những người bị thoái hóa đốt sống nhẹ hoặc những người muốn phòng bệnh.
 
Nói một cách đơn giản là thường xuyên vận động qua lại, tránh giữ quá lâu ở một tư thế, ví dụ như những người làm công việc phải ngổi thường xuyên ở bàn giấy, nếu phải dùng máy tính quá lâu, bạn có thể đẩy màn hình máy tính lên hơi cao để đầu hơi ngẩng khi nhìn vào màn hình máy tính. Ngoài ra, những môn thể thao như cầu lông, thả diều, bơi lội đều có ích để phòng bệnh.
Nằm gối cao là một sai lầm
Nhắc đến những nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa đốt sống cổ, rất nhiều người nghĩ ngay đến những ảnh hưởng không tốt do công việc như ngồi bàn giấy trong một thời gian dài gây nên, nhưng ít người để ý đến nguyên nhân từ những chiếc gối dùng khi ngủ. Thực tế, mỗi người phần lớn đều dùng một phần ba thời gian của cuộc đời để ngủ, cũng có nghĩa là một phần ba thời gian cuộc đời “gắn liền với gối”. Và dùng gối quá cao hay quá thấp cũng đều gây ảnh hưởng không tốt đến đốt sống cổ.
Nếu dùng gối quá cao thì khi ngủ đầu bạn sẽ hơi cúi, cũng giống như việc ngồi bàn làm việc vậy, “nếu ban ngày bạn phải ngồi bàn làm việc 8 tiếng, buổi tối lại “cúi đầu đi ngủ” 8 tiếng do dùng gối quá cao, vậy chẳng khác nào bạn phải cúi đầu làm việc 16 tiếng trong ngày, rất dễ dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ”.
Tương tự, nếu bạn dùng gối quá thấp hoặc không dùng gối, cổ bạn sẽ hơi ngửa ra phía sau khi ngủ, thời gian dài sẽ khiến cổ bị co cứng, không tốt cho xương cổ.


Theo 
Liên Hương - aFamily

Bia - tác nhân số một gây bệnh gout


Sau hàng loạt nghi vấn về ảnh hưởng của chất cồn đối với bệnh gout, các nhà khoa học Mỹ đã chứng minh mối liên hệ này là có thực.




Trong đó, bia là mối đe dọa nguy hiểm nhất, do nó chứa một thành phần đặc biệt nhiều hơn bất kỳ loại nước uống chứa cồn nào. 
Những người uống trên 2 vại bia/ ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người khác
Lâu nay, người ta tin rằng chất cồn có khả năng kích thích cơ thể sản sinh một chất gọi là axit uric. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gout, hay còn gọi là bệnh thống phong, phá huỷ mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp thống phong cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức. 
Trong quá trình theo dõi khoảng 47.000 nam nhân viên y tế trong vòng 12 năm, một nhóm chuyên gia đến từ BV Đa khoa Massachusetts (Mỹ) đã ghi nhận 730 người phát triển bệnh gout. Trong đó, những người nốc trên 2 vại bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần người không uống. Những trường hợp uống rượu ở mức độ tương tự cũng có nguy cơ cao gấp 1,6 lần. Tuy nhiên, dường như không có mối nguy hiểm nào đe doạ những người uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc ít hơn.  
Theo tiến sĩ Hyon Choi, trưởng nhóm nghiên cứu, sự chênh lệch về khả năng gây bệnh gout giữa các loại nước uống chứa cồn có thể do sự góp mặt của một chất phi cồn nào đó. Mọi nghi ngờ đang đổ dồn vào hợp chất có tên là purines, được tìm thấy một lượng lớn trong bia, nhưng lại rất ít trong rượu và những nước uống khác. Chất này có thể tác động lên axit uric trong máu và làm gia tăng tác hại của chất cồn đối với cơ thể. 
Trong y học, bệnh gout còn gọi là bệnh nhà giàu. Số người mắc bệnh đang ngày một gia tăng ở các nước phát triển trong vòng 30 năm qua. Việc điều trị hiện không có trở ngại, song nếu để xảy ra biến chứng thì người bệnh khó tránh bị tổn thương thận, có thể gây sỏi thận.

Theo benhgout.net

Kinh nghiệm điều trị của bệnh nhân Gout kèm theo suy gan, suy thận


Theo thống kê, bệnh nhân Gout thông thường sau 7 đến 10 năm kể từ khi phát cơn Gout cấp đầu tiên mới chuyển thành Gout mạn tính.


Theo thống kê của các nhà khoa học, bệnh nhân Gout thông thường cũng phải sau từ 7 đến 10 năm kể từ khi phát cơn Gout cấp đầu tiên mới có thể chuyển thành Gout mạn tính. Nhưng ông Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1955, trú tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai ông bị chuyển thành Gout mạn tính khá nhanh. Ông mới chỉ bị Gout từ năm 2003, nhưng 3 năm sau trên vành tai và ngón chân, ngón tay của ông đã xuất hiện nhiều cục tophi.

Cục Tophi - hình minh họa

Những cục Tophi này đã gây ảnh hưởng khá nhanh đến khả năng vận động của ông. Các ngón tay khéo léo của một người thợ sửa đồng hồ đã sớm bị co cứng lại khiến ông phải nghỉ làm công việc kiếm sống hàng ngày. Trong khi đôi bàn tay của ông đã trở nên vô dụng thì những cục tophi ở chân cũng gây khó khăn cho việc đi lại của ông. Chỉ đi bộ môt hai trăm mét 2 bàn chân ông đã đau ê ẩm rã rời.
 
Đến BV Biên Hòa để mổ lấy cục tophi ông mới biết thêm mình còn bị suy giảm chức năng gan và suy thận độ 2. Những tưởng bệnh tật sẽ hạ gục ông nhất là sự bi quan, tuyệt vọng đã đến khi ông biết bệnh Gout không thể chữa khỏi và cục tophi ở chân của ông chỉ sau 2 tháng phẫu thuật lại to như cũ.  

Nhưng may mắn đã sớm mỉm cười khi qua báo Thanh Niên ông tìm thấy Viện Gút TP.HCM. Sau hơn 6 tháng điều trị ngoại trú trong sự theo dõi chặt chẽ tất cả các cục tophi ở chân, ở tay của ông đã hoàn toàn biến mất. Điều đáng quan tâm là chức năng gan. chức năng thận của ông đã hoàn toàn phục hồi. Sau điều trị ông đã có thể đi bộ được vài km. Các ngón tay đã hết bi co cứng, giúp cho ông trở lại với nghề sửa đồng hồ cần đôi tay khéo léo.    

So với những bệnh nhân chỉ bị Gout cấp tính và còn chưa bị suy gan suy thận như ông Minh thì kết quả điều trị của ông chuyển biến khá nhanh. Nhưng cũng sẽ không có nhiều kinh nghiệm để chia xẻ  với cộng động nếu như ông Minh không phải là bệnh nhân chấp hành nghiêm túc phác đồ điều trị và chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ Viện Gút hướng dẫn.
 
Thuốc của Viện Gút giúp cho ông phục được chức năng gan, thận, làm tan những cục tophi, nhưng chính việc chấp hành nghiêm túc chế độ dinh dưỡng và phác đồ điều trị mới là yếu tố quan trọng giúp cho ông nhanh chóng phục hồi, trả lại cho ông vai trò của người đàn ông trụ cột trong gia đình. 


Theo benhgout.net

5 bài tập phòng, trị đau tay, vai gáy


Đau vai gáy, viêm khớp vai, khuỷu tay, cổ tay, xơ cứng khớp và dây chằng, các chấn thương khớp và cánh tay rất thường gặp, nhất là ở người cao tuổi.




5 động tác dưới đây sẽ có tác dụng phòng, trị liệu và phục hồi, trả lại chức năng sinh lý bình thường cho chi trên.
 
Chuẩn bị: Ngồi khoanh chân bán già hoặc kiết già. Hai tay chắp trước ngực.

Bài 1: Thở ra, hai tay đẩy song song phía trước như đẩy một trái núi, các ngón tay hướng vào nhau, tinh thần hướng ra ngoại cảnh. Hít vào, toàn thân thả lỏng, tinh thần hướng vào khoang bụng dưới và hai bàn tay thu về chắp trước ngực. Thực hiện 6 lần.
 
Bài 2: Thở ra, hai tay đẩy sang hai bên vai (ngón tay hướng lên trên) như đẩy hai trái núi ra xa, tinh thần hướng ra ngoại cảnh. Hít vào, toàn thân thả lỏng, tinh thần hướng vào khoang bụng dưới và hai bàn tay thu về chắp trước ngực. Thực hiện 6 lần.
 
Bài 3: Từ tư thế chuẩn bị thở ra, hai tay đẩy lên cao như nâng trời, các ngón tay hướng vào nhau, tinh thần hướng ra ngoại cảnh. Hít vào, toàn thân thả lỏng, tinh thần hướng vào khoang bụng dưới, hai tay thu về chắp trước ngực. Thực hiện 6 lần.
 
Bài 4: Từ tư thế chuẩn bị thở ra, hai tay đẩy xuống như ép đất, các ngón tay hướng vào nhau, tinh thần hướng ra ngoại cảnh. Hít vào, toàn thân thả lỏng, tinh thần hướng vào khoang bụng dưới và hai bàn tay thu chắp về trước ngực. Thực hiện 6 lần.
 
Bài 5:
 Từ tư thế chuẩn bị thở ra, hai tay đẩy xuống phía sau như ép đất, các ngón tay hướng vào nhau, tinh thần hướng ra ngoại cảnh. Hít vào, toàn thân thả lỏng, tinh thần hướng vào khoang bụng dưới và hai bàn tay thu về chắp trước ngực. Thực hiện 6 lần.
 
Lưu ý: Khi thực hiện cần kết hợp với hơi thở và sự tập trung tinh thần thì mới có hiệu quả.
 

Theo BS.VS Nguyễn Văn Thắng - bee.net.vn

Cacao: Đồ uống tốt nhất để phục hồi cơ bắp


Ca cao lạnh có tác dụng phục hồi cơ bắp sau các buổi luyện tập và giúp các vận động viên thi đấu nhanh hồi phục hơn bất cứ thứ nước nào.




Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành 4 nghiên cứu để so sánh tốc độ hồi phục các cơ bắp sau một buổi luyện tập căng thẳng khi dùng các loại nước giải khát khác nhau. Từ những số liệu thu được, họ đã đi đến kết luận là các cơ bắp của vận động viên phục hồi nhanh nhất nhờ cacao trong số 4 loại mang thử nghiệm.
Theo các tác giả nghiên cứu, cacao chứa một lượng chất protid đủ để hồi phục cơ bắp, cũng như một lượng cacbohidrat đủ để bổ sung vào số lượng dự trữ của các mô cơ. Ngoài ra, lượng sữa (trong cacao) cho phép đưa vào cơ thể nước và các ion (natri, canxi, magiê) bị hao hụt do sự tiết mồ hôi quá nhiều khi tập luyện.
Trước đây, các nhà khoa học Australia đã giải thích rằng, uống cà phê ngọt cũng tạo ra điều kiện tốt để phục hồi cơ bắp. Cafein giúp cho các cơ bắp đồng hóa được glucoza và tăng tốc độ tái tạo lượng glycogen bị tiêu hóa trong quá trình luyện tập.
Kết quả của những nghiên cứu khác cũng khẳng định tác dụng của sữa đối với các vận động viên.
          Theo Sức khỏe & Đời sống/ Medportal

Teo cơ vì chứng tê tay


Từ khi ứng dụng phương pháp điện cơ tại TP.HCM (năm 1990, ngày càng có nhiều người mắc hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là bệnh tê tay.




Một ca phẫu thuật tê tay bằng nội soi. Ảnh L.N
Đụng đâu cũng tê
Gần 10 năm làm thư ký đánh máy, mới đây, chị Hoàng Thị T. 41 tuổi ở quận Phú Nhuận cảm thấy tay tê nhức và thường xuyên bị tê tay khi lái xe máy, tối ngủ, tay tê cứng không co nắm lại được. Châm cứu và uống thuốc nam mãi nhưng chứng tê tay vẫn không khỏi. Đến khi khám ở khoa Nội thần kinh BV Nhân dân 115 mới phát hiện mắc hội chứng ống cổ tay.
Anh Hoàng làm nghề tiện ốc vít nhiều năm nay cũng cho biết, cách đây 2 tháng, anh thấy tay mình bị tê. Lúc đầu là tay phải, sau đó tay trái bị tương tự. Đến khi đụng vào cái gì tay cũng tê buốt, anh Hoàng mới vào viện khám. Các bác sĩ cho biết rễ thần kinh cổ tay dưới bị chèn ép khiến tay anh bị tê.
Tỷ lệ mắc bệnh của phụ nữ nhiều gấp 3-4 lần so với nam giới. Khoa Nội thần kinh BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận mỗi tuần từ 15-20 ca mắc hội chứng ống cổ tay. Các phòng khám chuyên khoa của BV 115 hay BV ĐH Y Dược TPHCM mỗi tuần cũng có hàng chục ca đến khám và điều trị.
Theo BS Nguyễn Trọng Anh, Giảng viên ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép thần kinh giữa tại cổ tay, gây tê nhức các ngón tay, thường gặp ở phụ nữ và người lao động nặng, chơi thể thao, làm văn phòng. Phụ nữ trung niên, có cổ tay nhỏ hẹp, hay phải làm những động tác khéo léo thậm chí là công việc nội trợ dễ bị thoái hoá khớp hơn vào giai đoạn tiền mãn kinh.
Triệu chứng ban đầu của hội chứng này là tê tay, nhất là khi đi xe máy.
Dễ điều trị
Theo BS Lê Thái Bình Khang, Phó khoa Ngoại Thần kinh BV Nguyễn Tri Phương, hội chứng ống cổ tay không khó điều trị. Khi bệnh nhẹ, bệnh nhân chỉ cần mang nẹp thẳng ở cổ tay vào ban đêm trong vòng hai tháng và uống thuốc.
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn nặng. Chỉ cần mở ống cổ tay, cắt dây chằng ngang cổ tay và giải phóng thần kinh giữa là đủ. Nếu bệnh bị lâu, cơ gò ngón cái đã teo thì phải bóc tách và cắt bao ngoài dây thần kinh.
BS Nguyễn Trọng Anh cho biết, phẫu thuật là biện pháp cuối cùng nếu bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu không hiệu quả. Trước đây, phẫu thuật mở được ứng dụng trong điều trị bệnh này nhưng có nhược điểm là để lại sẹo, có thể đau sẹo sau mổ và xơ dính thần kinh.
Hiện tại, với phẫu thuật nội soi, chỉ cần rạch một vết da nhỏ khoảng 0,6 cm tại ngang cổ tay để xử lý kỹ thuật. Thời gian phẫu thuật không đến 10 phút, bệnh nhân ít đau sau mổ, có thể xuất viện trong ngày và trở lại làm việc sau mổ 2-3 ngày.
Nếu có biểu hiện tê tay, bệnh nhân nên tới khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán xác định bệnh bằng phương pháp điện cơ. Phương pháp này thực hiện dễ dàng tại các bệnh viện.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ bị teo cơ vùng ô mô ngón cái. Bệnh không chỉ làm tay tê nhức khó chịu, bàn tay còn bị yếu đi và khó thực hiện các động tác đòi hỏi khéo léo.
 

Theo Gia Phú -Tiền phong

Bài tập ngừa đau thắt lưng


Những người làm việc thường xuyên ở tư thế ngồi (nhân viên văn phòng, công nhân may) sẽ rất dễ bị đau thắt lưng.




Nếu muốn phòng ngừa, bạn thử chịu khó ngày 2-3 lần thực hiện bài tập gồm 4 động tác sau đây, mỗi động tác 10 lần.

Động tác 1: Chêm gối ở cổ và phía dưới bụng. Giữ lưng thẳng thoải mái, không gồng cơ thắt lưng, ngóc đầu lên và giữ yên trong 10 giây. Sau đó nằm trở về tư thế ban đầu, nghỉ trong 10 giây rồi lặp lại động tác này.
 
 
Động tác 2: Nằm ngửa, 2 chân co, ưỡn thắt lưng như hình 2, giữ yên trong 10 giây. Lúc ưỡn lưng, lưu ý mông và vai vẫn sát mặt giường. Ưỡn lưng xong thì ép thắt lưng sát xuống mặt giường, giữ yên trong 10 giây sau đó lặp lại. 
 
 
Động tác 3: Nằm ngửa, co từng chân và ép đầu gối càng sát bụng càng tốt, mỗi chân giữ 10 giây và lặp lại. 
 
 
Động tác 4: Nằm ngửa, co từng chân lên bụng, sau duỗi thẳng chân giữ yên trong 10 giây rồi lặp lại.
 
 
Theo TS. BS Phan Hữu Phước - Người Lao động
  

Béo phì lúc trẻ, loãng xương khi già


Trẻ em béo phì dễ bị gãy xương và có nguy cơ bị chứng loãng xương khi về già, theo báo The Independent.



 

Cần chú ý hơn đến việc xử lý tình trạng béo phì ở trẻ - Ảnh: Reuters
 
Trẻ em thừa cân phát triển xương to hơn để “gánh” trọng lượng thừa. Khảo sát của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Anh (MRC) trên 499 trẻ em 6 tuổi khỏe mạnh cho thấy, mật độ xương của chúng thấp hơn 5-6% do chúng thiếu các khoáng chất để làm cho xương chắc khỏe.
Nghiên cứu cũng cho thấy, tình trạng béo phì ở trẻ em sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương, yếu xương hông và gãy sống lưng khi về già, do 90% khối lượng xương được tích tụ trong thời thơ ấu, trực tiếp tác động đến độ chắc khỏe của xương về sau này.
Đây là một phần dự án nghiên cứu lớn hơn do MRC phối hợp với một tổ chức ở Southampton thực hiện nhằm tìm hiểu lối sống, chế độ ăn uống và các tác nhân môi trường trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu tác động đến các bệnh liên quan đến tuổi già như tiểu đường típ 2 và bệnh tim.
Theo các chuyên gia, phát hiện mới cho thấy việc xử lý tình trạng béo phì thời thơ ấu đang trở nên cấp thiết hơn do chi phí ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương không rẻ.
Theo Quyên Quân - Thanh Niên

Tập thể dục tốt cho bệnh nhân viêm khớp


Tập thể dục là liệu pháp hữu hiệu giúp những ai mắc bệnh viêm khớp kiểm soát cơn đau và cải thiện thể chất.




Đó là kết luận của chuyên gia Valerie alkowiak từ Trung tâm Thể thao Loyola (Mỹ), theo Reuters. Chuyên gia Walkowiak còn cho biết thêm: “Những ai bị viêm khớp thường ngại tập thể dục vì họ nghĩ sẽ chỉ đau thêm, nhưng chứng viêm khớp sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu mọi người không vận động”.
 
Ảnh: Shutterstock
 
Cũng theo bà Walkowiak, cách tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ về bài tập nào thích hợp và nhờ họ hướng dẫn cách tập luyện. Một số bài tập như đi bộ, đạp xe tại chỗ, bơi lội, tập yoga, dưỡng sinh hay thậm chí làm vườn rất hữu ích cho bệnh nhân viêm khớp vì giúp củng cố sức mạnh và sức bền cơ bắp, qua đó giúp cải thiện khớp...
 
 
Theo Mai Duyên - Thanh Niên

Thời tiết thất thường dễ nhức mình


Những người bị phong thấp thể hàn sẽ đau nhức một khớp hay nhiều khớp, có khi tê dại ngoài da. Đặc biệt khi trời lạnh, đau nhức càng tăng.




Vào những ngày thời tiết thất thường hoặc trở lạnh, chúng ta thường dễ bị ảnh hưởng của khí phong hàn (gió và lạnh) gây ra một số bệnh về đường hô hấp (như cảm lạnh, ho); bệnh về đường tiêu hóa (như lạnh bụng, tiêu chảy); đau nhức xương khớp do phong thấp thể hàn.
 
Cảm lạnh: Nếu mắc cảm lạnh, thường sẽ có một số triệu chứng như sốt mà không ra mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, ho, sổ mũi, người gai gai ớn lạnh.
 
Gặp trường hợp này, chúng ta có thể dùng một trong các bài thuốc sau: Bài 1: Gừng tươi 15 g-20 g, hành trắng (cả dọc hành và lá hành) 15 g; hai thứ rửa sạch, xắt nhỏ, nấu với 500 ml nước, để sôi khoảng 10 phút; uống nóng rồi đắp mền cho ra mồ hôi. Bài 2: Lá tía tô 20 g, dọc hành tươi 20 g, gừng tươi 12 g; ba thứ rửa sạch, xắt nhỏ; nấu gạo tẻ  thành cháo; múc ra tô trộn chung với tía tô, hành, gừng; thêm gia vị ăn nóng; đắp mền cho ra mồ hôi.
Khi thời tiết thay đổi, rất em bé phải vào bệnh viện vì cảm lạnh - Ảnh: Nguyễn Thạnh
Lưu ý: Có thể cho vào cháo nóng một lòng đỏ trứng gà để tăng thêm khí lực, bổ sung dinh dưỡng; trẻ em tùy tuổi có thể dùng với liều bằng 1/2 hoặc 1/3 người lớn.
 
Xoa bóp khi đau nhức khớp
Nếu đau nhức khớp, ngoài uống thuốc có thể kết hợp xoa bóp. Cụ thể: Xoa ấm hai tay hoặc hơ lửa cho ấm rồi xoa nhẹ nhàng từ bên không đau chuyển dần sang bên đau. Xoa theo thứ tự từ đầu xuống cổ, vai, lưng, tay, chân. Khi xoa nên chọn chỗ kín gió, ngồi trên ghế dựa hoặc nằm trên giường.
Có thể dùng một số dầu xoa bóp (có xuất xứ đáng tin cậy), rượu gừng hâm nóng, cao nóng… để tăng cường sức ấm, giúp lưu thông khí huyết, giảm đau nhức. Mỗi ngày, xoa 2-3 lần, mỗi lần 10-15 phút.
Ngoài ra, để trị cảm lạnh, chúng ta có thể lấy một củ gừng tươi rửa sạch, gọt vỏ, giã nát, xào với chút rượu trắng, bọc vào túi vải sạch đánh gió khắp người cho ra mồ hôi. Nếu xông được thì nên dùng 3-5 loại lá trong số các loại như tía tô, sả, kinh giới, bạc hà, ngải cứu, chanh, bưởi... để nấu và xông. Xông xong nhớ lau khô mình không để bị gió lạnh xâm phạm.
Đau bụng lạnh do lạnh: Đau bụng trong trường hợp này thường có một số triệu chứng như: bụng lạnh đau, đầy bụng, ăn uống không tiêu, đi tiêu lỏng, đôi khi buồn nôn, tay chân lạnh, sợ lạnh. Gặp trường hợp này, chúng ta dùng một trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1: Dùng gừng tươi 50 g – 80 g rửa sạch, xắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với một tách nước sôi, uống ấm từng ngụm nhỏ (có thể hòa với một ít mật ong hoặc đường để uống).
Bài 2: Dùng gừng khô (gừng tươi hấp chín rồi đem phơi khô) 12 g, củ riềng 15 g - 20 g; hai vị đem nấu với 500 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần uống ấm trước bữa ăn.
 
Lưu ý: Khi uống có thể kết hợp xoa ấm vùng bụng, quanh rốn hoặc lấy bột lá ngải cứu quấn thành điếu, đốt cháy rồi hơ ấm lỗ rốn và chung quanh 5-10 phút. Khi ngủ, nên giữ ấm vùng bụng, tránh ăn các thức ăn sống lạnh như nghêu, sò, ốc, hến, rau sống,  thức ăn để nguội qua đêm hoặc các đồ nguội chế biến sẵn.
 
Đau nhức khớp: Vào những ngày lạnh, những người bị phong thấp thể hàn sẽ có một số triệu chứng như đau nhức một khớp hay nhiều khớp (như đau lưng, đau khớp cổ, vai, khuỷu tay, cổ chân, cổ tay, đầu gối, khớp ngón tay, ngón chân…). Mức độ đau vừa phải, khớp không sưng, da bình thường không tấy đỏ, không nóng. Có khi bị tê dại ngoài da, tay chân co duỗi, vận động khó khăn. Đặc biệt khi trời lạnh, đau nhức càng tăng lên.
 
Gặp trường hợp này dùng gừng khô 10 g, củ nghệ 8 g, lá lốt 12 g, cỏ xước 12 g, cành dâu tằm 12 g, rễ tranh 10 g; nấu tất cả với 750 ml nước, sắc còn 300 ml, chia 2 lần, uống ấm, trước bữa ăn.
Muốn bấm huyệt thì sờ ở các vùng đau để ấn nhẹ hoặc tìm những điểm mà khi ấn vào là có cảm giác đau nhiều (gọi là a thị huyệt). Dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ ấn vào điểm đau, day nhẹ và xoay theo chiều kim đồng hồ, lúc đầu ấn nhẹ, day nhẹ, sau đó tăng cường độ mạnh dần đến khi thấy dễ chịu là được. Thường bấm và day mỗi huyệt khoảng 2-3 phút.
Theo Người lao động

Ăn đu đủ giảm nguy cơ bị viêm khớp


Một trong những hợp chất của đu đủ là papain, đây là loại enzyme có lợi cho hệ thống tiêu hóa của con người, hạn chế virus, vi khuẩn gây bệnh.


Tác dụng bảo vệ tim mạch

Theo rất nhiều nghiên cứu đu đủ có tác dụng tốt trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch ở những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch, vì đu đủ có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, E và A. 

Các dưỡng chất này có tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol, hạn chế các mảng tiểu cầu do quá trình oxy hóa cholesterol tạo ra bám vào thành mạch máu, gây tắc nghẽn mạch và làm máu không lưu thông được.

Vitamin E và C của đu đủ kết hợp tạo ra hợp chất có tên là paraoxonase, hay còn gọi là enzyme, có thể ức chế quá trình oxy hóa tạo ra các cholesterol xấu (LDL). Ngoài ra, đu đủ còn là loại quả giàu chất xơ nên có tác dụng làm giảm mỡ máu (cholessterol). 

Riêng acid folic có trong đu đủ có tác dụng làm chuyển hóa homocysteine thành acid amino cần thiết như cysteine hoặc methionine. Nếu không được chuyển hóa thì homocysteine có thể gây phá hủy trực tiếp các mạch máu, thậm chí nếu cao, có thể gây bệnh đau tim hoặc đột quỵ.

Đu đủ rất cơ lợi cho sức khỏe của bạn

Tăng cường sức khỏe cho hệ tiêu hóa

Từ lâu, khoa học đã nghiên cứu và phát hiện thấy ăn đu đủ có tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa bệnh ung thư kết tràng. Chất xơ có trong đu đủ có thể “thu gom” các độc tố gây bệnh trong kết tràng và bảo vệ tế bào khỏe mạnh trước nguy cơ bị nhiễm bệnh. 

Ngoài ra, trong đu đủ còn có chứa các dưỡng chất như: folate, vitamin C, beta-carotene, vitamin E có tác dụng giảm thiểu bệnh ung thư kết tràng, đặc biệt là ngăn ngừa sự tấn công của các gốc tự do gây tổn thương ADN. Vì vậy, tăng cường ăn đu đủ cũng là biện pháp phòng ngừa ung thư kết tràng rất tốt cho mọi người.

Thuốc chống viêm nhiễm

Trong đu đủ có chứa 2 hợp chất quan trọng có tên là papain và chymopapain, đây là 2 loại enzyme tiêu hóa protein hiệu quả, có tác dụng làm giảm quá trình viêm nhiễm và làm lành các chấn thương. Ngoài ra, đu đủ còn có chứa nhiều vitamin C, E và betacarotene nên có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm ở mức cao nhất, bởi vậy những người bị bệnh hen suyễn, thấp khớp thường được bác sĩ kê đơn cho dùng các dưỡng chất nói trên.

Tăng cường sức đề kháng

Vitamin C và A do đu đủ cung cấp cho cơ thể sẽ giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn, nhất là nguy cơ phòng chống các loại bệnh thường xuất hiện khi giao mùa như: cảm, cúm, viêm tai...

Ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng

Trên tạp chí Nhãn khoa (AOO) của Hoa Kỳ số ra đầu năm 2009, đã khuyến cáo người ta nên ăn 3 suất rau xanh hoa quả mỗi ngày (mỗi suất tương đương 1 bát nhỏ), sẽ giảm được nhiều nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng có liên quan đến tuổi tác (AMRD). 

Cụ thể làm giảm được tới 36% nguy cơ so với những người chỉ ăn 1 - 1,5 suất. Loại hoa quả tốt nhất có thể ngăn ngừa bệnh ARMD bao gồm: cà rốt, đu đủ vì đây là loại quả có chứa nhiều vitamin C, A, E, carotenoid, chất chống oxy hóa. Có thể chế biến đu đủ dưới dạng xa lát, nước ép hoặc ăn trực tiếp.

Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

Mặc dù sử dụng liều cao vitamin C có thể làm tăng nguy cơ bệnh loãng xương nhưng vitamin C có trong thực phẩm, đặc biệt là trong đu đủ lại có tác dụng bảo vệ cơ thể trước nguy cơ mắc bệnh polyarthiritis, một dạng bệnh viêm khớp dạng thấp. 

Kết luận trên được dựa theo nghiên cứu với hơn 20.000 người sử dụng vitamin C có trong đu đủ và phát hiện thấy có tác dụng rất cao trong việc ngăn ngừa viêm nhiễm gây đau nhức ở người bệnh.

Tăng cường chức năng phổi

Những người nghiện hút thuốc lá hoặc phải sống trong môi trường có khói thuốc (hút thuốc thụ động) thì nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, trong đó có đu đủ. Nghiên cứu của các chuyên gia ở Đại học Kansas (Hoa Kỳ) cho thấy, đây là dưỡng chất có tác dụng ngăn ngừa bệnh viêm nhiễm phổi và bệnh khí phế thũng (enphysema) do hợp chất carcinogen trong khói thuốc lá và benzopyrene trong khói thuốc lá gây ra, nó làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin A ở con người, nhất là ở nhóm người cao tuổi.

Sai lầm khiến vết thương lâu lành


Bệnh nhân N.T.D., 35 tuổi, đến khám bác sĩ do té xe có vết trầy nhỏ ở bắp chân hơn một tháng mà vết thương không lành.




Nghe nói với người bệnh đái tháo đường, vết thương thường không lành, sợ quá nên chị đi khám. Cuối cùng bác sĩ tìm ra nguyên nhân do mỗi ngày vết thương của chị đều được rửa sạch bằng oxy già và thoa Cortibion. Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc vết thương, ngưng dùng các thuốc trên, sau hai tuần vết thương của bà đã khô và lành hẳn.

Kéo dài nhiều tháng

Trong cuộc sống không ít lần chúng ta bị những vết cắt, trầy xước, nếu được chăm sóc đúng cách vết thương sẽ mau lành, không để lại sẹo xấu. Mặc dù một vết thương thường khép miệng và có thể cắt chỉ trong 3-14 ngày, ở một vài vị trí có thể lâu hơn như da đầu, vùng cử động cọ xát nhiều như gối, khuỷu... nhưng quá trình lành vết thương sẽ vẫn kéo dài trong nhiều tháng.

Băng bó đúng cách vết thương mới mau lành

Trước một vết thương chảy máu, việc chảy máu có tác dụng rửa sạch vết thương, chúng ta dùng áp lực đè lên vị trí vết thương để cầm máu bằng miếng vải sạch, gạc hay tờ giấy xốp trong 5-10 phút đến khi máu hết chảy. Nếu máu thấm ướt hết miếng gạc, bạn cũng không lấy ra mà tiếp tục dùng miếng gạc mới đè lên miếng cũ vì nếu lấy ra có thể làm máu chảy nhiều hơn. 

Một vết thương nhỏ thường tự cầm máu sau thời gian ngắn. Một vết thương ở đầu, mặt, miệng... có thể chảy nhiều máu hơn vì ở những vị trí này có nhiều mạch máu. Nếu vết thương ở tay hay chân bạn có thể nâng cao hơn vị trí của tim, làm giảm bớt chảy máu.

Nếu vết thương sắc gọn, nông có thể tự lành. Đối với những vết thương như vậy chỉ cần rửa sạch xung quanh vết thương bằng xà phòng, tránh để xà phòng chảy vào vết thương có thể gây kích ứng, sau đó băng lại bằng băng dính hay băng cá nhân.

Chú ý vết thương dơ

Nếu vết thương sâu, bờ nham nhở, có nhiều cát bụi, tốt nhất nên đến trung tâm y tế gần nhất để được chăm sóc. Những vết thương như vậy cần được rửa sạch cát bụi, cắt lọc bỏ các mô chết và may lại mới mong lành sẹo và hạn chế nhiễm trùng. 

Nếu vết thương rỉ dịch, bạn cần thay băng mỗi ngày để vết thương được sạch, khô thoáng. Một số vết thương lớn mất nhiều da nên được phủ bằng gạc ẩm có tẩm vaseline hay dầu mù u giúp giảm sẹo xấu và lành vết thương nhanh hơn.

Nếu vết thương có ít mủ, mô chết thì nên thoa một ít pomade có pha kháng sinh sẽ giúp vết thương không bị nhiễm trùng, sạch sẽ và giữ ẩm, nhờ đó vết thương sẽ lành tốt hơn. Một khi miệng vết thương đã khép liền thì không cần thoa pomade hay thay băng nữa. Với một số vết thương có mày, tự chúng sẽ bong ra khi vết thương lành, nếu bạn cạy bỏ lớp mày này khi vết thương chưa lành sẽ làm chảy máu và có thể để lại sẹo xấu.

Sau khi được xử trí đúng cách bạn giữ vết thương cao hơn vị trí tim vài ngày sẽ giúp vết thương bớt phù nề và lành sẹo nhanh. Ví dụ với vết thương ở tay chân, tối ngủ bạn kê tay chân lên một cái gối. Kháng sinh thật sự chỉ cần thiết trong một số trường hợp như vết thương dơ có triệu chứng nhiễm trùng, sưng, nóng, đỏ, đau... 

Cần tránh để vết thương tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Một vết thương dơ có nguy cơ gây uốn ván, có thể dẫn đến tử vong do gây co cứng toàn thân và suy hô hấp. Bạn cần đến bác sĩ chích ngừa uốn ván nếu trước đó bạn chưa được tiêm ngừa đủ ba mũi chống uốn ván hay trong vòng năm năm qua bạn chưa hề chủng ngừa uốn ván.

Một số sai lầm

Để một vết thương mau lành chúng ta tránh một số sai lầm như bệnh nhân trên. Oxy già chỉ diệt khuẩn khi vết thương mới xuất hiện, hay chỉ rửa sạch khi vết thương dơ nhờ khả năng oxy hóa mạnh và tạo bọt đẩy những chất như cát, bụi, mủ, mô hoại tử từ trong các hốc sâu của vết thương ra ngoài. Phản ứng của oxy già tạo ra oxy nguyên tử có tính tẩy rửa và diệt khuẩn mạnh, đồng thời sinh nhiệt. Nhờ đặc tính này mà một vết máu dính trên áo quần hay vật dụng sinh hoạt dễ dàng bị tẩy trôi.

Còn Cortibion có chứa corticoide chỉ có tác dụng chống dị ứng như ngứa do chàm, chứ không có tác dụng trong điều trị vết thương vì gây ức chế quá trình tạo collagen, chất cần thiết cho sự lành sẹo.

Ngoài ra quá trình lành vết thương còn cần nhiều chất khác nhau như: đạm, béo, các vitamin A, C... một số loại thực phẩm như rau bồ ngót, diếp cá, các loại rau họ cải được đông y khuyên dùng. Đặc biệt nghệ rất cần cho sự tái tạo tế bào. Các nguyên tố vi lượng khác như selen, acid folic, kẽm... là những yếu tố vô cùng quan trọng cho quá trình lành vết thương. Chúng có nhiều trong các loài nhuyễn thể như hàu.

Một vết thương mãn tính, lâu lành chúng ta còn phải tìm kiếm một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, viêm da thần kinh, bệnh tuyến giáp.
Theo Tuổi trẻ

Trị liệu thoát vị đĩa đệm


Thoát vị đĩa đệm là một dạng bệnh thường gặp ở cột sống, nguyên nhân thường do các đĩa đệm bị thoái hóa ở tuổi trung niên.




Ngày nay thoát vị đĩa đệm còn xảy ra ở lứa tuổi rất trẻ do sinh hoạt lao động, chơi thể thao, sai tư thế khi làm việc, do tai nạn… tạo thuận lợi cho đĩa đệm thoát ra ngoài gây chèn ép dây thần kinh và tủy sống. Vị trí thường bị thoát vị đĩa đệm là cột sống cổ và thắt lưng.

* Thoát vị đĩa đệm ở cột sống cổ: thường gây mỏi cơ vùng vai, tê và đau một tay hoặc hai tay chạy dọc từ vùng cột sống cổ xuống mặt ngoài bàn tay.

* Thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng: gây mỏi cơ, tê và đau một chân hoặc hai chân tùy theo đĩa đệm chèn ép một hoặc hai bên chạy dọc từ vùng thắt lưng xuống bờ ngoài bàn chân .

Chẩn đoán chính xác dựa vào chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ biết được mức độ chèn ép, từ đó có cách điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật, và một phương pháp không thể thiếu là điều trị bằng vật lý trị liệu. Phẫu thuật ngoại khoa chỉ được chỉ định khi đĩa đệm thoát vị có mảnh vỡ hoặc thoát vị đĩa đệm gây hội chứng chùm đuôi ngựa (biểu hiện bí đại, tiểu tiện, mất cảm giác đau xung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục); có liệt chi; đau quá mức thuốc giảm đau không hiệu quả; sau khoảng sáu tháng áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa không có kết quả.

* Điều trị vật lý trị liệu: các chuyên viên vật lý trị liệu sẽ cho người bệnh kéo giãn cột sống. Tùy theo trọng lượng người bệnh và tình trạng cấp tính hay mãn tính mà cho kéo giãn ngắt quãng hay liên tục.

Các phương pháp điều trị giảm đau bao gồm chiếu thấu nhiệt vi sóng, dùng một số dòng điện giảm đau như dòng giao thoa, dòng ten, siêu âm giảm đau và giảm co cứng cơ, chiếu đèn hồng ngoại. Đặc biệt, người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập kéo giãn cột sống để tạo thuận lợi cho đĩa đệm trở về vị trí cũ, các bài tập mạnh cơ lưng, cơ bụng để giữ vững cột sống.

Sau khi đĩa đệm trở về vị trí cũ, người bệnh sẽ không còn cảm giác tê, đau nhức hay khó chịu. Người bệnh vẫn có thể lao động nặng nhưng cần chú ý tránh các tư thế xấu, khi khiêng đồ vật nặng phải hạ hai chân (vị trí như đứng tấn), khi nhặt đồ vật rơi xuống đất cần bước một chân trước một chân sau rồi hạ thấp hai đầu gối dùng tay lấy đồ vật, cố gắng giữ lưng luôn ở vị thế thẳng.

Khi chuyển vị thế từ nằm ngửa sang ngồi dậy phải chuyển qua nằm nghiêng rồi chống tay ngồi dậy và ngược lại, không xoay cột sống nhanh và mạnh một cách đột ngột.

Thoát vị đĩa đệm gây khó khăn cho vận động

* Các bài tập kéo giãn cột sống, bài tập mạnh cơ lưng, cơ bụng: bao gồm các động tác sau:

- Động tác 1: Người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối một chân, hai tay đan chéo ép chân sát bụng, giữ lại 10 giây rồi đổi bên, lặp lại mỗi bên 15 lần.

- Động tác 2:  Người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai tay đan chéo ép chân sát bụng, giữ lại 10 giây, nghỉ rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 3: Người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai bàn chân vẫn còn chạm đất, ấn lưng xuống nệm, giữ lại 10 giây, nghỉ rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 4: Người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai bàn chân vẫn còn chạm đất, nâng mông cao khỏi nệm, giữ 10 giây, nghỉ rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 5: Người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai bàn chân vẫn còn chạm đất, hai khuỷu tay chống xuống nệm, người bệnh ưỡn ngực và ưỡn cổ ra sau, giữ lại lúc nào thấy hơi khó chịu nghỉ rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 6: Người bệnh nằm ngửa, hai chân đạp thành vòng tròn trên không như đạp xe đạp, lúc nào mỏi thì nghỉ rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 7: Người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai tay đặt trên hai đầu gối, hai chân cố gắng co lên, đồng thời hai tay đẩy xuống, gồng cơ giữ lại 10 giây, nghỉ rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 8: Người bệnh quỳ gối và chống hai tay xuống nệm (tư thế quỳ 4 điểm), lưng cong lên như lưng con mèo, giữ lại 10 giây rồi hạ lưng xuống, lặp lại 15 lần.

- Động tác 9: Người bệnh quỳ gối và chống hai tay xuống nệm (tư thế quỳ 4 điểm), hạ từ từ hai mông chạm gót chân rồi giữ lại, hai tay cố gắng bò thẳng về phía trước, lúc nào  mỏi thì nâng mông lên rồi lặp lại 15 lần.

- Động tác 10: Người bệnh quỳ gối và chống hai tay xuống nệm (tư thế quỳ 4 điểm), tay bên phải giơ thẳng về trước kết hợp với chân bên trái duỗi ra sau giữ lại 10 giây rồi đổi bên, lặp lại 15 lần.  

Làm 10 động tác thì được tính một đợt, mỗi ngày người bệnh có thể làm từ 2-3 đợt tùy theo tình trạng sức khỏe. Nếu động tác nào gây đau hay khó chịu thì ngưng động tác đó và báo cho chuyên viên vật lý trị liệu. Sau khi hết tê hay đau, người bệnh nên tiếp tục duy trì các bài tập để giúp cột sống vững chắc hơn.


BS Nguyễn Hồng Vĩnh
Theo Tuổi Trẻ

Vật lý trị liệu thoái hóa cột sống cổ


Thoái hóa cột sống cổ là bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 30, bệnh nhân có thể tập những bài VLTL đơn giản tại nhà.


Dân văn phòng dễ bị thoái hóa cột sống cổ vì sai tư thế khi ngồi làm việc  Ảnh: Quân Nam

Dấu hiệu cảnh báo: tê, đau vùng gáy, vai

Các chuyên viên vật lý trị liệu khuyến cáo về các tư thế, động tác xấu cần tránh:

- Khi chuyển vị thế từ nằm ngửa sang ngồi dậy phải chuyển qua nằm nghiêng chống hai tay ngồi dậy, giữ lưng ở vị thế thẳng, lúc nằm xuống thì ngược lại.

- Không nên xoay cổ một cách nhanh và đột ngột.

- Những công việc cần gập cổ hay ngửa cổ trong thời gian dài thì phải có thời gian nghỉ giải lao sau 1 giờ làm việc, đặc biệt cần tập mạnh các cơ xung quanh vùng cổ để tránh mỏi cổ khi làm việc.

- Những công việc phải ngồi lâu với máy vi tính cũng cần thời gian nghỉ giải lao; màn hình máy vi tính phải ngang tầm mắt, bàn phím không nên để cao hay quá thấp, đặt bàn phím sao cho xương cánh tay và cẳng tay vuông góc 90O.

- Đồ vật trong nhà cũng không đặt quá cao hoặc quá thấp. Đặt ngang tầm để khi lấy không cần với cao, khi làm công việc nội trợ như lau nhà nên sử dụng những cây chổi có chiều cao thích hợp, cần tránh cúi gập cổ quá lâu.

- Khi ngủ không nên nằm gối quá cao.
Thoái hóa cột sống cổ thường gặp ở đoạn đốt sống C5-C6, C6-C7, bệnh nhân than đau và tê vùng sau gáy, vai lan xuống mặt ngoài cánh tay, cẳng tay, ngón út, ngón đeo nhẫn và ngón giữa, có lúc gây yếu cả cánh tay không cầm được đồ vật. Nhiều bệnh nhân than còn đau vùng sau gáy lên nửa đầu phía sau, có lúc kèm hoa mắt chóng mặt, mờ mắt, ù tai, đau và hạn chế tầm vận động khi xoay và nghiêng cột sống cổ.

Để chẩn đoán thoái hóa cột sống cổ dựa vào phim X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI. Từ kết quả này, các bác sĩ chuyên khoa cơ-xương-khớp sẽ quyết định phẫu thuật hay điều trị nội khoa, kết hợp với điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu.

Tư thế, động tác xấu cần tránh

Với phương pháp vật lý trị liệu, người bệnh sẽ được kéo giãn cột sống cổ bằng thiết bị giường kéo hiện đại tùy theo trọng lượng cơ thể. Các cơ co thắt vùng cột sống cổ sẽ được kéo giãn, các lỗ liên hợp sẽ được mở rộng tạo thuận lợi cho đĩa đệm trở về vị trí cũ, các gai xương sẽ không còn chèn ép rễ thần kinh.

Ngoài ra người bệnh sẽ được chiếu thấu nhiệt vi sóng, chiếu đèn hồng ngoại, túi chườm nóng để giảm đau, thư giãn nhóm cơ co thắt, tăng tuần hoàn máu vùng cổ, dùng sóng siêu âm giảm co thắt cơ, giảm đau và kháng viêm.

Người bệnh có thể thực hiện những bài tập đơn giản tại nhà

Bài tập vật lý trị liệu thoái hóa cột sống cổ


* Bài tập 1: kéo giãn, người bệnh có thể nhờ người nhà trợ giúp: người bệnh nằm ngửa sát cạnh giường, người trợ giúp ngồi phía trên đầu giường, hai tay đặt dưới xương chẩm (phía sau gáy) nâng đỡ đầu người bệnh, đồng thời dùng một lực kéo để giãn cột sống cổ, lực kéo vuông góc với trục đứng và hướng về phía người trợ giúp, kéo ra giữ lại đến lúc nào mỏi thì giảm lực từ từ, lúc nào hết mỏi thì thực hiện tiếp 15 lần.

Lưu ý: trong lúc kéo nếu bệnh nhân than đau hay khó chịu thì dừng lại ngay.

*  Bài tập 2: người bệnh nằm ngửa, gập hông gập gối hai chân, hai bàn chân vẫn còn chạm đất, hai khuỷu tay chống xuống nệm. Người bệnh ưỡn ngực và ưỡn cổ ra sau, giữ lại, lúc nào thấy hơi khó chịu thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 3: người bệnh nằm ngửa, hai tay buông xuôi theo thân người, gập cổ về phía chân rồi giữ lại, thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 4: người bệnh nằm ngửa, tay phải đặt phía đầu bên phải, đầu người bệnh cố gắng nghiêng qua bên phải, đồng thời tay phải dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 5: người bệnh nằm ngửa, tay trái đặt phía đầu bên trái, đầu người bệnh cố gắng nghiêng qua bên trái, đồng thời tay trái dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), lúc nào thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 6: người bệnh ngồi dựa lưng vào ghế, tay phải hoặc tay trái đặt trên trán, người bệnh cố gắng gập cổ về phía trước, đồng thời tay phải hoặc tay trái dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 7: người bệnh ngồi dựa lưng vào ghế, tay phải đặt phía đầu bên phải, cố gắng nghiêng đầu qua bên phải, đồng thời tay phải dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

* Bài tập 8: người bệnh ngồi dựa lưng vào ghế, tay trái đặt phía đầu bên trái, cố gắng nghiêng đầu qua bên trái đồng thời tay trái dùng một lực đề kháng giữ đầu ở vị thế trung tính (đầu thẳng), thấy mỏi thì nghỉ. Lặp lại 15 lần.

Làm 10 động tác thì được tính một đợt. Mỗi ngày người bệnh có thể làm 2- 3 đợt tùy tình trạng sức khỏe. Nếu động tác nào gây đau hay khó chịu thì ngưng động tác đó và báo chuyên viên vật lý trị liệu. Sau khi hết tê hay đau, người bệnh nên tiếp tục duy trì các bài tập để giúp cột sống cổ vững chắc hơn.


BS Nguyễn Hồng Vĩnh 
Theo Tuổi trẻ