Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Biện pháp bảo vệ xương khớp trong mùa giá rét

Mùa đông, thời tiết chủ đạo là giá rét, trong đó có những ngày mưa phùn gió bấc, không khí ẩm ướt làm cho tình trạng đau khớp bùng phát dữ dội. 
Vì vậy, việc chăm sóc khớp vào mùa lạnh đúng cách có ý nghĩa quan trọng bảo vệ các khớp và sức khỏe bệnh nhân. Những biện pháp sau đây giúp người khỏe mạnh và bệnh nhân viêm khớp bảo vệ xương khớp hiệu quả trong mùa lạnh.
Ăn uống đầy đủ
Nhân dân ta có câu "thực túc thì binh cường". Tạm hiểu là khi ăn uống đầy đủ, cơ thể sẽ khỏe mạnh. Một chế độ ăn đầy đủ phải gồm 4 nhóm chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. 
Đạm nên ăn là thịt nạc như thịt lợn, bò, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá, tôm, cua, trứng, sữa. Chất đường nên ăn là gạo, ngô khoai, sắn, các loại đậu, trong đó, gạo không nên xay xát quá trắng sẽ làm mất hết các chất bổ. Chất béo tốt cho sức khỏe là chất béo trong cá và hải sản, các loại dầu thực vật dùng để chiên xào thức ăn. Tránh ăn nhiều mỡ động vật. 
Chất béo trong hải sản còn giàu omega-3, omega-6 rất tốt cho xương khớp và tim mạch. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong rau, củ, quả, trái cây chín. Trong đó, cần chú ý tăng cường các vi chất cần thiết như canxi, vitamin C, D, cá, các loại hạt, rau lá xanh, ăn nhiều trái cây, uống sữa… 
Hạn chế các chất kích thích như rượu, cà phê, nước trà, đồ ăn quá chua, quá mặn… Người bệnh cần chú ý duy trì cân nặng hợp lý để tránh thừa cân béo phì gây áp lực lớn lên các khớp.
Biện pháp bảo vệ xương khớp trong mùa giá rét
​Mặc đủ ấm, vận động nhẹ nhàng để bảo vệ xương khớp mùa lạnh.
Luôn luôn giữ ấm cơ thể
Thời tiết mùa đông có ngày lạnh nhiều, ngày lạnh ít nhưng điều quan trọng là bệnh nhân cần mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn đi tất, đeo găng tay…để giữ ấm toàn bộ cơ thể. Những ngày trời rét đậm, rét hại (dưới 12oC), cần tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với nước lạnh. 
Khi rửa nước hay gặp trời mưa, nên nhanh chóng lau khô chân tay để tránh bị lạnh ẩm. Nếu thấy khớp có dấu hiệu đau nhức, cần dùng dầu cao xoa bóp hoặc chườm nóng. Tránh xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp đang bị sưng, nóng, đỏ, đau mà chỉ xoa bóp xung quanh khớp đau mà da vùng khớp lạnh.
Vận động nhẹ nhàng
Trên thực tế, khi càng bị đau nhức xương khớp, người bệnh càng ngại cử động dẫn đến các khớp tê cứng và bệnh càng nặng thêm. Để tránh tình trạng này, bệnh nhân cần vận động nhẹ nhàng để khớp được nuôi dưỡng tốt hơn, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất từ dịch khớp. Bệnh nhân có thể tập các môn: khí công dưỡng sinh, khiêu vũ, đi bộ… theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.
Không tự ý dùng thuốc điều trị
Nếu khớp bị đau nhức, bệnh nhân cần đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc giảm đau hay bất cứ thuốc gì khác về uống. Tránh dùng thực phẩm chức năng, các sản phẩm truyền miệng vì dễ bị tiền mất tật mang và làm mất cơ hội chữa bệnh sớm.


Lái xe máy và bệnh viêm bao gân

Lái xe máy, thường xuyên nhắn tin, dùng chuột máy tính, đánh golf, ẵm em bé, giặt đồ bằng tay... là những hoạt động có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh viêm bao gân ở bàn tay.

Nguyên nhân do ngón tay cái phải co gập, duỗi ra nhiều. Bệnh viêm bao gân ở bàn tay thường khiến bệnh nhân đau, căn cơ, sưng trên vùng cổ tay phía bên có ngón cái.
Theo BS Nguyễn Xuân Anh, Khoa Phẫu Thuật Bàn Tay, Bệnh viện FV, bệnh lý viêm bao gân dạng - duỗi ngón cái ở vùng cổ tay (hội chứng De Quervain ) có những triệu chứng thường gặp là bệnh nhân sẽ cảm thấy đau, cảm giác căng cơ, sưng trên vùng cổ tay phía bên ngón cái. Cảm giác đau khi bạn tăng dạng ngón cái, vặn xoắn cổ tay, hoặc khi cầm nắm chặt ngón tay cái.

viem bao gan
Nguyên nhân là do bao gân duỗi ngắn và gân dạng ngón cái dài bị sưng và chít hẹp vùng ngang qua cổ tay. 
Các yếu tố thuận lợi gây viêm: vặn xoắn cổ tay nhiều, công việc hay nghề nghiệp phải dùng ngón tay cái nhiều tư thế duỗi, hay gập ngón cái: ví dụ sử dụng chuột máy tính, đánh máy, chơi đàn Piano, chạy xe tay ga, chơi Golf, bồng ẵm chăm sóc bé, giặt đồ bằng tay, làm bếp cắt sắt rau củ quả nhiều, thợ may đồ cắt kéo...
Bệnh lý viêm bao gân cũng thường hay gặp ở phụ nữ mang thai do ảnh hưởng của hormon thai kỳ. Bên cạnh đó, các bác sĩ nhận thấy bệnh thường xảy ra ở nữ nhiều hơn Nam. Đặc biệt hay gặp ở những bà mẹ mới sinh phải chăm sóc bé sơ sinh.
Tự mình kiểm tra khi thấy đau ở cổ tay
Nếu nghi ngờ mình đang gặp phải bệnh lý viêm bao gân, bạn có thể tự mình kiểm tra trước khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa cơ, xương, khớp. 

Bạn có thể chẩn đoán bệnh bằng cách xác định các dấu hiệu lâm sàng như nàn tay nắm bàn tay và gập ngón cái lại, nghiêng cổ tay về phía bên trụ (đối diện bên cổ tay đau) nếu cảm giác đau chói lan dọc theo từ cổ tay đến lưng ngón cái và cảm giác căng cơ ngón cái ... thì có thể xác định được bạn đang bị chứng bệnh này tấn công.

viem bao gan
Ngoài ra, khi đến thăm khám, tư vấn tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ giúp bạn kiểm tra chính xác hơn bằng phương pháp siêu âm vùng cổ tay đau có thể thấy sưng nề vùng bao gân viêm.

viem bao gan
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Với những trường hợp bệnh lý còn trong giai đoạn nhẹ, hay bệnh nhân đang mang thai, đang cho con bú không tiện uống thuốc bạn có thể áp dụng phương pháp điều trị không dùng thuốc: chườm lạnh cổ tay sưng đau 2 lần/ ngày, khoảng 15 phút/ngày. Xoa nhẹ cổ tay đau. 

Lưu ý, Không xoa bóp dầu nóng và rượu thuốc, không đi nắn trật đã có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Bạn có thể thoa cream thuốc kháng viêm tại chỗ như: Voltarene gel, Profenid gel. Ngoài ra, vào buổi tối khi nghĩ ngơi bệnh nhân nên ngâm tay nước muối ấm, xoa nhẹ nhàng vùng cổ tay đau, tập căng nhẹ ngón cái để giảm đau. 

Dùng băng thun hoặc mang nẹp cổ tay sẽ làm giảm đau khi sử dụng ngón cái. Nếu đã áp dụng các cách trên mà tình trạng đau không cải thiện nên đến khoa cơ xương khớp tại các bệnh viện để được khám, chẩn đoán và điều trị.

viem bao gan
 Với tư thế lái xe máy như thế này dễ khiến bạn bị viêm bao gân

Nếu tình trạng đau tái phát, kéo dài vì bệnh đã ở giai đoạn nặng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc kháng viêm, có thể kèm giảm đau Acetaminophen để giảm đau. 

Nếu tiêm cortisone tại bao gân viêm sẽ giúp giảm đau rất nhanh  nhưng bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ của cortisone tại chỗ tiêm như teo da vùng tiêm thuốc, da mỏng, đổi màu. Không được tiêm trực tiếp vào gân- dễ gây biến chứng teo, xơ hoá và đứt gân.
viem bao gan
Nếu sau tiêm thuốc bệnh không đáp ứng hoặc tái phát: có thể tiến hành tiểu phẩu giải phóng bao gân bị viêm chít hẹp tại cổ tay. Lưu ý biến chứng thường hay gặp: làm tổn thương nhánh cảm giác thần kinh quay đi qua cổ tay  sau mổ bị tê, mất cảm giác vùng lưng ngón cái, kẻ ngón cái và ngón trỏ.
Để phòng bệnh, BS Xuân Anh khuyên rằng, để tránh các động tác lập đi lập lại thường xuyên như vặn xoắn cổ tay, dạng ngón cái, gập ngón cái. Khi làm việc hay những hoạt động như đánh máy, cầm viết, nhắn tin điện thoại nhiều, chạy xe tay ga... thì nên dành thời gian thư giãn cho bàn tay, không nên hoạt động liên tục trong nhiều giờ. 

Đừng chủ quan với thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn là bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, tâm lý bệnh nhân, nhưng nhiều người vẫn chủ quan hoặc ngại đi khám, đến khi gặp thầy thuốc thì đã quá muộn.


Các bác sĩ Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế phẫu thuật thoát vị bẹn cho một bệnh nhân - Ảnh: N.H.
Các bác sĩ BV Trường ĐH Y dược Huế phẫu thuật thoát vị bẹn cho một bệnh nhân - Ảnh: N.H.
Điều này làm cho quá trình điều trị gặp khó khăn, kết quả sau mổ không mỹ mãn, thậm chí gặp nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Đến muộn, tái phát cao
Phẫu thuật sớm, giảm biến chứng
Theo các bác sĩ, thoát vị bẹn ở trẻ em là loại bệnh lý bẩm sinh, khá phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi với tỉ lệ 1-3% và tỉ lệ 3-4,8% ở trẻ sinh non. Việc chẩn đoán và điều trị phẫu thuật sớm sẽ giảm thiểu tối đa các biến chứng thường gặp.
PGS Liễu cho biết ở trẻ em chủ yếu có hai phương pháp điều trị phẫu thuật thoát vị bẹn, gồm: cột, cắt cao cổ túi thoát vị đơn thuần và cột, cắt cao cổ túi thoát vị kèm với khâu hẹp lỗ bẹn sâu. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp để giảm tỉ lệ tái phát, tai biến và các biến chứng khác. 
Bác sĩ khuyên các bậc phụ huynh khi phát hiện các biểu hiện bất thường ở vùng bẹn của trẻ cần phải đưa đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị sớm.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Liễu - trưởng khoa ngoại tổng hợp BV Trường ĐH Y dược Huế, từ năm 2013 đến nay bệnh viện này đã phẫu thuật thoát vị bẹn hơn 200 ca, gần một nửa số bệnh nhân mắc bệnh từ 1-5 năm.
Trong đó có 43% trẻ em mắc bệnh, hơn 74% bệnh nhân ở nông thôn, miền núi và chỉ có bốn trường hợp nữ giới mắc bệnh.
Ông T.V.B. (70 tuổi, trú tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết cách đây ba năm ông đi khám tổng quát và tình cờ phát hiện mình bị thoát vị bẹn hai bên với các biểu hiện khối thoát vị phồng to, đi lại khó khăn và nặng ở vùng bẹn.
Theo ông B., các triệu chứng này đã xuất hiện từ 20 năm trước nhưng ông không nghĩ đó là bệnh bởi vùng bẹn tự xẹp xuống khi nằm hoặc lấy tay đẩy lên. Ông B. được một bệnh viện tư tại TP Huế phẫu thuật và trở về lao động bình thường. 
Vài tháng sau, ông B. lại thấy vùng bẹn gia tăng kích thước khi ho hoặc lao động nặng nên đến Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) mổ lần hai. 
Đến đầu năm 2014, bệnh tái phát cả hai bên với các biểu hiện tương tự trước đó và đau nhiều ở vùng bẹn. Ông B. được BV Trường ĐH Y dược Huế phẫu thuật bằng phương pháp đặt tấm lưới nhân tạo có nút cả hai bên, sau hai tuần điều trị bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Còn trường hợp ông C.N.D. (55 tuổi, trú tại TP Huế) phát hiện bệnh thoát vị bẹn quá muộn dù có biểu hiện bệnh từ nhỏ. Ông D. được các bác sĩ khám và tư vấn nên mổ nhưng vì tâm lý sợ mổ nên ông đã dùng băng treo tự chế để mang!
Theo các bác sĩ, việc làm này không những không mang lại kết quả mà còn khiến vùng bẹn cả hai bên của ông D. bị teo các cơ, biến dạng và lỗ thoát vị rất lớn. Bệnh nhân này đã được Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế mổ tái tạo thành bụng thành công nhưng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa trị.
PGS.TS Nguyễn Văn Liễu cho biết hai bệnh nhân trên đến khám và điều trị thoát vị bẹn quá muộn dẫn đến tỉ lệ tái phát cao và ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt.
Theo PGS Liễu, thoát vị bẹn là khối phồng lên ở vùng bẹn, thường diễn ra từ từ, cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn là dấu hiệu sớm nhất của bệnh. Dấu hiệu này ngày càng rõ, kèm theo việc xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn khi áp lực ổ bụng tăng như làm việc nặng, ho, rặn...
Càng về sau khối thoát vị càng lớn và xuất hiện thường xuyên khi đứng, có thể biến mất khi nằm hoặc bệnh nhân tự đẩy khối thoát vị lên.
Nhiều phương pháp điều trị
PGS.TS Nguyễn Văn Liễu cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoát vị bẹn, trong đó có nguyên nhân bẩm sinh và nguyên nhân mắc phải. Bệnh này thường xảy ra ở người làm các công việc nặng nhọc hoặc quá sức; các bệnh lý trong ổ bụng đưa đến thoát vị bẹn, mắc bệnh sau các phẫu thuật cắt ruột thừa, gãy xương chậu... 
Thoát vị bẹn được chia làm ba loại: thoát vị bẹn trực tiếp, gián tiếp và phối hợp. Tùy theo cơ sở điều trị, tình trạng bệnh nhân cũng như lứa tuổi mà các bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị tối ưu. 
Hiện nay có ba phương pháp điều trị phổ biến là tái tạo thành bụng bằng mô tự thân, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật mổ đặt tấm lưới nhân tạo và mổ nội soi ổ bụng đặt tấm lưới nhân tạo.
Đối với các bệnh nhân điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt tấm lưới nhân tạo có nút thì thời gian điều trị rút ngắn 3-4 ngày, bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường sau ba tuần. Với phương pháp này, tỉ lệ tái phát, tai biến, biến chứng trong và sau mổ chưa tới 1% và bệnh nhân ít đau sau mổ.
Bệnh nhân thoát vị bẹn có thể xảy ra các biến chứng nghẽn, nghẹt, tắc ruột, hoại tử ruột... dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị. Nếu điều trị sớm, các biến chứng tái phát, teo tinh hoàn, sa tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, rối loạn cảm giác vùng bìu có thể xảy ra nhưng tỉ lệ rất thấp.
Do vậy, PGS Liễu khuyến cáo tốt nhất khi phát hiện bệnh lý thoát vị bẹn dù trẻ em hay người lớn nên gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và phẫu thuật vì bệnh này không tự khỏi được.


Khó chịu như bị gai gót chân

Gai gót chân là cụm từ dân gian để chỉ bệnh viêm cân gan lòng bàn chân. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân.

Vận động viên, phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót, người lao động nặng là những người dễ mắc phải căn bệnh này.

Phụ nữ thường xuyên mang giày cao gót dễ bị bệnh gai gót chân (ảnh minh họa)

Đau thốn ở gót chân là bệnh gì?

Anh Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, mẹ anh 55 tuổi, gần đây bỗng có cảm giác đau, thốn ở gót chân, bước đi rất khó khăn. Nhất là khi mới ngủ dậy, mẹ phải ngồi xoa bóp chân trong vòng vài phút mới có thể đặt chân xuống đất để đi lại. 

Đi khám, các bác sĩ cho biết, mẹ anh bị gai gót chân. "Trong phim chụp thấy rõ phần xương nhọn nhô ra ở gót chân trông rất đáng sợ".

Chị Nguyễn Thị Huyền (34 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) cũng than phiền rằng, gần đây, chị có cảm giác thốn ở gót chân, đi lại rất nhức nhối, khó chịu. Khi đi khám, bác sĩ cho biết chị bị gai gót chân. Vậy là ngoài việc phải uống rất nhiều thuốc kháng viêm, chị phải từ giã những đôi giày cao gót quen thuộc.

Nói về căn bệnh gai gót chân, BS Đỗ Thị Xuân Hương, Trưởng khoa nội cơ xương khớp, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM cho biết, gai gót chân là từ dân gian dùng để chỉ căn bệnh viêm cân gan lòng bàn chân. 

Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, tần suất nhiều nhất là khoảng 40 - 50 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ. Đặc biệt, bệnh có sự liên quan đến nghề nghiệp, những người lao động nặng, phải đi lại nhiều, vận động viên, phụ nữ thường xuyên phải mang giày cao gót… là những đối tượng dễ bị gai gót chân nhất.

Thủ phạm gây đau

Đau là biểu hiện đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của bệnh nhân bị gai gót chân. Đôi khi, bệnh nhân cảm nhận được những cơn đau buốt bên trong gót chân. 

Cơn đau này thường dịu đi khi cơ thể nghỉ ngơi và lại đau hơn khi đứng dậy; cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng và nặng hơn nếu bệnh nhân bước đi trên bề mặt cứng hoặc mang vác vật nặng. Khi đi khám, trên phim chụp X - quang của bệnh nhân bị gai gót chân thường thể hiện một phần gai nhọn nhô ra ở gót chân hoặc cựa sau của xương gót.

Nguyên nhân của bệnh gai gót chân là do tình trang viêm lâu ngày ở gót chân, trong quá trình có phản ứng viêm sẽ kéo tế bào, thực bào, và canxi lắng đọng tại chỗ viêm. Lâu ngày, lớp lắng đọng này đóng lại tạo thành cái gai, có người gọi là cựa (giống cựa của con gà). Vị trí nhiều nhất là ở lòng bàn chân, chỗ xương gót chân.

Hiện tượng viêm có thể xảy ra là do cử động liên tục, hoặc do có sự chèn ép trọng lượng từ phía trên xuống…làm yếu gân cơ, đè nén. Sự đau mà bệnh nhân cảm nhận là do phản ứng viêm gây nên chứ không phải do phần xương nhô ra gây đau. 

Ở nhiều bệnh nhân, phần gai nhọn kia tuy rất dài, nhưng họ cũng không có cảm giác đau. Bản thân phần xương này không đau nếu không có phản ứng viêm ở các mô xung quanh, ảnh hưởng đến dây thần kinh.

Chăm sóc đôi chân đúng cách

Bệnh gai gót chân không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sinh hoạt của bệnh nhân. Khi tình trạng viêm nặng, nhiều bệnh nhân không thể bước đi vì cảm giác đau thốn ở gót chân. Nhất là đối với người lao động nặng hoặc vận động viên sẽ không thể tiếp tục công việc, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Đa phần, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau trong động tác bước đi, hoặc khi mới tỉnh dậy, mới đặt chân xuống giường. Cơn đau có thể khắc phục nếu bệnh nhân xoa bóp nhẹ bàn chân trước khi bước xuống giường, giúp cho phần tụ dịch vùng xung quanh chỗ viêm tán ra, giảm cảm giác đau tấy.

Về phương pháp điều trị, BS Xuân Hương cho biết, khi chưa có gai gót chân, chỉ mới xuất hiện phản ứng viêm, bệnh nhân có thể điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau. 

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn để bệnh nhân đi dép mềm, có chiều cao từ 2-3cm giúp nâng đỡ xương gót chân. Khi xuất hiện gai là trường hợp đã quá nặng, khó điều trị, bệnh nhân được uống thuốc kháng viêm, giảm đau hoặc nếu trường hợp bệnh nhân quá đau sẽ phải tiêm coticoid tại chỗ.

Để phòng tránh bệnh gai gót chân, chúng ta không nên làm việc quá sức để gân chân phải hoạt động liên tục; nên đi giày mềm mại, vừa vặn với chân, có độ cao từ 2-3cm. Đồng thời, khi mới có cảm giác đau, nên đi khám để điều trị kịp thời

Lưu ý khi sử dụng dịch truyền Aclasta trong điều trị loãng xương

Dịch truyền Aclasta bổ sung canxi được chỉ định điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh; phòng ngừa gãy xương lâm sàng và sau gãy xương hông với liều lượng mỗi năm 1 lần. Thuốc còn được chỉ định trong điều trị bệnh Paget xương, tuy nhiên, trong bệnh lý này, bệnh nhân chỉ được sử dụng khi được bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp có kinh nghiệm chỉ định.
Các tác dụng nổi trội
Aclasta là biệt dược có chứa hoạt chất acid zoledronic, là một chất thuộc nhóm bisphosphonat, có tác dụng đối với bệnh nhân loãng xương do làm ức chế tế bào hủy xương, giúp tăng cường mật độ xương và sự trao đổi chất trong xương ở phụ nữ sau mãn kinh. Thuốc làm giảm 70% nguy cơ gãy xương sống và 28% nguy cơ tử vong sau gãy xương.
Bình thường, khi sử dụng các thuốc nhóm bisphosphonat dạng uống, bệnh nhân phải uống khi đói, uống nhiều nước, sau khi uống phải ngồi hoặc đứng 30 phút vì thuốc có thể gây viêm thực quản và loét dạ dày. Aclasta được bào chế dạng tiêm truyền trực tiếp vào tĩnh mạch có thể khắc phục được nhược điểm này. 
Hơn nữa, thuốc chỉ cần truyền 1 lần/năm nên thích hợp với bệnh nhân ngại uống thuốc hoặc không thể uống thuốc và cũng tránh trường hợp bệnh nhân không tuân thủ điều trị bỏ thuốc giữa chừng. Do đó, thuốc tiêm truyền được các bác sĩ ưa dùng cho bệnh nhân.
Những khuyến cáo đặc biệt
Dù nhiều tiện ích nhưng aclasta cũng có một số tác dụng phụ. Trước hết, thuốc này có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim bất thường. Ngoài ra, có khoảng 55% trường hợp bị đau cơ - tác dụng phụ hay gặp nhất; 44% bị sốt và nôn; trên 20% có dấu hiệu mệt mỏi, tiêu chảy, ho…
Với những trường hợp bệnh nhân quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kì thành phần nào của thuốc hoặc với mọi bisphosphonate; bệnh nhân bị hạ canxi máu; phụ nữ có thai và cho con bú thì không nên sử dụng thuốc này.
Ở bệnh nhân suy thận, cần được định lượng creatinine huyết thanh trước khi sử dụng aclasta.
Aclasta có cùng hoạt chất với zometa (acid zoledronic) thường dùng trong các chỉ định về ung thư, do vậy, bệnh nhân đang điều trị bằng zometa không được dùng aclasta để tránh quá liều. Trước khi được truyền aclasta, bệnh nhân phải được bù nước thích hợp. Điều này càng đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi và đối với bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu.
Phải điều trị hạ canxi máu có từ trước bằng cách bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D trước khi bắt đầu điều trị bằng aclasta. Các rối loạn khác về chuyển hóa chất khoáng cũng phải được điều trị hữu hiệu (ví dụ giảm dự trữ hormon tuyến cận giáp, kém hấp thu canxi ở ruột). Các bác sĩ cần cân nhắc để theo dõi lâm sàng ở những bệnh nhân này.

Cứng khớp lúc ngủ dậy là dấu hiệu viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn gây ra tình trạng sưng, đau, dính khớp và biến dạng khớp, thậm chí tàn phế. Bệnh có xu hướng tăng tại Việt Nam.


dau-hieu-cua-viem-khop-dang-th-6774-7782
Ảnh minh họa: Tổ Ấm Việt.
Đây là bệnh lý liên quan đến rối loạn ở hệ miễn dịch của cơ thể. Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh chưa xác định rõ nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ được ghi nhận như di truyền, cơ địa, môi trường, nhiễm trùng…
Bệnh này có diễn tiến mạn tính theo thời gian, gây ra tình trạng sưng, đau, dính khớp và biến dạng khớp, thậm chí tàn phế. Ngoài ra, bệnh còn làm tổn thương các cơ quan khác trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân cũng như chất lượng sống của người bệnh.
Theo thống kê mỗi năm ở Việt Nam, cứ một triệu dân từ 15 tuổi trở lên thì có từ 700 - 750 người mới phát hiện bị viêm đa khớp dạng thấp. Trong đó, khoảng 80% ở tuổi trung niên.
Triệu chứng của bệnh bao gồm cứng khớp buổi sáng, thức dậy không thể vận động được mà phải xoay khớp, xoa bóp mới có thể bước xuống giường. Tiếp đến là đau khớp, nhất là các khớp nhỏ ở bàn và ngón tay, cổ tay, bàn và ngón chân, cổ chân. Nếu bàn tay, bàn chân bị biến dạng sau một thời gian đau khớp tức là đã đến giai đoạn nặng, có thể dẫn đến tàn phế.