Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Những thói quen ảnh hưởng xấu đến cơ, xương, khớp

Bệnh lý cơ, xương, khớp thuộc nhóm bệnh phổ biến trong cộng đồng và ai cũng từng trong đời trải qua một lần đau nhức các cơ, xương, khớp.

Triệu chứng đau của cơ, xương, khớp tuy mơ hồ nhưng hàm chứa các nguyên nhân cần phải tìm hiểu rõ để có chế độ điều trị thích hợp. Trong các liệu trình điều trị, việc hạn chế các thói quen xấu ảnh hưởng lên hệ cơ, xương, khớp luôn được các bác sĩ yêu cầu phải tránh tối đa nhằm mục đích đạt hiệu quả điều trị nhanh nhất.
Sau đây là các thói quen "xấu" trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng đến hệ cơ, xương, khớp. Việc nhận ra các thói quen xấu này giúp chúng ta phòng ngừa các bệnh lý cơ xương khớp và giảm thời gian dùng thuốc giảm đau, kháng viêm đi kèm với các tác dụng phụ.
Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức
Khi có cảm giác mỏi ở các khớp liên đốt bàn tay hay vùng cột sống thắt lưng hoặc vùng cổ, chúng ta thường có động tác bẻ các khớp ngón tay hay vặn cổ, vặn lưng để tạo cảm giác dễ chịu hơn. Cảm giác dễ chịu là có thật và chính điều đó đã tạo thói quen này.
Khi ta bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ, các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động dẫn đến phá hủy các cấu trúc sụn khớp, cấu trúc dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp. Nếu thói quen không được loại bỏ, khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng khớp, to khớp ở vùng các ngón tay hay rách dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng, thoát vị nhân đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh…

Cảm giác mỏi, đau, khó chịu vùng khớp thường do hệ thống cơ dây chằng đang làm việc quá tải trong một tư thế. Do vậy, việc xoa bóp giúp thư giãn hệ thống này, giúp tưới máu hiệu quả hơn và giảm cảm giác đau. Đừng bẻ tay, vặn mình hay vặn cổ.
Thường xuyên mang giày cao gót

Khi mang giày cao gót, các cơ của cột sống thắt lưng, cơ bắp chân ở cẳng chân, gân gót làm việc co thắt liên tục, do vậy rất dễ đau và mỏi. Triệu chứng sẽ là đau lưng, đau bắp chân hay đau phần trên của gót chân (nơi gân Achilles bám vào xương gót). Khi các nhóm cơ làm việc quá tải sẽ yếu, không giữ vững được các cấu trúc như cột sống, khớp gối, cổ chân dễ gây chấn thương do té ngã và tổn hại đến hệ khớp.

Bằng việc nâng cao gót chân, toàn bộ trọng lượng cơ thể bình thường chịu lực qua xương gót to và dầy thì lại chuyển qua chịu trên xương bàn và các ngón chân vốn dĩ mỏng hơn và nhỏ hơn. Nghiên cứu cho thấy độ cao của đế giày cứ tăng mỗi 2,5cm thì áp lực lên bàn chân trước tăng 22% - 25%. Do đó, mang giày cao 7cm thì áp lực xương bàn phải chịu là 175% mức bình thường. Việc này rất dễ gây thoái hóa khớp bàn ngón, nhất là ngón cái.

Nếu mũi giày nhỏ hẹp, việc bó các ngón chân sẽ gây chèn ép, tổn thương các nhánh thần kinh gây đau hay phì đại các nhánh thần kinh vùng bàn chân (u thần kinh Morton). Tóm lại, việc mang giày cao gót ảnh hưởng từ cột sống, khung chậu, khớp gối, khớp cổ chân và các biến dạng bàn chân nguyên nhân do lệch trục cơ thể.
Cần hạn chế những thói quen để không ảnh hưởng đến cơ, xương, khớp.
Ngồi xổm, leo cầu thang, chéo chân hay bó chân
Khớp gối gồm khớp chè đùi và khớp đùi chày, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi gối co, áp lực do cơ ở phần đùi và gân bánh chè sẽ ép xương bánh chè trượt trên xương đùi. Khi di chuyển như đi bộ, lực này tác động khoảng bằng 1/2 trọng lượng cơ thể; khi leo cầu thang, lực này gấp 3-4 lần trọng lượng cơ thể và khi ngồi xổm, lực này gấp 7 - 8 lần trọng lượng cơ thể.
Do vậy, thói quen ngồi xổm tạo áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi gây thoái hóa khớp bánh chè đùi. Khi khớp này bị tổn thương hay thoái hóa sẽ khiến chúng ta cảm thấy đau trước gối khi ngồi xổm đứng dậy, khi leo cầu thang.
Uống bia, rượu nhiều
Bệnh chuyển hóa ngày càng nhiều và gặp ở lứa tuổi ngày càng trẻ dần ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong các bệnh chuyển hóa, Gout là bệnh ảnh hưởng đến khớp nhiều nhất. Bệnh Gout thường gặp ở những người hay uống nhiều bia và ăn nhiều mồi ngon như hải sản, đồ nội tạng chứa nhiều đạm Purin. 
Đạm Purin sẽ phân hủy thành acid uric trong cơ thể và khi lượng đạm này được nạp quá nhiều sẽ dẫn đến tăng acid uric máu do thận không thải hết. Khi tăng acid uric máu kéo dài sẽ dẫn đến lắng đọng các tinh thể muối urat ở các mô trong cơ thể, trong đó có khớp và hủy hoại khớp gây tàn phế.
Gần đây, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi hay gặp nhiều ở phòng khám, nhất là người trẻ với biểu hiện là đau khớp háng một bên. Khi chụp MRI thấy hình ảnh sớm của xương chết ở chỏm xương đùi. 
Bệnh này diễn tiến ngày càng nặng gây phá hủy chỏm, biến dạng chỏm làm người bệnh không thể đi lại được vì đau. Có nhiều nguyên nhân gây hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, trong đó uống nhiều rượu, bia và hút thuốc lá là nguyên nhân hay gặp.
Những thói quen khác
Cột sống như cột trụ chống đỡ toàn bộ thân người. Cột sống gồm nhiều đốt sống liên kết với nhau bởi hệ cơ và dây chằng, giảm tải bằng các đĩa đệm. Các thói quen dưới đây dễ ảnh hưởng xấu đến cột sống:

- Thói quen ngồi lâu, liên tục trên 2h làm mỏi nhóm cơ cạnh cột sống, làm chúng ta có tư thế khòm lưng và cúi ra trước làm căng các nhóm cơ và dây chằng phía sau đốt sống. Sự mệt mỏi của hệ thống giữ vững này sẽ gây đau và nếu kéo dài sẽ làm cột sống không vững dẫn đến tổn thương các đốt sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống. 
Do đó, nên hạn chế ngồi làm việc lâu quá 2 giờ. Nên đi lại, tập các bài tập đơn giản về cơ cột sống sẽ giúp phòng ngừa đau thắt lưng và mỏi mệt.

- Mang ba lô hay túi nặng một bên khiến cột sống phải nghiêng hẳn một bên, các nhóm cơ hoạt động không đều nhau dễ bị vẹo cột sống, tổn thương đốt sống và dây chằng. Do vậy, khi phải mang túi xách, ta không nên mang quá 10% trọng lượng cơ thể và khi phải mang nhiều hơn, chúng ta mang đều 2 tay.

- Khi cúi gập ngang hông lưng quá 90 độ, hệ thống dây chằng phía sau căng quá mức có thể bị rách, đĩa đệm chịu lực quá mức có thể lồi ra phía sau gây thoát vị đĩa đệm. Do đó nên hạn chế gập lưng quá mức nhất là khi nhặt đồ vật rơi. Đặc biệt không nên cúi người khiêng vật nặng như khiêng chậu hoa, chậu giặt quần áo…Tư thế đúng trong các việc này là ngồi xuống và thẳng lưng để nhặt đồ vật.


Xử trí bong gân đúng cách, mau khỏi

Bong gân thường xảy ra khi dây chằng bị kéo căng quá mức do tai nạn như ngã xe, trượt chân... Nếu không xử lý đúng cách, tình trạng này sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Các mức độ bong gân
Bong gân là từ dùng để chỉ tình trạng tổn thương các dây chằng giữ vững khớp do một chấn thương. Bong gân không liên quan gì đến các gân là thành phần cuối cùng của cơ để chuyển sức mạnh của cơ thành hoạt động của chân hay tay.
Bong gân có thể ở nhiều mức độ khác nhau như từ nhẹ chỉ là tổn thương một vài bó sợi hay giãn dây chằng mà không làm đứt dây chằng. Nặng hơn, dây chằng có thể bị đứt một phần, phần còn lại vẫn còn nguyên nhưng cũng đủ để làm lỏng lẻo khớp nếu không điều trị đúng. Và nặng nhất là tình trạng đứt hoàn toàn dây chằng làm khớp lỏng lẻo.
Các triệu chứng khi bị bong gân
Các biểu hiện của bong gân rất giống với gãy xương. Triệu chứng có thể là đau, tăng lên khi đi lại, lúc sau thì sưng và bầm tím. Khi bị bong gân, người bệnh cảm thấy đau nhói như điện giật ở vùng khớp bị trẹo, sau đó, khớp tê dại không còn đau nữa. 
Khoảng 1h sau, cảm giác đau nhức dần dần trở lại. Nếu nhẹ nhàng lật khớp lại giống như lúc bị chấn thương, người bệnh sẽ thấy đau nhói như điện giật, sưng xung quanh khớp, da vùng khớp tái nhợt do chảy máu trong và biến loạn vận mạch.
Nếu bong gân ở bàn chân, mắt cá chân, bệnh nhân sẽ không bước đi được nữa, phải đặt bàn chân nằm xuống đất. Thông thường, trong hầu hết các trường hợp, phải chụp Xquang mới phát hiện và phân biệt được tình trạng bong gân hay gãy xương.
Cách xử trí khi bị bong gân
Quan niệm của người bệnh thường cho rằng bong gân không quan trọng nên tự điều trị. Dùng rượu, xoa cao vào nơi bị tổn thương, đây là sai lầm nghiêm trọng vì tổn thương dây chằng nghiêm cấm dùng các chất nóng tác động tại chỗ do những chất này gây chảy máu mạnh hơn trong khi tổn thương này cần dùng các thuốc gây lạnh và làm giảm đau tại chỗ.
Tuyệt đối không xoa bóp bất kỳ thứ gì dù là mật gấu chính danh. Các phương pháp dân gian như chườm lá, bóp muối… là nên tránh. Băng ép bằng cách dùng băng thun băng nhẹ nhàng, không ép quá cũng không lỏng quá. Chỉ nên hơi căng nhẹ cuộc băng thun, băng theo kiểu lợp ngói nghĩa là lớp băng sau chồng lên 2/3 lớp băng trước. Băng từ ngọn chi đến qua khớp bị bong gân.
Kê cao chi bằng cách nằm gác chân lên gối ôm khoảng 10cm là vừa, nếu ngồi thì chân kê cao ngang hông (khung chậu). Nếu tay thì treo tay vào cổ hay nếu nằm thì tay để trên bụng. Hạn chế đi lại, chạy nhảy nếu bị bong gân vùng chân nếu không sẽ làm máu dồn xuống chân làm sưng chân.
Nên tư vấn bác sĩ chỉnh hình để dùng thuốc giảm đau, giảm sưng.


Chế độ ăn uống có thể gây cơn gút

Gút là một bệnh xảy ra do rối loạn chuyển hóa các nhân purin và làm tăng axít uric máu. Các axít uric sẽ lắng đọng ở các mô, nếu lắng đọng ở khớp sẽ gây viêm khớp thể gút. Bệnh hay xảy ra ở các nước phát triển và có người ví đây là bệnh của "người giàu".
Chế độ ăn uống có thể gây cơn gút
Biến chứng bàn tay ở bệnh nhân gút
Đây cũng là một bệnh rối loạn chuyển hóa có tính chất gia đình, tuy nhiên cơ chế di truyền đến nay vẫn chưa được biết rõ. Thực phẩm và chế độ sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát cơn gút, nếu hạn chế được các bất lợi này sẽ giảm hẳn các cơn gút. Như đã nêu, bệnh gút là một loại viêm khớp và thường ảnh hưởng đến các khớp bàn ngón chân. 
Nguyên nhân gây ra gút là do sự tích tụ các tinh thể urat ở khớp. Urat là một thành phần cấu tạo nên purin. Những người bị gút có khuynh hướng sản xuất nhiều urat hơn bình thường hoặc sự bài tiết ít hơn axít uric, bệnh gút thường có hiện tượng tăng urat trong máu (tất nhiên còn nhiều nguyên nhân khác gây ra tăng urat máu). 
Axít uric có hai nguồn gốc: protein thức ăn và tổng hợp trong cơ thể. Nam giới bị bệnh gút nhiều hơn nữ giới (mặc dù phụ nữ mãn kinh sẽ tăng nguy cơ bị bệnh gút). Tuổi hay gặp là 40 - 50, theo các chuyên gia thì thời gian từ khi tăng axít uric máu đến khi xuất hiện cơn gút cấp là khoảng 10 - 30 năm. 
Những yếu tố được xem là tạo ra cơn gút: quá cân (rất nhiều bệnh nhân bị bệnh gút là người quá cân hoặc béo phì); rượu bia (cơn gút cấp thường gặp ở người uống rượu bia quá nhiều); purin trong thức ăn (ăn các loại thức ăn giàu purin có thể gây cơn gút); chế độ ăn kém dinh dưỡng (cơ thể sẽ tăng chuyển hóa protein thành urat trong tình trạng đói ăn hoặc chế độ dinh dưỡng kém); bệnh thận (bất cứ bệnh lý nào gây ra giảm bài tiết urat thì có thể gây gút); một số bệnh khác như ung thư máu hoặc bệnh vảy nến có thể làm tăng sản xuất urat; thuốc là một hóa chất có thể làm giảm bài tiết urat.
Rõ ràng chúng ta thấy chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra cơn gút.


Lạm dụng vitamin E gia tăng nguy cơ loãng xương

Vitamin E có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, loãng xương? Vitamin E là chất chống ôxy hóa, có thể bảo vệ cơ thể khỏi phản ứng có hại của các gốc tự do.

Vitamin E là chất chống ôxy hóa, có thể bảo vệ cơ thể khỏi phản ứng có hại của các gốc tự do. Do vậy, vitamin E được cho rằng có tác dụng chống lão hóa và cải thiện sức khỏe. Vitamin E cũng góp phần điều trị và dự phòng một số bệnh lý tim mạch, làm đẹp cho da và tóc,… Vitamin E cũng đã chứng tỏ có tác dụng trong điều trị chứng bốc hỏa, khô âm đạo ở phụ nữ mãn kinh.
Tuy nhiên, vitamin E cũng không phải là vô hại. Đã có cảnh báo về tác dụng có hại của vitamin E có thể tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Một nghiên cứu đánh giá nếu đàn ông dùng hàng ngày 400 IU vitamin E liên tục trong thời gian dài thì có nguy cơ tăng ung thư tiền liệt tuyến lên 17%. 
Hiện tại đã có đánh giá đúng hơn về mối liên hệ giữa vitamin E và ung thư tuyến tiền liệt. Đây là lý do để các bác sĩ cẩn trọng hơn trong việc kê đơn các loại thuốc thay thế. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh tuyến tiền liệt do sử dụng vitamin E.
lam-dung-vitamin-e-gia-tang-nguy-co-loang-xuong
Vitamin E trước đây từng được coi là một giải pháp có ích trong điều trị và dự phòng loãng xương ở phụ nữ, nhất là phụ nữ mãn kinh vì giá rẻ và ít có tác dụng phụ, có thể dùng khi bệnh nhân không có điều kiện sử dụng các thuốc chống loãng xương như biphosphonat.
Thế nhưng ngày càng có những luận cứ hồ nghi về công dụng này của vitamin E. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vitamin E và loãng xương.
Họ đã tiến hành đánh giá hiệu quả của alpha-tocopherol, là một dạng phổ biến nhất của vitamin E trong các loại thuốc bổ đang được hàng triệu người sử dụng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cho chuột ăn một liều vitamin E tương tự như trong thuốc bổ thì xương chuột trở nên mỏng đi. 
Chuột bị loãng xương sau 8 tuần dùng chế độ ăn có bổ sung vitamin E so với chuột ăn theo chế độ ăn bình thường hàng ngày. Nhiều động vật khác giảm khoảng 20% mật độ xương sau khi dùng bổ sung vitamin E.
Cơ sở để giải thích điều này là, vitamin E kích thích quá mức quá trình hủy xương của các tế bào hủy cốt bào. Hủy cốt bào bình thường hoạt động nhịp nhàng với các tế bào tạo xương để duy trì sức mạnh của xương. Tuy nhiên, nếu hủy cốt bào hoạt động quá mức thì sẽ gây ra loãng xương.
Mặc dù chưa được nghiên cứu trên người, nhưng các nhà khoa học cũng khuyến cáo, không có gì phải bận tâm khi bạn tiếp nhận được nhiều vitamin E từ thức ăn hàng ngày, nhưng nếu dùng liều cao vitamin E qua viên bổ sung hàng ngày thì đó là điều đáng lo ngại. Do vậy cần những nghiên cứu lớn hơn để xác định các mức độ bổ sung vitamin E ở liều lượng nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Dù sao các nghiên cứu trên cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai thường sử dụng vitamin bừa bãi mà chẳng cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc.


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Phòng ngừa bệnh ngón tay lò xo - bệnh thường gặp ở dân văn phòng

Bệnh ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chíp hẹp bao gân.

Bệnh thường gặp ở những người làm nghề phải sử dụng ngón tay nhiều như dân văn phòng.

Một số trường hợp gân gấp vị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón ta bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. Vì vậy bệnh có tên là .

Gây cản trở trong công việc

Theo BS Nguyễn Xuân Anh, BV Quốc tế Pháp Việt, ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân gấp của các ngón tay gây hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ khiến di động của gân gấp qua vùng ngón ta bị cản trở. Do vậy, mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay đối với bệnh nhân trở nên rất khó khăn, nhất là vào buổi sáng.

 Ở tình trạng bệnh nặng hơn, khi gập duỗi ngón tay, bệnh nhân cảm nhận được âm thanh "lụp cụp, lụp cụp" của các khớp ngón tay khi gập duỗi. Khi nắm tay lại, bệnh nhân có cảm giác đau cứng ở các khớp ngón tay và khó duỗi ra, nhiều người phải cố gắng mới bật được ngón tay hoặc phải dùng tay bên lành kéo ra.

Bình thường, các gân gấp ngón tay từ bàn tay đi vào ngón thường phải chui qua các dây chằng chéo và dây chằng xơ để cố định đường đi. Bệnh ngón tay lò xo xảy ra khi các dây chằng, dây xơ này bị viêm, co thắt hoặc nhất là gân gấp bị viêm, nổi cục thì sự di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở, mỗi lần gấp và duỗi ngón tay thấy rất khó mà phải cố gắng mới bật ra được như lò xo.

Bệnh ngón tay lò xo tuy không nguy hiểm nhưng sẽ hạn chế hoạt động của bàn tay, ảnh hưởng rất lớn đến công việc, chất lượng cuộc sống. Bệnh thường gặp ở người hơn 45 tuổi, vận động cổ bàn tay nhiều, do lực chấn thương nhẹ lặp đi lặp lại nhiều lần, trong đó nữ giới gặp nhiều hơn nam. 

Những biểu hiện thường thấy của bệnh này là đau ở nếp gấp xa của mặt lòng bàn tay, đau nhiều khi nắm các ngón tay lại, nhất là vào buổi sáng, nặng hơn sẽ thấy ngón tay kẹt lại khi nắm vào và không duỗi ra được, phải dùng tay khác kéo ra, có thể sờ thấy nốt chai ở ngay vị trí đau.

bệnh ngón tay lò xoBệnh ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chíp hẹp bao gân. Ảnh minh họa

Phòng tránh mắc bệnh ngón tay lò xo

Theo BS Xuân Anh, ngón tay lò xo là bệnh thường gặp ở những người tuổi trung niên, phụ nữ thường gặp hơn nam giới. Bệnh mang tính đặc thù nghề nghiệp, thường gặp ở những người làm nghề phải sử dụng ngón tay nhiều (đánh máy, chơi golf, chơi tenis..). Những người bị bệnh rối loạn nội tiết như tiểu đường, gout…cũng thường đi kèm căn bệnh này.

Do đó, để phòng bệnh, chúng ta không nên lặp lại nhiều lần 1 động tác của bàn tay. Với những người làm công việc phải thường xuyên vận động ngón tay, nên có bài tập giúp các ngón tay thư giãn. Có thể áp dụng bài tập lăn 3 viên bi trên một bàn tay, thường xuyên xoa bóp, massage nhẹ nhàng cho các ngón tay để tay được thư giãn.

Để phát hiện ra bệnh ngón tay lò xo khi người bệnh cảm thấy ngón tay hơi cứng khó gập, và nghe tiếng "lụp cụp" khi tay duỗi thẳng. Tại nơi nghe âm thanh đó, bạn có thể sờ thấy khối sưng ở khớp.

Khi nắm tay lại, bạn phải dùng lực của bàn tay khác để kéo ra khi ngón tay đó bị kẹt. Đôi khi, ngón tay có thể dính chắc mà không thể duỗi ra được.

Thông thường ngón tay lò xo diễn ra đối với những ngón tay hay vận động hơn, chẳng hạn như ngón cái, ngón trỏ, có thể xuất hiện cùng một lúc nhiều ngón tay và có thể xảy ra trên hai bàn ta

Phương pháp điều trị bệnh

Theo Bs Xuân Anh với bệnh ngón tay lò xo, phương pháp điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh. Ở giai đoạn điều trị sớm, bệnh nhân có thể ngâm tay vào nước muối ấm trong khoảng 15-20 phút, mỗi ngày 2 lần. Khi ngâm, bệnh nhân vừa day nhẹ, làm cho máu lưu thông tốt, bao gân mềm mại, ngón tay linh hoạt trở lại.

Ở giai đoạn điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể phối hợp nhiều phương pháp như uống thuốc kháng viêm, giảm đau kết hợp vật lý trị, ngâm tay nước muối ấm liệu để làm tan chỗ bao gân bị viêm. 

Trong trường hợp trị viêm không hết, bệnh nhân sẽ được chỉ định tiêm cortisol trực tiếp vào vị trí viêm. Tuy nhiên, với phương pháp này, bệnh nhân chỉ có thể thực hiện 1-2 lần/ năm. Vì tiêm cortisol thường gây teo da ở vị trí tiêm.

Nếu các phương pháp điều trị nội khoa trên vẫn không đáp ứng, bệnh nhân có thể phải làm phẫu thuật, tách dây chằng dọc bao gân để gân có thể lưu thông rộng rãi. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên các bệnh nhân bị bệnh này tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc trị viêm khớp, đắp các loại thuốc lá. Mọi cách điều trị không khoa học đều khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Khi có biểu hiện bệnh, bệnh nhân nên đến các chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán và chọn phương pháp điều trị phù hợp", BS Xuân Anh khuyên.