Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Kéo giãn cơ lợi nhiều bề

Kéo giãn cơ là những bài tập đơn giản rất quan trọng và phổ biến hằng ngày của người dân các nước phát triển.

Khởi động kéo giãn cơ bắp trước khi tập thể dục - Ảnh: T.T.D.
Khởi động kéo giãn cơ bắp trước khi tập thể dục - Ảnh: T.T.D.
Tuy nhiên, ở Việt Nam lợi ích của kéo giãn cơ chưa được phổ cập rộng rãi trong việc chăm sóc sức khỏe cơ xương khớp.

Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều cơ. Cơ thực hiện chức năng duy nhất là co cơ, giúp cơ thể vận động. Các cơ có cấu tạo đều đi ngang qua ít nhất một khớp, đôi khi hai khớp trong cơ thể. Do đó khi cơ co sẽ làm khớp chuyển động. Ví dụ: cơ tứ đầu đùi ở phía trước đùi bám từ phía trước xương cánh chậu chạy dài xuống dưới, băng qua khớp gối và bám vào đầu trên xương chày. Khi cơ này co sẽ làm duỗi cẳng chân ra trước.

"Các cơ có cấu tạo đều đi ngang qua ít nhất một khớp, đôi khi hai khớp trong cơ thể. Do đó khi cơ co sẽ làm khớp chuyển động"
Toàn bộ các cơ được coi như là thành phần giúp cơ thể chuyển động. Tất cả các động tác hầu như đều nhờ vào sự co cơ. Sức cơ co càng mạnh, chúng ta càng thực hiện được nhiều động tác. Và sức co cơ tối ưu khi cơ được kéo giãn ra. Hay nói cách khác, chiều dài cơ càng tăng thì làm cho khớp chuyển động càng linh hoạt.

Các động tác kéo giãn cơ giúp cho khớp duỗi được hết mức khi chuyển động. Ví dụ trong trường hợp bạn chạy bộ, nếu tập kéo giãn cơ trước khi chạy sẽ giúp bước sải chân của bạn dài hơn, cơ sẽ bớt mệt hơn và cơ thể sẽ bớt tiêu hao năng lượng hơn.

Các bài tập kéo giãn cơ sẽ giúp ngăn ngừa chấn thương. Chúng làm cho toàn bộ cơ thể dẻo dai hơn, hạn chế những chấn thương co rút căng cơ hay rách cơ. Ngoài ra, những bài tập kéo giãn đúng và đủ sẽ giúp dây chằng và gân quanh các khớp vững chắc hơn, làm giảm nguy cơ bong gân, rách gân, trật khớp.

Kéo giãn cơ còn giúp cơ mau hồi phục, giảm cảm giác mỏi cơ bắp sau vận động và chơi thể thao. Do chúng giúp cơ mau đào thải những chất độc và chất thải tích tụ trong bắp cơ trong quá trình vận động thể lực.

Kéo giãn cơ còn giúp cơ thể thư giãn, tránh trạng thái cảm xúc mệt mỏi, căng thẳng và chống stress rất hiệu quả.

Những bắp cơ ở trạng thái luôn co cứng sẽ làm cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng. Kéo giãn cơ sẽ giúp chúng ta biết tình trạng cơ của vùng nào đang ở trạng thái co cứng thường xuyên gây đau hay khó chịu.

Ngoài ra, kéo giãn cơ còn giúp chữa được nhiều bệnh đau nhức cơ thể và phòng tránh di chứng do các bệnh lý khớp gây ra.

Mỗi nhóm cơ và khớp có các bài tập kéo giãn cơ thích hợp. Và các bài tập này có thể áp dụng cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn tuổi, từ nhân viên văn phòng, bà nội trợ đến vận động viên chuyên nghiệp. Và chúng có thể được thực hiện mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc nghỉ ngơi sau thời gian làm việc căng thẳng, cho đến khởi động làm nóng trước khi chơi thể thao.

Bài tập kéo giãn cơ bắp chân

Giúp làm giãn cơ bụng chân, gân gót và cân gan chân.

Ứng dụng trong làm nóng trước khi chơi thể thao, trước khi đi bộ và chạy bộ. Ngoài ra còn tập trong điều trị chứng viêm gân gót, viêm cân gan chân gây đau gót chân và đau căng cơ bắp chân do chấn thương hoặc quá tải.

Cách thực hiện kéo giãn cơ chân phải: đứng chân trái phía trước, chân phải duỗi thẳng phía sau. Khuỵu chân trước, duỗi thẳng chân sau. Giữ hông và thân người thẳng, chân sau gối giữ thẳng, bàn chân giữ chạm mặt đất, rùn người xuống, giữ 30 giây, rồi đổi chân.

Những biện pháp nào phục hồi vận động sau gãy xương?

Sau một thời gian bó bột, nẹp đinh người bệnh có thể ít nhiều mất những cảm giác vận động. Vậy phải làm thế nào để cơ thể sớm có được sự vận động bình thường?

Hậu quả do gãy xương
Khi xương tay, chân bị gãy, có những trường hợp bị giập, như vậy khong chỉ xương bị tổn thương mà các cơ, gân, dây chằng cũng bị tổn thương theo. Tùy theo từng mức độ thương tổn, bệnh nhân được bó bột hay phải mổ nẹp đinh trong xương và khâu lại phần mềm bị rách, giập. Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thậm chí có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện… đây là biểu hiện hay gặp ở người già. Vì vậy sau mổ, phải bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.
Những biện pháp phục hồi bao gồm
Cử động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại, tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập 10 - 15 phút, ngày 4 - 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.
Tập duy trì sức cơ: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.
Tập đi: Dùng nạng gỗ tập đi khi xương chưa liền. Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Tập bước đi có 3 điểm tựa, không tỳ hoặc chỉ tỳ nhẹ tăng dần lên chân đau. Hai tay chống nạng ngay ngắn, hai mũi nạng và bàn chân lành tạo nên tam giác đế. 
Đưa 2 nạng ra trước 10 - 30 cm một cách tăng dần, lấy thăng bằng trên đôi tay cầm, rồi bước chân lành ra trước, tiếp tục bước khác. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.
Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt song ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.
Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.
Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.
Khi bị chấn thương, để chống lành, người bệnh cần kiên trì tập luyện, cần kết hợp các biện pháp tập luyện khác nhau để trở lại hình dáng ban đầu.

Những điều cần biết khi nóng buốt, đau nhức chân

Nếu hay bị chuột rút, ngứa ran, nóng buốt và đau nhức chân, có thể bạn đã bị hội chứng chân không nghỉ, một dạng rối loạn chuyển động của chân

Hội chứng chân không nghỉ là gì?

Hội chứng chân không nghỉ có tên khoa học là Restless leg syndrom (RLS). Đây là nguyên nhân thường gặp khiến chân có cảm giác đau. Khi gặp triệu chứng này, bằng các cử động đơn giản hoặc nghỉ ngơi một lúc, triệu chứng đau sẽ giảm dần và dần mất đi. Hội chứng này thường gặp vào thời điểm chiều tối hoặc về đêm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính của hội chứng chân không nghỉ vẫn chưa được biết  đến nhiều. Tuy nhiên, hội chứng này có thể liên quan đến thời kỳ mang thai, những người béo phì, hút thuốc, thiếu sắt, thiếu máu, các bệnh về thần kinh, rối loạn thần kinh, các bệnh liên quan với hoóc-môn như tiểu đường, suy thận (thiếu vitamin và khoáng chất)…


Một số loại thuốc hay chất kích thích có thể gây ra hội chứng này như cafein, chất rượu bia, H2-histamine blockers (như ranitidine [Zantac] and cimetidine [Tagamet]) và thuốc chống trầm cảm như amitriptyline [Elavil, Endep]).

Triệu chứng

Những người mắc phải hội chứng chân không nghỉ có những triệu chứng thường gặp như sau: chân đau nhức, hay bị chuột rút, cảm giác ngứa ran, nóng buốt chân. Hội chứng này có thể khiến bạn bị mất ngủ, luôn trong tình trạng khó chịu và mệt mỏi.

Bởi vì thiếu ngủ nên trẻ nhỏ và người lớn thường có cảm giác buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, dễ cáu kỉnh trong ngày. Hội chứng chân không nghỉ thường bắt đầu chậm, càng ngày chân càng bị ảnh hưởng, nhưng ít khi ảnh hưởng đến cánh tay.

Chữa trị

Ban đầu là chữa các rủi ro hoặc nguyên nhân đưa tới bệnh như kiểm tra máu để phát hiện có bị thiếu máu do thiếu sắt hay không để bổ sung phù hợp, hoặc nếu nghi ngờ chứng giãn tĩnh mạch là nguyên nhân thì có thể phải cần đến phẫu thuật để lưu thông, sửa chữa hệ tuần hoàn máu…

Ngoài ra, chúng ta nên giảm lượng cafein, nicotin, chất rượu bia vào cơ thể, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, đầu tư vào giấc ngủ và chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.

Các bệnh có thể bị nhầm lẫn với hội chứng

Có nhiều loại bệnh có thể “bắt chước” các triệu chứng của hội chứng này, do vậy cần phát hiện bệnh sớm để có cách chữa trị hợp lý. Một số loại bệnh như: bệnh Parkinson, fibromyalgia (rối loạn gây đau cơ), bệnh về cơ bắp, bệnh khớp hay các vấn  đề về hệ tuần hoàn máu. Ở trẻ em, hội chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với  các cơn đau trong giai đoạn trưởng thành. 

Hạn chế bệnh đau lưng bằng cách nào?

Đau lưng là bệnh hay gặp và hầu hết gặp ở những người làm việc văn phòng, di chuyển bằng ôtô, máy bay, những người phải làm công việc nặng nhọc như bê vác.

Cột sống chúng ta có từ 32 - 33 đốt sống: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 3 đốt xương cùng, 5 - 6 xương cụt. Trong các thành phần này, khớp ở đốt sống thắt lưng giúp chúng ta có nhiều cử động linh hoạt, uyển chuyển nhất như cúi gập người, ngửa lưng, xoay người. 
Triệu chứng khởi phát của căn bệnh này thường là mỏi cơ, co cứng cơ quanh thắt lưng, đau tê vùng thắt lưng, đôi lúc lan xuống vùng cùng cụt. Mức độ đau có thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có khi dữ dội, làm bạn không thể cử động được. Đôi khi, cơn đau kéo dài dai dẳng và trở thành căn bệnh mạn tính.
Nếu bạn bị đau lưng, có thể tham khảo một vài động tác dưới đây để khắc phục

Động tác 1: Chêm gối ở cổ và bụng dưới. Giữ lưng thẳng thoải mái không gồng cơ thắt lưng, ưỡn lưng, ngóc đầu lên giữ yên trong 10 giây, sau đó nằm xuống trở về tư thế ban đầu nghỉ trong 10 giây rồi lặp lại động tác này 10 lần.
Động tác 2: Nằm ngửa, 2 chân co, ưỡn thắt lưng giữ yên trong 10 giây, lúc ưỡn mông và vai vẫn sát mặt giường. Sau khi ưỡn lưng xong, ép thắt lưng sát xuống mặt giường giữ yên trong 10 giây, sau đó lặp lại 10 lần.
Động tác 3: Nằm ngửa, co từng chân ép sát bụng, mỗi chân giữ 10 giây, lặp lại 10 lần.
Nguyên nhân khiến bạn bị đau lưng có rất nhiều như bệnh ngành nghề (văn phòng, công nhân khuân vác...). 

Đau lưng cũng có thể do bạn bị tổn thương các đốt sống như vẹo cột sống, chấn thương cột sống, lao cột sống; tổn thương thần kinh ở cột sống như viêm đa rễ thần kinh, gai cột sống, chệch hay thoát vị đĩa đệm; ngồi làm việc, học tập, nghiên cứu sai tư thế.
Cho dù ở nguyên nhân nào khiến bạn bị đau lưng đi chăng nữa thì cách tốt nhất là hãy gặp bác sĩ để được điều trị đúng nguyên nhân, để bác sĩ đưa ra những bài tập nhẹ, đơn giản giúp bạn giảm khó chịu.
Những điều cần biết khi bị đau lưng
Khi áp dụng các bài tập cho đau lưng của bác sĩ, bạn cần phải tránh tập khi đang có những cơn đau dữ dội, khi cơ thể không được khỏe mạnh, tránh tập nhiều, tập quá sức. Nếu có sử dụng đèn hồng ngoại để chữa trị thì phải để khoảng cách từ đèn hồng ngoại đến da khoảng 40 - 90cm vì nếu để gần sẽ có thể gây bỏng. 
Thời gian chiếu trung bình 20 - 40 phút, mỗi ngày chiếu khoảng 2 - 3 lần. Khi sử dụng nên tránh tia hồng ngoại chiếu vùng da bị tổn thương hay chấn thương, vùng da bị mất cảm giác, vùng da có sẹo lồi. Nếu không có đèn hồng ngoại, bạn có thể dùng túi chườm nóng cũng có tác dụng tương tự. Cũng cần lưu ý túi chườm cũng có thể gây phỏng da nếu dùng nước quá nóng.
Hạn chế bệnh đau lưng - Cách gì? 1
Bê vác nặng không đúng tư thế dễ gây đau lưng.
Để hạn chế bệnh đau lưng
Ngồi học, làm việc phải đúng tư thế: lưng thẳng, không cúi gập người về phía trước hoặc ngả quá ra phía sau.
Khi chơi thể thao phải khởi động nhẹ trước khi tham gia 15 phút. Thời gian chuẩn bị này giúp trung khu thần kinh từ não điều khiển hết tất cả cơ quan bộ phận như hô hấp, tuần hoàn, những phụ thể của cơ xương khớp đó. 
Còn khi chưa chuẩn bị, làm đột ngột một động tác nào đó thì cơ thể sẽ phản ứng, tự bảo vệ bằng cách co lại. Chính sự co này sẽ phóng ra một số hóa chất trung gian gây đau. Do vậy, không nên làm bất kỳ động tác nào một cách quá đột ngột.
Những người làm việc nặng như bưng bê, khuân vác, cần phải tránh nhấc vật nặng ở tư thế đột ngột. Nên ngồi xuống thẳng lưng, hai tay nhấc vật nặng lên từ từ, không nên khum lưng cúi người để nhấc vật nặng.
Nằm ngủ phải ở tư thế đúng, tránh nằm nghiêng, sấp, nằm trên đệm quá mềm hay quá dày.
Nhân viên văn phòng, những người làm việc phải ngồi lâu một chỗ không nên ngồi quá 3 tiếng. Giải lao giữa giờ bằng các bài tập thể dục với những động tác như xoay, gập lưng, xoa bóp, massage lưng... cũng giúp phòng tránh đau lưng hiệu quả.

Làm gì khi bị chuột rút?

Chuột rút là sự co cơ ngoài ý muốn, xuất hiện đột ngột làm bệnh nhân rất đau đớn. Đây là một bệnh khá phổ biến, hay gặp ở nam giới. Tình trạng chuột rút sẽ dày hơn mùa lạnh, khi làm việc quá sức và ngay cả trong lúc ngủ. Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến chuột rút. Khi đã bị chuột rút thì phải làm dịu cơn đau bằng các động tác đơn giản: Nếu chuột rút ở bắp chân thì kéo chân ra, đồng thời ấn mạnh phần cuối của bắp chân trên một mặt phẳng cứng.
Làm gì khic 1

Nếu rút ở đùi, nhờ người khác dùng một tay đỡ gót chân để làm cho đầu gối của mình căng thẳng, còn một tay ấn đầu gối xuống dưới. Sau đó xoa bóp vùng bị chuột rút. 

Nếu chuột rút ở bàn chân thì cầm đầu bàn chân kéo nhẹ rồi đứng dậy và đứng thẳng người một lúc nhưng không cho gót chạm đất. Có thể dùng dầu hoặc cồn long não xoa bóp vùng bị chuột rút, đồng thời tập cơ bắp nhẹ nhàng đến khi hết chuột rút. Tắm nước nóng cũng tốt, giúp các cơ giãn ra, lấy lại tính đàn hồi.

Để phòng ngừa chuột rút, cần ăn nhiều thực phẩm có chất sắt để giúp cho thân thể chống lạnh hữu hiệu hơn; hạn chế dùng nhiều cà phê, thuốc lá, rượu vì các chất này gây cản trở lưu thông máu. Trước khi vận động mạnh, nên ăn các thức ăn có muối và đường, uống nhiều nước, xoa bóp khởi động cơ thể. Nên tập thể dục thường xuyên, có một chế độ nghỉ ngơi thích hợp. Trước khi đi ngủ nên ngâm chân với nước nóng.

Viêm khớp mưng mủ - Ai dễ mắc?

Viêm khớp mưng mủ là một loại bệnh nhiễm khuẩn khớp với các căn nguyên vi sinh vật khác nhau

Viêm khớp mưng mủ do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến viêm khớp mưng mủ, điển hình là chấn thương làm tổn hại khớp, nhất là các chấn thương bởi tai nạn giao thông, tai nạn lao động mà vết thương bị nhiễm bẩn do có kèm theo bùn, đất, cát, rác, chất thải của người và động vật. Viêm khớp mưng mủ cũng có thể do tổn thương nhiễm khuẩn các vùng quanh khớp như mụn, nhọt, áp-xe hoặc do lạm dụng chọc hút dịch khớp trong bệnh tràn dịch khớp...
Viêm khớp mưng mủ cũng có thể thấy ở các nhóm tuổi khác nhau như trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm khuẩn khớp gối mưng mủ do vi khuẩn lậu có từ người mẹ bị bệnh lậu lây cho con.
Viêm khớp mưng mủ thực chất là nhiễm khuẩn khớp do các loại vi sinh vật khác nhau gây nên, đặc biệt là do vi khuẩn. Ngoài loại vi khuẩn lậu gây ra cho trẻ sơ sinh và người trưởng thành (do đã mắc bệnh lậu ở đường sinh dục - tiết niệu trước đó) thì còn có nhiều loại vi khuẩn khác cũng gây nên viêm mưng mủ khớp như tụ cầu vàng (S. aureus), tụ cầu da (S.epidermidis), tụ cầu hoại sinh (S.saprophiticus).
Viêm khớp mưng mủ - Ai dễ mắc? 1
Điều trị cho bệnh nhân mắc viêm khớp mưng mủ tại Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội). Ảnh: H.Hà
Có thể gây nhiễm khuẩn máu
Viêm khớp mưng mủ có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nếu gần vùng bị nhiễm khuẩn (nhọt, áp-xe... ), nhất là các khớp bị tác động mạnh hoặc bị chấn thương.
Ở người trưởng thành thì khớp khuỷu tay, cổ chân và khớp gối là dễ xảy ra hơn cả. Đây là một loại bệnh nhiễm khuẩn nên sẽ xuất hiện các biểu hiện của hiện tượng viêm nhiễm khuẩn như: Sưng, nóng, đỏ và đau tại khớp bị viêm nhiễm. Ngoài ra người bệnh có sốt cao (39 - 400C), mệt mỏi, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn, có dấu hiệu mất nước. Tại khớp bị viêm cử động khó khăn, đau, nhức khó chịu.
Viêm khớp mưng mủ tức là viêm khớp nhiễm khuẩn, vì vậy nếu phát hiện và điều trị kịp thời (ví dụ như chọc hút mủ và dùng kháng sinh thích hợp) thì bệnh sẽ chóng khỏi và có thể không để lại di chứng gì (khoảng 70%).
Nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không đúng sẽ gây tổn thương lan rộng có thể dẫn đến viêm xương, trật khớp xương, viêm khớp mạn tính hoặc gây nên hiện tượng dính khớp. Nguy hiểm hơn nữa là có thể gây nên nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi gặp các loại vi khuẩn đa đề kháng với kháng sinh.
Nếu bị viêm khớp mưng mủ ở vùng cột sống thì có thể gây nên hiện tượng chèn ép tủy sống hoặc gây di chứng gù, vẹo cột sống…
Ngoài ra nếu không dùng kháng sinh sớm, hợp lý để tiêu diệt mầm bệnh thì vi khuẩn, ngoài việc gây nhiễm trùng máu, chúng còn có thể lan đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây nên các ổ áp-xe nguy hiểm như áp-xe phổi, cơ hoành, gan, thận… hoặc gây nên hiện tượng sốc nhiễm khuẩn.
Ai cần đề phòng viêm khớp mưng mủ?
Khi có khớp bị sưng, nóng, đau, đỏ, nhất là có chấn thương do tai nạn đi kèm hoặc trong cơ thể đang bị mụn nhọt hoặc ổ áp-xe thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Để tránh bệnh viêm khớp mưng mủ thì người mẹ trước khi mang thai nếu mắc bệnh đường sinh dục - tiết niệu do lậu cầu cần được điều trị triệt để tránh lây bệnh cho con. Khi xảy ra tai nạn có tổn thương xương, khớp cần xử trí sớm tránh để vết thương bị nhiễm khuẩn.
Những người bị tràn dịch khớp gối cần được bác sĩ chuyên khoa xương khớp khám và điều trị, tránh lạm dụng chọc hút dịch khớp cũng như tiêm kháng sinh vào bao khớp.
Tích cực phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện nhất là các khoa ngoại, sản, sơ sinh, trong đó khâu vô khuẩn, tiệt khuẩn tuyệt đối đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hội chứng De Quervain là gì?

Thời gian gần đây tôi bị đau vùng cổ tay, đau nhiều phía ngón cái nhất là khi cầm nắm đồ vật như thái rau, chẻ củi,… khiến cho tôi làm việc không hiệu quả.

Đi khám bác sĩ kết luận tôi mắc hội chứng De Quervain. Xin bác sĩ tư vấn giúp.
(Nguyễn Văn Toản, Lạng Sơn)
Hội chứng De Quervain là gì? 1
Chào bạn, 
Đau vùng cổ tay là một dấu hiệu thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có tình trạng viêm của bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái hay còn gọi là hội chứng De Quervain. Tình trạng này hay gặp và gây nên những biểu hiện đau của vùng cổ tay và phần dưới cẳng tay ngay phía trên ngón cái.
Những động tác lặp lại nhiều lần như: Cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay và ngón cái sẽ là điều kiện thuận lợi để tiến triển tổn thương này. Tình trạng viêm của bao hoạt dịch gân trong đường hầm sẽ dẫn đến sưng nề, cản trở vận động của gân. Các tình trạng tổn thương viêm khớp như thấp khớp, thoái hoá sẽ ảnh hưởng đến tình trạng viêm của bao gân và gân ngón cái. Một số yếu tố thuận lợi khác như chấn thương dẫn đến hình thành các sẹo cũng ảnh hưởng đến sự trượt của gân này.
Triệu chứng khởi đầu có thể chỉ là các biểu hiện khó chịu của ngón cái, ngay vị trí cổ tay, có thể là đau. Nếu không được điều trị, triệu chứng đau có thể lan lên cẳng tay và lan xuống ngón cái. Khi tình trạng ma sát tăng lên, hai gân này có thể cọ xát vào nhau khi di chuyển trong đường hầm dẫn đến các tiếng "lục cục". Nếu tình trạng này tiếp tục, có thể sẽ có biểu hiện sưng nề nhẹ vùng cổ tay dọc theo đường hầm, các động tác của ngón cái sẽ bị hạn chế do đau.
Vì vậy, anh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được điều trị hợp lý.

Thoát vị đĩa đệm cột sống: Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh

Thoát vị đĩa đệm gây nên những cơn đau khó chịu, thường xuyên tái phát, làm giảm khả năng vận động, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống, trong đó chủ yếu là dochấn thương cột sống như tai nạn giao thông, tai nạn lao động; tư thế làm việc không đúng cách;…
Ở những người trên 30 tuổi, cột sống bắt đầu thoái hóa đĩa đệm thường không còn mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách khi nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống. Hay gặp nhất là việc bê vác vật nặng sai cách. Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng.
Nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng xấu tới xương khớp như tư thế ngồi làm việc không đúng cách gây cong vẹo cột sống, tập thể dục không đúng cách gây thoái hóa khớp, trật khớp… Ngoài ra, các bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm.
Nguyên nhân và biện pháp phòng tránh 1
Bê vác vật nặng sai cách là nguyên nhân gây thoát bị đĩa đệm cột sống.
Các biện pháp phòng tránh
- Luôn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; thường xuyên tập thể dục rèn luyện đề có một cơ thể khỏe mạnh và cột sống vững chắc.
- Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hằng ngày (ngồi học, ngồi làm việc, mang vác vật nặng đúng cách,..). Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng, điều đó giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống, là một yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm. Cần chú ý tránh khiêng vác vật nặng, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi lom khom. Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Do vậy sau khi ngồi làm việc khoảng 1 giờ cũng nên đứng dậy nghỉ ngơi khoảng 10 phút.
- Hạn chế mọi nguy cơ bị chấn thương cho cột sống khi lao động, tham gia giao thông, các vận động, động tác thể thao quá mức và kéo dài,…

Viêm khớp ở trẻ em: Phát hiện muộn, dễ gây tàn phế

Khám bệnh phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh xương khớp ở trẻ. Ảnh: T.Hà
Khám bệnh phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh xương khớp ở trẻ. Ảnh: T.Hà.

Bệnh nhi N.M.A. (7 tuổi, tỉnh Lào Cai) có gương mặt sáng sủa nhưng dáng đi tập tễnh vì hai đầu gối biến dạng do viêm khớp. Chị Mai, mẹ bé A. cho biết, khi 5 tuổi rưỡi thấy con đau các khớp xương, mấy người bạn chị bảo do bé thiếu can xi nên đau mỏi. Nghe theo lời bạn, chị Mai mua can xi về bổ sung cho con uống.
Một thời gian thấy con đỡ đau chị Mai nghĩ đã chữa đúng bệnh cho con. Nhưng vài tháng sau, những cơn đau của bé A. tái diễn. Chị Mai đưa con đi bốc thuốc của thầy lang. Hết thầy lang này tới thầy lang khác, bệnh của M.A không đỡ mà có dấu hiệu nặng hơn, hai đầu gối bé A. bắt đầu biến dạng, sưng to, lồi ra. Lúc bấy giờ chị Mai mới đưa con xuống BV Nhi T.Ư để khám và điều trị.
BS Minh Hương cho biết, tình trạng đau mỏi xương khớp, đau nhức chân tay nhẹ thoáng qua là biểu hiện thông thường hay gặp ở trẻ em tuổi học đường sau một ngày chạy nhảy nhiều. Nếu trẻ bị đau sau vận động quá nhiều hoặc do va chạm với các vật cứng thì không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ bị đau xương khớp tái diễn, dai dẳng gây hạn chế vận động thì cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm khớp trẻ em như đau mỏi xương khớp tuổi phát triển, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương…, cho đến những bệnh khớp mãn tính do một số rối loạn miễn dịch hoặc giai đoạn đầu của bệnh bạch cầu cấp. Một trong những bệnh khớp mãn tính thường gặp ở tuổi học đường là bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên.
Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn, là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài ít nhất 6 tuần, bệnh nhân bị bệnh trước 16 tuổi. Bệnh thường khởi phát sau khi nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococcus, Salmonella, Shigella).
Bệnh này không hiếm gặp nhưng rất ít cha mẹ hiểu biết rõ nên đa số trẻ thường được đưa đến chuyên khoa khám muộn. Một số trẻ em trước khi đến Bệnh viện Nhi T.Ư đã đi khám, chữa hàng năm trời ở nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh, dẫn tới bệnh tiến triển nặng, biến dạng khớp và nhiều biến chứng khác.
BS Hương cho biết thêm, các triệu chứng của viêm khớp mãn tính gồm sốt, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng thuốc kháng sinh aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi ban đỏ ở thân mình và các gốc chi, nhưng các mẩn đỏ này mất rất nhanh. Triệu chứng viêm khớp có thể xảy ra ngay từ đầu hay sau vài ngày, trẻ có thể bị sưng đau một vài hoặc nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp gối, khớp háng, mắt cá chân...
Ở trẻ lớn thường là thể viêm ít khớp, chủ yếu ở một vài khớp to như khớp gối, khuỷu tay, khớp háng, nhưng cũng có thể gặp ở khớp thái dương hàm và khớp cổ. Nơi khớp sưng thấy phù nề, sờ ấm nhưng không đỏ và ít đau. Khi sụn khớp đã bị dính và xơ thì khớp trở nên cứng và hạn chế sự vận động kèm theo các cơ ở chi đó bị teo. Ngoài các triệu chứng ở khớp ra, trẻ có thể sốt cao, phát ban, hạch to, viêm thanh mạc, viêm màng phổi...
Phát hiện sớm tránh tàn phế
Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần phải được khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa khớp, vì có thể trẻ bị thể bệnh nặng gây nguy hiểm. Mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp. Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc và có thể phải điều trị ngoại khoa.
Bác sĩ Hương khuyến cáo khi trẻ hồi phục sau bệnh viêm khớp, cần khám mắt thường xuyên để phát hiện dấu hiệu của viêm mống mắt.

Phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh

Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nhất là nữ giới sau mãn kinh và là nguyên nhân dẫn đến gãy xương, tàn phế nếu không biết cách phòng ngừa.

Loãng xương là bệnh lý của hệ thống xương làm giảm tỉ trọng khoáng chất của xương kết hợp với sự hư biến cấu trúc của xương làm cho xương mỏng mảnh và yếu đến mức rất dễ gãy dù bị chấn thương rất nhẹ, thậm chí có thể gãy tự nhiên. 
Vì sao loãng xương?
Loãng xương có thể do tiên phát hoặc do thứ phát.
Loãng xương tiên phát (týp 1): xuất hiện từ trên 5 năm sau tuổi mãn kinh, còn gọi là loãng xương sau mãn kinh. Trong 5-10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương có thể lên đến 2-4% khối lượng xương mỗi năm. 
Đặc trưng của loãng xương này là sự mất xương chủ yếu ở xương xốp và thường gây ra gãy lún các đốt sống, gãy đầu dưới xương quay. Trong loãng xương sau mãn kinh, ngoài thiếu hụt oestrogen người ta còn thấy giảm tiết hormon cận giáp tăng tiết canxi qua thận, suy giảm hoạt động vitamin D3 dẫn tới giảm hấp thu canxi ở ruột.
Loãng xương tiên phát (týp 2): liên quan đến tuổi, xuất hiện ở nữ nhiều gấp 2 lần nam, là hậu quả của sự mất xương chậm trong vòng vài chục năm, biểu hiện chính là gãy cổ xương đùi, gãy lún các đốt sống do tổn thương xuất hiện đồng đều trên cả xương đặc (vỏ xương) cũng như xương xốp (bè xương). Loại loãng xương này liên quan tới hai yếu tố quan trọng là giảm hấp thu canxi, giảm chức năng tạo cốt bào, dẫn tới cường cận giáp trạng thứ phát.
Loãng xương thứ phát: Được phát hiện ở cả hai giới và thường là hậu quả của một số bệnh ảnh hưởng tới rối loạn chuyển hóa chất khoáng của xương.
Phòng ngừa loãng xương sau mãn kinh 1
Hình ảnh xương bình thường (trái) và loãng xương (phải).
Biểu hiện khi bị loãng xương
Đau cột sống: Đau cột sống lưng hoặc cột sống thắt lưng cấp xảy ra sau 1 tuần và tương ứng với việc nén xương đột ngột do gắng sức nhẹ, ngã hoặc một động tác sai. Tiếng kêu rắc khi vận động thường đi kèm với đau, có khi buộc phải nằm nghỉ. Cơn đau cấp tính liên hệ tới sự nén cột sống kinh diễn, nặng lên khi có một gắng sức do ngồi hoặc đứng ở tư thế kéo dài, đỡ đau khi nghỉ ngơi.
Biến dạng cột sống: thường nặng và sau nhiều năm mới xảy ra, lưng còng, xẹp đốt sống, chiều cao giảm dần theo tuổi (sự giảm này có thể bằng hoặc giảm quá 12cm). Khi sờ có thể thấy các xương sườn ở cuối cùng chạm mào chậu. Đến giai đoạn này thì sự giảm chiều cao sẽ ngừng lại.
Gãy xương: thường ở phần thấp cẳng tay, cổ xương đùi, cổ xương cánh tay, xương sườn và cột sống. Thấy rất đau cột sống và mất đi sau nghỉ ngơi 4-6 tuần, không gây ra ép tủy; gãy xương đùi có thể nguy hiểm cho người bệnh vì các biến chứng do nằm lâu ảnh hưởng tới vận động trong tương lai; Nén đốt sống thường xảy ra ở tuổi 55-70, còn gãy cổ xương đùi thường xảy ra muộn hơn; gãy xương chậu cũng thường xảy ra.
Điều trị và phòng bệnh
Điều trị bệnh loãng xương bao gồm những biện pháp như: thuốc chống đau giãn cơ, vận động thể dục thể chất phù hợp (đặc biệt duy trì trọng lượng cơ thể, tập lưng thẳng, tập bụng). Đề phòng té ngã khi đi đứng, chế độ ăn hợp lý, giảm hoặc ngưng các yếu tố nguy cơ, sử dụng nẹp lưng chỉnh hình, sử dụng thuốc điều trị thích hợp.
Chúng ta cũng biết rằng, cùng với tuổi tác, canxi cũng giảm từ từ một cách không tránh được, từ 20-80 tuổi khối lượng xương mất theo tuyến tính khoảng 30%. Ở phụ nữ nặng hơn vì thêm rối loạn sau mãn kinh, tỷ lệ có thể tới 40% ở tuổi 80. Để phòng bệnh hiệu quả, các biện pháp sau đây cần được chị em quan tâm đúng mực.
Liệu pháp vận động, không vận động nhất là bệnh nhân bị bất động tại giường sẽ làm nặng thêm tình trạng loãng xương trong các đợt đau cấp đúng vào lúc cột sống xảy ra nên cột sống bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau. Nhưng tránh bất động hoàn toàn. Cần phải vận động thụ động và chủ động các chi để duy trì vận động các khớp và cơ, phòng các biến chứng nằm lâu. 
Trường hợp có điều kiện, cho bệnh nhân vận động trong bể nước nóng. Việc vận động trong bể nước nóng bị chống chỉ định khi có một bệnh phủ tạng kết hợp với loãng xương. Mặc áo nịt ngực cứng hoặc nửa cứng giúp bệnh nhân dễ ngồi dậy nhưng chỉ trong một vài tuần sau khi bị nén cột sống. Ngoài cơn đau phải hướng dẫn bệnh nhân vận động nhẹ cột sống, thở nhẹ và sâu dần tránh vận động quá mạnh có thể gây gãy xương. Nếu có thể cho bệnh nhân bơi từng đoạn ngắn.
Chế độ ăn: Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng và đủ chất canxi. (thực phẩm giàu canxi là tôm, cua, trứng, sữa...). Trong điều kiện có thể, mỗi ngày nên uống 1/4 lít sữa tươi hoặc 2 hộp sữa chua.
Thực ra, đề phòng loãng xương ở tuổi sau mãn kinh người ta phải chú ý tới chế độ ăn và luyện tập từ khi còn trẻ.

Cách đơn giản giúp ngăn ngừa đau lưng

Do ngồi một chỗ quá lâu, hay cúi khom về phía trước nên các cơ lưng bị căng, gây đau. Về lâu dài, chứng đau lưng có thể gây biến dạng cột sống và gây lên một số bệnh như còng lưng, thoái hóa cột sống…
Đau lưng là triệu chứng thường do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo các chuyên gia y tế, cơn đau lưng có thể hết trong vài ngày bằng các cách đơn giản.
Để phòng tránh bệnh đau lưng, bạn cần làm theo những điều dưới đây:
- Ngồi học, làm việc phải đúng tư thế: lưng thẳng, không cúi gập người về phía trước hoặc ngả quá ra phía sau.
- Nhân viên văn phòng, những người làm việc phải ngồi lâu một chỗ phải giải lao giữa giờ bằng các bài tập thể dục với những động tác như xoay, gập lưng, xoa bóp, massage lưng... cũng giúp phòng tránh đau lưng hiệu quả.
- Trị bệnh đau lưng bằng cách ăn uống khoa học với các loại thực phẩm có hàm lượng chất can xi cao, giảm chất béo.
- Khi chơi thể thao phải khởi động nhẹ trước khi tham gia 15 phút. Không nên làm bất kỳ động tác nào một cách quá đột ngột.
- Tập thể dục bằng cách đi bộ để giúp xương và cơ lưng được dẻo dai và đây là cách trị bệnh đau lưng hiệu quả nhất.
- Những người làm việc nặng như bưng bê, khuân vác, cần phải tránh nhấc vật nặng ở tư thế đột ngột, nên ngồi xuống thẳng lưng 2 tay nhấc vật nặng lên từ từ, không nên khum lưng cúi người để nhấc vật nặng.
- Không nên đi những giày cao gót thường xuyên.
- Nằm ngủ phải ở tư thế đúng, tránh nằm nghiêng, sấp, nằm trên đệm quá mềm, hay quá dày.
- Ở nhà, nên mặc đồ lót bằng loại vải mềm mại, thoải mái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một số động tác giúp bạn giảm đau lương:
Động tác 1: Nằm sấp, chêm gối ở cổ và bụng dưới. Giữ lưng thẳng, thoải mái, không gồng cơ thắt lưng sau đó ưỡn lưng, ngóc đầu lên giữ yên trong 10 giây sau đó nằm xuống trở về tư thế ban đầu, nghỉ trong 10 giây rồi lặp lại động tác này 10 lần.
Động tác 2: Nằm ngửa, 2 chân co, ưỡn thắt lưng giữ yên trong 10 giây, lúc ưỡn mông và vai vẫn sát mặt giường. Sau khi ưỡn lưng xong ép thắt lưng sát xuống mặt giường giữ yên trong 10 giây sau đó lặp lại 10 lần.
Động tác 3: Nằm ngửa, co từng chân ép sát bụng, mỗi chân giữ 10 giây rồi lặp lại 10 lần
Thực phẩm giúp ngăn ngừa đau lưng
Thực tế, một số thực phẩm có đặc tính tự nhiên chống đau và chống viêm có thể giúp giảm các triệu chứng đau lưng của bạn nếu bạn thêm chúng vào chế độ ăn uống hàng ngày mà không cần dùng thuốc.
Cá: Cá có chứa hàm lượng cao các axit béo omega-3, có thể giúp giảm viêm. Đau lưng là một hình thức viêm nội bộ, thêm cá trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp giảm mức độ đau đớn do những cơn đau lưng gây nên. Omega-3 ở mức độ cao giúp giảm đáng kể tình trạng viêm gây ra cơn đau lưng. Nếu bạn không thể ăn nhiều cá thì cần bổ sung omega-3 từ các loại dầu cá. Tuy nhiên bổ sung dầu cá cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Rau quả: Hầu hết các loại trái cây và rau quả là ít calo và nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp duy trì trọng lượng của cơ thể một cách dễ dàng hơn, giúp giảm cân ở những người béo phì. Việc duy trì một trọng lượng vừa phải sẽ giảm áp lực tác dụng lên các vùng xương khớp, xương cột sống. 
Do đó nó sẽ có tác dụng giảm bớt các cơn đau. Bên cạnh đó một số loại trái cây và rau có thêm đặc tính chống đau rất tốt như: anh đào, nam việt quất, nho đỏ, trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin C. Những loại trái cây này giúp trì hoãn sự tiến triển của viêm khớp, giảm các cơn đau lưng.
Gia vị: Trong bữa ăn hàng ngày, một số loại gia vị mà thành phần của nó giúp giảm đau như: củ nghệ, củ gừng có tác dụng giảm sức, bảo vệ các khớp xương.

Phòng ngừa chuột rút

Chuột rút (vọp bẻ) là hiện tượng thường gặp khi cơ bắp bị căng quá mức. Bệnh không gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng chuột rút làm bạn đau đớn.



Ảnh: healthbeautyfitness.in
Bạn nên áp dụng các biện pháp dưới đây để phòng ngừa chuột rút một cách hiệu quả.
• Bổ sung khoáng chất: Kali, canxi, magiê và natri là những khoáng chất rất quan trọng. Nếu thiếu chúng, cơ thể của chúng ta sẽ rất dễ bị chuột rút. Trái cây, rau củ như cam, chuối, táo là những thực phẩm giàu kali. Các loại đậu, hạt khô, bánh mì và ngũ cốc chứa lượng magiê rất dồi dào. 
Bạn có thể hấp thụ muối natri tự nhiên từ sò, thực phẩm tươi sống, trứng, cá, thịt, sữa. Trong khi đó, các sản phẩm từ sữa, sữa chua, cá ngừ, cá hồi và cải bó xôi là những thực phẩm chứa nhiều canxi. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng các loại thực phẩm chức năng, mỗi ngày nên bổ sung khoảng 1.000 mg cho mỗi loại chất khoáng.
• Trước khi đi ngủ, nên uống một ly nước tăng lực có chứa chất quinine (một loại thuốc trị bệnh sốt rét rất hiệu quả). Đồng thời, bạn cũng phải ngủ với tư thế thẳng thớm, không được uốn cong người hoặc tay chân. Ngoài ra, nên hấp thụ khoảng từ 400 - 800 IU vitamin E mỗi ngày để phòng ngừa chuột rútchân vào ban đêm.
• Xoa bóp nhẹ nhàng nơi bị chuột rút sẽ làm giảm đau được phần nào. Cứ tiếp tục làm như vậy cho đến khi cơn đau do chuột rút gây ra hết hẳn.

• Làm nóng miếng vải lót bằng nước ấm và đặt lên chỗ đau do chuột rút khoảng 20 phút, sau đó vắt nước ra rồi làm lại động tác như trên khoảng 20 phút nữa, cơn đâu sẽ cải thiện.
• Cơ thể mất nước cũng là một trong những lý do gây chuột rút. Do vậy, bạn nên uống thật nhiều nước trong ngày, đặc biệt là trước khi bắt đầu và sau khi kết thúc các hoạt động thể chất.
• Khi bị chuột rút, bạn nhanh chóng đạp hai chân vào tường thì sẽ thấy giảm hẳn.
• Ngoài ra, khởi động nhẹ nhàng trước khi chơi thể thao, thường xuyên luyện tập thể dục và giữ ấm cơ thể cũng là những cách phòng ngừa chuột rút hữu hiệu.

Hội chứng “ngón tay bật” là gì?

Tôi 63 tuổi. Thời gian gần đây sáng ngủ dậy tự nhiên ngón tay giữa của tôi gập vào thì được nhưng duỗi ra phải nhờ bàn tay trái bẻ và khớp rất đau. Đến nay càng ngày duỗi ra nắm lại càng khó. Xin hỏi đó là biểu hiện bệnh gì và chữa trị ra sao?

Nguyễn Thị Tuyết Minh (Hải Phòng)

Đây là hội chứng "ngón tay bật", hay còn gọi là "ngón tay cò súng". Nguyên nhân do tình trạng viêm sưng một vùng gân gập hoặc bao gân gập ngón tay gây đau nhức lòng bàn tay vùng gốc ngón tay, đặc biệt khi gập duỗi ngón tay. Có lúc gân bị sưng nề nhiều gây kẹt, hoặc bật như cò súng khi gân chui phía dưới dây chằng giữ gân.

Triệu chứng thường nặng nhất vào buổi sáng mới ngủ dậy và có thể xảy ra ở một hoặc nhiều ngón tay của cả hai bàn tay. Về sau, gân gập sưng nề nhiều có thể gây sưng, đau nhức nhiều hơn, làm đơ ngón tay không nắm lại được.

Bệnh lý này rất thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh hay ở những người lao động sử dụng bàn tay nhiều như công nhân cầm búa, khoan, tiện, thợ hớt tóc, hoặc vận động viên tennis, cầu lông... Phẫu thuật điều trị bệnh này rất đơn giản, phục hồi nhanh, các bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ 1cm ở lòng bàn tay sau khi gây tê tại chỗ, vào rạch ròng rọc giải phóng gân kẹt. Sau mổ bệnh nhân hết ngay tình trạng kẹt gân và tập phục hồi vận động bàn tay sớm.