Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Xử lý khi bị căng cơ

Căng cơ thường thấy ở những nơi có các vận động xoay tròn hoặc uốn cong. Các vùng bị đau thường bị sưng và cũng có thể xuất hiện những vết bầm tím.




Căng cơ là tình trạng các thớ cơ căng giãn hơn bình thường, vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ, thường xảy ra khi mang vác vật nặng sai tư thế. Căng cơ thường thấy ở những nơi có các vận động xoay tròn hoặc uốn cong như ở vùng thắt lưng, cổ, tay và chân. Các vùng bị đau có khuynh hướng bị sưng lên và cũng có thể xuất hiện những vết bầm tím.

Cần làm gì khi bị căng cơ?
Khi bị căng cơ, phải dừng ngay lao động, tập luyện sau đó bạn cần chườm lạnh. Vì chườm lạnh rất hữu hiệu khi bị chấn thương cấp tính. Chườm lạnh cũng làm giảm lượng máu lưu thông về khu vực được chườm lạnh, giúp giảm sưng tấy quanh chấn thương. Khi chườm lạnh có thể dùng khăn bọc đá cho mát hoặc dùng túi đựng đá (tránh lạnh trực tiếp) để chườm lạnh ngay tại chỗ 10 - 15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 giờ, hãy để khu vực bị chấn thương trở lại nhiệt độ bình thường trước khi chườm lạnh một lần nữa. Có thể lặp lại nhiều lần trong ngày. 
Có thể chườm lạnh trong 1 - 3 ngày đầu sau khi bị thương. Không nên chườm một lần quá lâu. Mục đích để phòng biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu. Sau khi chườm lạnh xong cần nghỉ ngơi thư giãn. Không sử dụng chườm lạnh nếu tuần hoàn của bạn kém. Hãy cẩn thận khi chườm lạnh nếu da bạn đang ở điều kiện kém hoặc bị rách và trầy da.
Xử lý khi bị căng cơ 1
Những điều không nên làm khi bị căng cơ
Khi bị chấn thương, bệnh nhân không được chườm nóng, không dùng dầu và rượu xoa bóp. Vì chườm nóng hoặc xoa bóp khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi. Chúng sẽ trở nên yếu hơn và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh.
Khi bị căng cơ nếu chơi bất cứ một loại hình thể thao nào cần cường độ vận động mạnh đều không tốt vào thời điểm này. Hầu hết các tổn thương thể thao xảy ra khi bạn ngã hoặc va đập hoặc khi bạn đang chơi với tất cả khả năng của mình. Vì vậy, cần điều chỉnh thể lực, giảm bớt khối lượng tập hoặc chọn một thể thức tập luyện khác, nên nghỉ ngơi sau khi tập thể dục vừa phải.
Thông thường, nếu tổn thương nhẹ, bệnh nhân sẽ hoàn toàn phục hồi sau khi điều trị được 2-3 ngày. Lúc này, người bệnh có thể tập luyện nhẹ nhàng (khoảng 50% sức) và tăng từ từ để cơ thể dễ thích nghi. Nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn còn khó khăn, cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bệnh nhân cần đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.

Chuyện gì xảy ra từ cái bắt tay lỏng lẻo?

Đó có thể là biểu hiện lâm sàng khi tuỷ sống cổ bị chèn ép do các loại bệnh lý khác nhau gây tổn thương tuỷ sống mạn.

Thủ phạm chèn ép tuỷ sống mạn
Những nguyên nhân chèn ép tuỷ sống mạn nằm quanh tuỷ sống cổ theo thứ tự thường gặp: thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hoá cột sống cổ, cốt hoá dây chằng dọc sau, cốt hoá dây chằng vàng. Một số ít trường hợp kết hợp nhiều nguyên nhân cùng lúc. 
Những nguyên nhân khác ít thấy là bướu ống sống, cột sống cổ hẹp di động nhiều, gây chèn ép động tuỷ sống cổ. Thoát vị đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 40 - 50, thoái hoá đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 50 - 60. Cốt hoá dây chằng dọc sau hay dây chằng vàng ít thấy; thường sau 50 tuổi.
Cần lưu ý không phải lúc nào các trường hợp trên cũng là nguyên nhân gây chèn ép, dù được phát hiện trên X-quang thường quy, X-quang cắt lớp điện toán (CT) hay hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Vì thế bệnh nhân đừng quá lo lắng với những thuật ngữ trên.
Những dấu hiệu mắc bệnh
Triệu chứng lâm sàng thường thấy của bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính: tê các ngón (các ngón tay bị tê: hai ngón thứ tư và thứ năm; ba ngón một, hai và ba; cả năm ngón một, hai, ba, bốn và năm; tê thường thấy ở cả ngón tay mặt lưng hay lòng khác tê đầu năm ngón tay trong bệnh viêm khớp dạng thấp). 
Tê từ vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay và đến các ngón tay; tê thân mình; tê cẳng bàn chân; mất cử động khéo léo các ngón tay (khó cầm đũa gắp thức ăn, cầm muỗng dễ hơn nhưng dần dần cũng khó khăn; ký tên xấu đi; chữ viết xấu dần; trở nên vụng về khi gài nút áo). 
Cánh tay, cẳng tay, bàn tay yếu dần (bệnh nhân không cầm nắm được đồ vật, khó cử động cổ tay, sấp ngửa cẳng tay, gập duỗi cẳng tay yếu dần; bắt tay nhau lỏng lẻo... các triệu chứng này do liệt vận động một phần hai tay). 
Dáng đi kiểu co giật do liệt vận động hai chân (bệnh nhân yếu dần hai chân, đi lại khó khăn hơn trên đường bằng phẳng; khi bệnh diễn biến nặng bệnh nhân không thể lên xuống thang một mình, không đi xa được). Cuối cùng là rối loạn tiêu tiểu (nặng nhất là bí tiểu).
Bác sĩ chuyên khoa cột sống có thể chẩn đoán bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính khi phối hợp khám lâm sàng thấy rõ các triệu chứng trên, phát hiện các hội chứng tháp tứ chi (các dấu Hoffmann, Babinski, tăng phản xạ gối, gót, khám phá bọng đái thần kinh…) và hình ảnh học y khoa của các nguyên nhân bệnh lý nêu trên.
Cẩn thận với chỉ định đốt lade, sóng cao tần
Khi phát hiện bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính, không phải lúc nào bệnh nhân cũng phải bị phẫu thuật. Cực kỳ cẩn thận trong chỉ định đốt lade, đốt sóng cao tần khiến tiền mất, tật mang. Nếu bệnh nhân có tê nhẹ, các triệu chứng liệt vận động chưa xuất hiện, tuỷ sống trong giai đoạn sớm bị kích thích thì phải cẩn thận trong chỉ định mổ. Bệnh nhân có thể được điều trị bảo tồn: tránh tư thế sai, tránh kéo tạ cổ, tránh tập mạnh cổ sai, tránh cúi - xoay cố hay ngửa - xoay cổ, tránh ngửa cổ quá mức.
Một số thuốc hỗ trợ có thể được sử dụng. Nẹp cổ ít khi có chỉ định. Tập mạnh cơ vùng cổ nhẹ nhàng với sự giám sát của chuyên viên phục hồi chức năng. Bệnh nhân có thể được theo dõi hàng chục năm mà không trở nặng thêm. Nếu có các triệu chứng liệt vận động, nhất là khi thấy có chèn ép trung tâm, cần cân nhắc chỉ định mổ.
Những bệnh nhân phát hiện bệnh lý tuỷ sống cổ mạn tính kèm theo các bệnh lý nặng khác của tuổi già cũng cần được cân nhắc trước khi quyết định phẫu thuật.
Điều trị phẫu thuật
Thoát vị đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 40 - 50, thoái hoá đĩa đệm thường thấy trong hạng tuổi 50 - 60. Cốt hoá dây chằng dọc sau hay dây chằng vàng ít thấy; thường sau 50 tuổi.
Dùng lối vào trước cột sống cổ: nếu ống sống rộng, sự chèn ép chỉ xảy ra ở một hay hai tầng bệnh thì phẫu thuật viên thường chọn phương pháp cắt đĩa sống và hàn liên thân đốt bằng xương ghép, bằng nêm nhựa tổng hợp có hay không kèm theo nẹp kim loại cố định vững cột sống cổ. 
Nẹp kim loại có chỉ định rõ khi cần phẫu thuật hàn xương sống cổ qua nhiều tầng bệnh để tránh khớp giả, tái phát. Phương pháp này hữu hiệu và cho kết quả tốt với chi phí phẫu thuật thấp hơn nhiều so với quan niệm thay đĩa sống giả vùng cổ, mắc tiền hơn năm sáu lần. Phương pháp thay đĩa sống giả này đang ở trong giai đoạn nghiên cứu trên thế giới, đã phát hiện biến chứng cứng đĩa sống thay vì di động như mục đích ban đầu; trật đĩa sống giả; cựa xương mọc quanh đĩa sống giả làm kết quả lâu dài xấu, thất bại.
Dùng lối vào sau cột sống cổ: khi sự chèn ép xảy ra nhiều tầng (ba, bốn tầng) dù ống sống rộng thì chỉ định phẫu thuật lối sau làm rộng ống sống là nhẹ nhàng cho bệnh nhân. Khi ống sống hẹp, chỉ định phẫu thuật mở rộng ống sống lối sau có thể áp dụng cho hai hay ba tầng chèn ép trở đi. 
Không nên áp dụng phẫu thuật cắt bảng sống ba bốn tầng phía sau để giải ép. Phẫu thuật này khiến còng cột sống cổ xảy ra do cột sống cổ mất vững, gây chèn ép tái phát. Phẫu thuật tạo hình bảng sống được áp dụng từ hơn mười lăm năm nay có kết quả tốt với phương pháp Nhật Bản Kurokawa hay Itoh. Khoảng 25% trường hợp kèm mỏi cổ, hay đau cổ sau mổ.
Phẫu thuật tạo hình bảng sống kiểu Việt Nam (phẫu thuật VVT) được áp dụng từ hơn chín năm nay với kết quả tương đương nhưng ít hay không có biến chứng đau cổ hay mỏi cổ như hai phẫu thuật trên do ít tàn phá mô mềm và xương hơn.

Thoái hóa khớp bàn tay và cách phòng ngừa

Thoái hóa khớp bàn tay (THKBT) là một trong các bệnh khớp thường gặp ở người có tuổi, gây đau, ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động và đời sống.


Thoái hóa khớp bàn tay và cách phòng ngừa 1
Bàn tay bình thường và bàn tay viêm khớp.
Người xưa có câu "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay".  Bàn tay rất khéo léo, linh hoạt và là một công cụ lao động vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, Ở Việt Nam, THKBT chiếm tỷ lệ 14%, đứng hàng thứ tư trong các vị trí thoái hóa khớp thường gặp.
Thoái hóa khớp thường đi kèm với tuổi tác
Tuổi trung bình của bệnh nhân THKBT là 60 - 65 tuổi. Tuy nhiên, từ độ tuổi 55 đã bắt đầu xuất hiện các biểu hiện của THKBT. Tỷ lệ THK tăng dần theo tuổi, cao hơn ở nhóm tuổi từ 60 trở lên và cao nhất ở nhóm 70 - 79 tuổi. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ cao nhất của THK, có thể nói rằng tuổi càng cao, lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bị giảm sút, sự lão hóa sụn càng rõ, làm cho sụn kém chịu đựng được các yếu tố tác động có hại lên khớp. 
Ngoài ra, người già vẫn phải làm việc thêm để kiếm sống, chăm lo các công việc trong gia đình như giặt giũ, bế cháu, các công việc nội trợ khác, họ lao động chân tay là chủ yếu, tạo điều kiện cho THK phát triển. Thứ hai, bệnh cũng thường gặp ở nữ giới (75%). 
Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi hormon như estrogen, dẫn đến thay đổi tế bào sụn khớp. Thứ ba, những người béo phì cũng dễ bị THKBT. Có tới 1/3 bệnh nhân THKBT bị béo phì. Thứ tư là THKBT thường xuất hiện sau một số bệnh lý bàn tay như sau chấn thương, gãy xương khớp, hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp, gút mạn tính, đái tháo đường...
Dấu hiệu của THKBT thế nào?
Bàn tay phải hay bị thoái hóa hơn, vì đa số trong chúng ta đều thuận tay phải, dùng nhiều tay phải hơn trong cuộc sống, lao động và sinh hoạt. Trong số 5 ngón tay thì các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa (ngón I, II, III) hay bị thoái hóa nhất, do các ngón này phải hoạt động tích cực nhất như khi cầm, nắm, mang, vác, hay xách đồ vật. 
Còn trong các vị trí khớp của từng ngón tay thì khớp gốc ngón tay cái hay bị THK nhất, liên quan đến việc sử dụng các khớp này nhiều nhất khi cầm nắm đồ vật. Đặc biệt, khớp gốc ngón tay cái có hình yên ngựa, đảm nhiệm chức năng cầm nắm đồ vật của bàn tay, do đó dễ bị tổn thương hơn. Hiện nay, người ta đã chứng minh vai trò chắc chắn của yếu tố nghề nghiệp trong THK gốc ngón tay cái ở phụ nữ. 
Người bệnh than phiền đau khớp bàn tay 1 bên hoặc cả 2 bên, đau kiểu cơ học, tức là đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Đau tăng lên khi mặc quần áo, khi cài Tkhuy áo; đau khi nắm bàn tay lại, đau khi rót nước vào ly và đỡ đau khi nghỉ ngơi. Đau thường chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình. Vào buổi sáng, khi thức dậy, khớp bị cứng, khó cử động, kéo dài từ 15 - 30 phút. Cứng khớp sau khi nghỉ ngơi cũng thường gặp. Đó là dấu hiệu phá rỉ khớp. Dần dần bàn tay trở nên khó làm các động tác sinh hoạt thường ngày hơn, phát tiếng lạo xạo khi cử động, các cơ bàn tay teo nhỏ. 
Ở các giai đoạn muộn, 1/3 số người bệnh có các ngón tay bị biến dạng. Đó là do sự có mặt của các chồi xương, mọc ở khớp ngón xa (hạt Heberden) hay ở khớp ngón gần (hạt Bouchad), gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khoảng 50% số bệnh nhân THKBT gặp khó khăn khi thực hiện các công việc tự chăm sóc bản thân, nội trợ và các công việc trong sinh hoạt hàng ngày khác như chải đầu, giặt giũ, mặc quần áo, ăn, uống, chăm sóc con cháu, bế cháu. Có 4 dấu hiệu cơ bản của THKBT là gai xương, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, hốc xương. Có thể chụp thêm Xquang bàn tay để chẩn đoán xác định.
Thoái hóa khớp bàn tay và cách phòng ngừa 2
Người cao tuổi tránh bê vật nặng để phòng thoái hóa khớp bàn tay.
Làm gì để phòng THKBT?
Cần tránh lao động, mang vác nặng. Không nên sử dụng đôi tay trong thời gian liên tục, quá dài. Các thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội nên quan tâm, chia sẻ bớt gánh nặng của người cao tuổi. Tăng cường việc sử dụng máy móc hỗ trợ cho lao động và sinh hoạt nếu có thể. Việc phát hiện sớm THK bàn tay là cần thiết, vì sẽ giúp điều trị sớm, giảm thiểu các hậu quả của bệnh. Khi có các dấu hiệu như đau khớp bàn tay, biến dạng khớp hay cứng khớp buổi sáng, hạn chế vận động bàn tay thì nên đến khám chuyên khoa xương khớp để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi chữa viêm khớp tự phát ở trẻ

Bệnh viêm khớp tự phát ở tuổi thiếu niên gây tổn thương nhiều vị trí, nếu để lâu, bệnh gây ra những biến chứng ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ.

Làm sao để biết trẻ bị bệnh?
Khi trẻ bị viêm khớp kéo dài 6 tuần trở lên và khởi phát bệnh trước 16 tuổi thì cần nghĩ ngay đến bệnh viêm khớp tự phát. Viêm khớp tự phát có nhiều thể bệnh khác nhau và cho đến nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh thường khởi phát sau nhiễm virut, vi khuẩn (Chlamydia mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella…). 
Các thể bệnh của viêm khớp tự phát sẽ xuất hiện theo từng lứa tuổi như viêm khớp thể viêm nhiều điểm bám tận của gân cơ, thường gặp ở trẻ lớn từ 12 - 16 tuổi, nam nhiều hơn nữ; viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 7 - 11 tuổi với các biểu hiện ở khớp thường xuất hiện trước khi có các tổn thương ở da. Thể bệnh hệ thống hay còn gọi là bệnh Still ở trẻ em có triệu chứng chính là sốt cao, nổi ban màu cá hồi ở da và viêm khớp...
Lưu ý khi chữa viêm khớp tự phát ở trẻ 1
Chữa trị như thế nào?
Hiện nay có nhiều biện pháp điều trị bệnh, mục đích của điều trị là kiểm soát tiến triển của bệnh càng sớm càng tốt, hạn chế đến mức tối đa những thương tổn gây phá hủy và biến dạng khớp, tối ưu hóa các vận động khớp nhằm đạt tới chức năng khớp bình thường cho bệnh nhân.
Ngoài luyện tập và vật lý trị liệu, cần phải dùng thuốc để giúp trẻ giảm đau, tăng cường thể lực, thuốc điều trị cơ bản và cuối cùng là can thiệp ngoại khoa.
Thuốc nào giúp trẻ không đau?
Hiện nay đã có nhiều loại thuốc để điều trị bệnh này, tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nhóm thuốc chính như sau: thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm giảm đau và các thuốc điều trị cơ bản, tức là thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm làm giảm, khống chế quá trình viêm khớp.
Các thuốc giảm đau đơn thuần đầu tiên được sử dụng là paracetamol. Các thuốc chống viêm giảm đau khác bao gồm thuốc không steroid (NSAIDs) và steroid. Tuy nhiên, cần phải chú ý tới các tác dụng phụ của nhóm thuốc này, đặc biệt là tác dụng tổn thương trên đường tiêu hóa, gây độc cho gan thận.
Thuốc chống viêm nhóm corticosteroid cũng là một nhóm thuốc quan trọng, thường được chỉ định trong các đợt tiến triển của bệnh khi sưng đau nhiều khớp hoặc khi viêm khớp thiếu niên tự phát có tổn thương nội tạng. Thuốc thường được sử dụng trong thời gian ngắn, khi kiểm soát tốt tình trạng viêm cần giảm liều nhanh, chuyển sang thuốc NSAIDs. Chú ý thuốc khi dùng kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ toàn thân, thậm chí gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.
Ngoài nhóm thuốc giảm đau, chống viêm cần phải dùng thuốc điều trị cơ bản hay còn gọi là thuốc thay đổi cơ địa. Thuốc điều trị cơ bản tác dụng chậm thường chỉ có tác dụng sau vài tuần đến vài tháng. Tùy vào thể bệnh mà nhóm thuốc này sẽ được bác sĩ cho sử dụng ngay từ giai đoạn sớm của bệnh. Methotrexat là thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp thiếu niên tự phát, tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ đặc biệt là gây tăng men gan. 
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân thường phải bổ sung acid folic nhằm hạn chế các tác dụng phụ này. Một thuốc khác là sulphasalazine cũng được lựa chọn trong những trường hợp viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm nhiều điểm bám tận hay thể viêm cột sống dính khớp. 
Thuốc có những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, loét họng, giảm bạch cầu trung tính..., nên cần được theo dõi y tế định kỳ hằng tháng. Hiện nay, một số thuốc mới được đưa vào sử dụng và cho những hiệu quả tốt như etanercept, infliximab, đang được nghiên cứu sử dụng điều trị cho trẻ em bị viêm khớp nặng và không đáp ứng điều trị với methotrexate.
Trường hợp nào cần phải mổ?
Trong thực tế, khi chữa trị bằng thuốc và các phương pháp khác không đạt được kết quả như mong muốn, buộc phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. Các phương pháp ngoại khoa hiện nay được áp dụng là: nội soi khớp rửa khớp, cắt bỏ màng hoạt dịch được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài; thay khớp một phần hay toàn bộ nhằm giảm đau, gỡ dính khớp tránh tình trạng bất động kéo dài do khớp bị tổn thương nặng, đặc biệt là những khớp trung bình và lớn như khớp gối, khớp vai, khớp háng...
Như vậy, để điều trị bệnh viêm khớp tự phát ở trẻ đạt hiệu quả cao, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như thấp khớp học, nhi khoa, phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý kết hợp với sự chăm sóc của gia đình và hỗ trợ của nhà trường...

Thanh thiếu niên bị viêm khớp dễ có nguy cơ tàn phế

Viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên là viêm khớp khá phổ biến tồn tại khoảng vài tháng đến vài năm còn gọi là viêm khớp mạn tính thanh thiếu niên.

Gần đây, tình trạng trẻ  khám và điều trị các bệnh cơ xương khớp ngày càng tăng, rất đa dạng từ đau mỏi xương khớp tuổi đang lớn, viêm khớp cấp tính do vi khuẩn, do lao, viêm sau chấn thương… cho đến những bệnh khớp mãn tính do nguyên nhân rối loạn miễn dịch (tự miễn, lupus, bạch cầu cấp…).

Viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên là viêm khớp khá phổ biến tồn tại khoảng vài tháng đến vài năm còn gọi là viêm khớp mạn tính thanh thiếu niên.

Có 3 thể viêm khớp:
 
- Viêm ít khớp: chỉ gây tổn thương dưới 5 khớp chủ yếu là những khớp lớn như khớp vai, khuỷu, gối.

- Viêm đa khớp có tổn thương từ 5 khớp trở lên, thường gặp ở những khớp nhỏ bàn tay, bàn chân nhưng cũng có thể gặp ở những khớp lớn.
 
- Viêm khớp hệ thống gây tổn thương nhiều hệ cơ quan trong cơ thể (còn gọi là bệnh Still). Viêm khớp Still là một trong 3 thể lâm sàng của bệnh viêm khớp mãn tính ở trẻ em. sốt dao động, mệt mỏi, đau nhức cơ toàn thân và các triệu chứng này không giảm khi dùng aspirine liều thông thường. Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ ở thân mình và các gốc chi nhưng các mẩn đỏ này mất đi rất nhanh.
 
TS. Lê Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch- Dị ứng- Khớp, BV Nhi Trung ương cho biết, bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên rất nguy hiểm cho trẻ, nếu phát hiện quá muộn, gây tổn thương khớp nghiêm trọng sẽ dẫn đến tàn phế. Vì vậy khi thấy có những biểu hiện bất thường về khớp như sưng, đỏ, nóng, đau phải đưa trẻ đến khám ở các chuyên gia khớp.

Về lâm sàng, nếu dấu hiệu sưng khớp khó xác định thì có thể dùng siêu âm để chẩn đoán. Khi có tràn dịch, cần chọc dò để làm xét nghiệm dịch khớp trong trường hợp nghi ngờ có nhiễm trùng. X-quang thường không có giá trị nhiều trong giai đoạn sớm vì chưa thấy các tổn thương như hẹp khe khớp, hủy khớp hay khuyết ổ khớp. Chụp cộng hưởng từ có thể được chỉ định đối với các trường hợp tràn dịch khớp khó xác định như khớp háng. Xét nghiệm miễn dịch, tìm sự hiện diện của yếu tố thấp và kháng thể kháng nhân….
 
Cần phải loại trừ một số bệnh lý khác có thể gây ra một bệnh cảnh tương tự như: thấp khớp cấp, nhiễm trùng khớp, tổn thương khớp trong các bệnh hệ thống và bệnh lý về máu…

Viêm khớp mãn tính ở trẻ em được điều trị bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoide, ức chế miễn dịch, vật lý trị liệu… Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, trẻ có thể bảo tồn được các khớp và hạn chế đến mức tối đa sự biến dạng khớp gây tàn phế. 
 
Tuy nhiên, các bệnh khớp tự miễn, sau khi điều trị ổn định trẻ vẫn cần được khám khớp và theo dõi định kì theo chuyên khoa để tránh trường hợp bị lại.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm khớp:


- Đau, ửng đỏ, sưng kèm theo sự đơ cứng của các khớp bị viêm.
- Đi cà nhắc nếu bàn chân hoặc chân bị viêm.
- Trong trường hợp viêm đa khớp, có sốt nhẹ.

Trong viêm khớp toàn thân các triệu chứng sau đây có thể xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi các khớp bị viêm: Nhiệt độ trên 39 độ C, nổi hạch toàn thân, nổi mẩn không ngứa, sẫm màu. Ngoài ra, có biến chứng viêm mống mắt nhưng rất hiếm.

Viêm khớp gout: Dễ chữa, khó khỏi

Viêm khớp gout (bệnh gout) là do rối loạn chuyển hóa purin, thường gặp nhất ở lứa tuổi trung niên, là bệnh của giới nam (>90%) và đã trở lên rất phổ biến ở Việt Nam.


Bệnh gout nói chung vẫn được coi là bệnh viêm khớp dễ chẩn đoán và có thể kiểm soát được bằng chế độ ăn uống, thuốc men. Theo thống kê, chỉ có khoảng 10-20% bệnh nhân bệnh này được coi là kháng trị hay khó kiểm soát vì do dị ứng với thuốc điều trị, không dung nạp thuốc, bị các tác dụng phụ của thuốc hay do chế độ ăn uống không đúng.

Ở nước ta, bệnh gout đang là nỗi ám ảnh của nhiều người, vì những cơn đau khớp cấp, mãn, dò loét, sỏi thận, suy thận... do hậu quả của một thời gian dài không được chẩn đoán và điều trị đúng.

Mặc dù đây là một bệnh khớp đáp ứng tốt với điều trị, nhưng đòi hỏi điều trị liên tục, lâu dài, toàn diện, kết hợp ngay từ đầu các biện pháp đồng bộ giữa điều trị và phòng bệnh, giữa dùng thuốc và chế độ sinh hoạt, ăn uống.
Chẩn đoán bệnh
Việc tự chẩn đoán bệnh gout được dựa vào các triệu chứng:
- Giới: Đa số ở đầu tuổi 40, ở nữ giới có tỷ lệ bị bệnh rất thấp và thường phát sinh sau tuổi mãn kinh.
- Vị trí khớp đau: Đa số bắt đầu ở khớp bàn ngón 1 hoặc khớp cổ chân.
- Tính chất đau: Đột ngột dữ dội, kèm theo sưng tấy, nóng đỏ, xung huyết ở một khớp, tái đi tái lại, thường xảy ra về đêm, sáng dậy thấy khớp sưng đau, thậm chí không thể đi lại được, đau kéo dài từ 3-10 ngày rồi có thể tự khỏi, không để lại dấu vết gì, xen kẽ với những giai đoạn hoàn toàn không đau.
- Hoàn cảnh xảy ra viêm khớp cấp: Thường sau ăn uống quá mức, uống nhiều bia rượu, gắng sức, căng thẳng, nhiễm lạnh, nhiễm trùng...
Chẩn đoán bằng xét nghiệm:
- Máu: Acid uric trong máu tăng > 20mmol/l.
- Dịch khớp: Xét nghiệm thấy trong dịch khớp có tinh thể urate. Đây là một xét nghiệm rất quan trọng và có ý nghĩa giúp cho việc xác định bệnh và chẩn đoán phân biệt ngay từ những cơn đau khớp đầu tiên.
- Hạt trophi cạnh khớp.
Đa số bệnh gout không khó chẩn đoán, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ biểu hiện không điển hình, có thể nhầm lẫn với các bệnh khác, như viêm khớp nhiễm trùng, viêm tế bào mô quanh khớp, chấn thương khớp và quanh khớp; lao khớp và viêm khớp dạng vảy nến.
So với bệnh gout, các bệnh trên có tỷ lệ mắc thấp hơn nhiều nhưng lại hay kết hợp với bệnh gout, vì vậy, khi viêm khớp gout không điển hình hay không đáp ứng với điều trị thì phải tìm hiểu sâu thêm về các bệnh lý kết hợp.
Cần biết bệnh viêm khớp gout rất hay đi kèm các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, thiếu máu cơ tim, sỏi thận, gan nhiễm mỡ...
Điều trị viêm khớp gout

Điều trị bệnh gout cần được duy trì suốt đời, giống như điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nhằm ba mục đích: Điều trị cắt cơn hay còn gọi là điều trị cơn gout cấp; làm hạ và duy trì acid uric ở mức cho phép, hay còn gọi là ngăn ngừa tái diễn cơn gout cấp; kiểm soát tốt các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Điều trị cắt cơn nhanh, mạnh, sớm, ngắn ngày bằng các thuốc giảm đau như các thuốc không phải Steroid (NSAIDs), Corticoide khi có chỉ định, hoặc
Colchicin uống hay chích.
Điều trị ngăn ngừa tái diễn nhằm làm giảm và duy trì acid uric trong máu ở mức cho phép, bắt đầu bằng liều thấp, liên tục, không ngắt quãng, không bỏ thuốc.
Các thuốc được dùng: Thuốc chống tổng hợp acid uric như llopurinol (Zyloric, Zyloprim), Oxypurinol, Febuxostat...; thuốc tăng thải acid uric khỏi cơ thể như Probenecid, Sulfinpyrazon; các thuốc kiềm hóa nước tiểu như uống nước khoáng, nước sắc của quả sa kê, thuốc muối Bicarbonate, thuốc làm tan sỏi uric ở thận như cốm Piperazine Midy...
Điều trị các bệnh kèm theo và chế độ ăn uống dự phòng: Bệnh nhân gout cần tập thói quen ăn uống và sinh hoạt để làm giảm các yếu tố thuận lợi làm phát sinh bệnh và cơn gout cấp.
Theo đó cần tránh ăn uống quá mức, uống quá nhiều bia rượu, ăn các thức ăn giàu đạm chứa nhiều nhân purin như tim, gan, thận, hột vịt lộn, óc, cá đối, cá mòi, thit chó...
Người bị bệnh gout cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh làm việc gắng sức, tránh stress; giảm cân nặng, kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo nếu có, như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh mạch vành...

Bệnh nhược cơ, điều trị thế nào?

Bệnh nhân nhược cơ phải có một quá trình điều trị thuốc lâu dài hoặc phải phẫu thuật. Do đó, cần phải có một chẩn đoán rõ ràng

Nhược cơ (NC) là một bệnh ảnh hưởng đến khớp thần kinh - cơ. Trong bệnh NC tự miễn, các kháng thể làm giảm số lượng các thụ thể tiếp nhận acetylcholine và do đó làm suy giảm dẫn truyền thần kinh - cơ. Các đặc điểm chính của NC là yếu và mỏi cơ vân, thường theo một cách phân bố đặc trưng. Yếu cơ tăng lên khi gắng sức và cải thiện khi nghỉ ngơi.
Nguyên nhân
NC tự miễn mắc phải là bệnh nhược cơ thường gặp nhất, nhưng hiếm gặp NC bẩm sinh. Bệnh bắt đầu sớm ở trẻ em và đòi hỏi các khảo sát bằng điện sinh lý, miễn dịch tế bào và phân tử một cách tinh tế để cho ra chẩn đoán chính xác. Nên nghĩ đến hội chứng này khi có tiền sử gia đình hoặc có sự nghi ngờ nguyên nhân của miễn dịch ở bệnh nhân yếu cơ khởi  phát sớm.
Triệu chứng và dấu hiệu
Các dấu hiệu giới hạn vận động là triệu chứng rõ nét của bệnh nhược cơ. Khoảng 50 - 60% bệnh nhân có triệu chứng sụp mi và song thị do cơ vận nhãn bị ảnh hưởng. Yếu cơ vận nhãn ở dạng không tương ứng với tổn thương riêng dây thần kinh và phản xạ của đồng tử thường bình thường. Triệu chứng yếu cơ rất thay đổi và ảnh hưởng lúc mắt này lúc mắt kia là đặc trưng của yếu cơ do nhược cơ. 
Những biểu hiện yếu cơ tương đối khu trú lúc đầu này thường có xu hướng lan rộng sau vài tuần hoặc vài tháng ở khoảng 60% bệnh nhân (NC toàn thân). Trong khoảng 40% bệnh nhân, yếu cơ có thể bắt đầu ở bất cứ vùng nào trên cơ thể. Điển hình, các dấu hiệu và triệu chứng thường nổi bật hơn vào cuối ngày. Trong phần lớn trường hợp, bệnh thường nặng nhất trong 3 - 5 năm đầu sau khi khởi bệnh. 
Đầu tiên, triệu chứng có thể thoáng qua và có thể xuất hiện trở lại sau đó, thường ảnh hưởng thêm những nhóm cơ khác nữa. Cần nhấn mạnh rằng, rối loạn miễn dịch bên dưới ảnh hưởng toàn thân, chứ không phải chỉ ở những nơi yếu cơ mà thôi. Teo cơ do hậu quả của “sự mất phân bố thần kinh” về mặt chức năng tại các cơ đai vai, cánh tay, mặt, cổ và lưỡi, mặc dù không điển hình của NC, nhưng nó được thấy ở khoảng 10% trường hợp bệnh toàn thân nặng. Hiện nay, điều này rất hiếm thấy ở các bệnh nhân được điều trị sớm với ức chế miễn dịch đầy đủ.
Bệnh nhược cơ, điều trị thế nào? 1
 Sụp mi là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhược cơ.
Cơn nhược cơ
Cơn nhược cơ là một cấp cứu thần kinh cần phải được điều trị tích cực. "Cơn" được định nghĩa là tình trạng mất khả năng duy trì chức năng hô hấp, nuốt và khạc chất tiết để làm sạch đường hô hấp. Yếu tố thúc đẩy thường là nhiễm khuẩn, phẫu thuật, rối loạn cảm xúc, không đảm bảo điều trị lâu dài hoặc giảm liều thuốc quá nhanh. 
Các dấu hiệu cảnh báo khởi đầu cơn nhược cơ bao gồm: thở nông, nói lắp, nuốt khó, yếu cơ hô hấp và cơ cổ tiến triển với khó thở khi nằm, da tái hoặc tím và vã mồ hôi. Tăng CO2 và giảm O2 trong máu. Cơn nhược cơ do quá liều thuốc ức chế men acetylcholine ở bệnh nhân nhược cơ tiến triển. Nếu sự yếu cơ tiến triển và không cải thiện với thuốc ức chế men acetylcholine, bệnh nhân thường có xu hướng vào cơn nhược cơ ngay và cần phải được điều trị cơn nhược cơ ngay từ lúc này.
Chẩn đoán và điều trị
Việc phát hiện các tự kháng thể đối với nicotinic acetylcholine là dấu hiệu chẩn đoán đơn độc quan trọng nhất và đặc hiệu nhất trong bệnh nhược cơ.
Bệnh nhân nhược cơ phải có một quá trình điều trị thuốc lâu dài hoặc phải phẫu thuật. Do đó, cần phải có một chẩn đoán rõ ràng, loại trừ hết các tình trạng giống NC và tìm ra hết các tình trạng có thể ảnh hưởng đến việc chọn lựa điều trị. Các chẩn đoán có thể bị che lấp bởi các rối loạn thần kinh có ảnh hưởng đến chức năng vận động cùng tồn tại khác. Một điều quan trọng là cần phải tầm soát các bệnh tự miễn khác và các phản ứng tự miễn dưới lâm sàng bởi vì nó có thể làm rối loạn thêm sự rối loạn miễn dịch và nó cần phải được điều trị thêm. Các rối loạn có thể ảnh hưởng đến việc điều trị ức chế miễn dịch bao gồm nhiễm khuẩn ngoài ý muốn như lao; đái tháo đường; loét tá tràng; chảy máu dạ dày; bệnh thận; tăng huyết áp và bệnh ác tính.
Hiện nay điều trị đã cải thiện được tiên lượng bệnh nhược cơ rất nhiều. Trước khi phương pháp điều trị ức chế miễn dịch được áp dụng, tỷ lệ tử vong của nhược cơ toàn thể là 30% và hơn 60% bệnh nhân không cải thiện hoặc bệnh xấu dần. Đặc biệt, tử vong của các bệnh nhân vào cơn nhược cơ là 70%. Với sự điều trị thích hợp hiện nay, phần lớn bệnh nhân nhược cơ có thể có cuộc sống cơ bản bình thường. 
Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân phải uống thuốc ức chế miễn dịch trong nhiều năm hoặc thậm chí không xác định được thời gian mặc dù có nguy cơ mắc phải tác dụng phụ. Sự xấu đi đột ngột kèm suy hô hấp (cơn nhược cơ) ngày nay khá hiếm (dưới 2%) ở các bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch dài hạn. Các bệnh nhân nhược cơ và u tuyến ức (thường trên 40 tuổi) thường dễ vào cơn nhược cơ hơn các bệnh nhân không có u tuyến ức. Ở các bệnh nhân có u tuyến ức, tiên lượng liên quan với quá trình bệnh và giai đoạn mô học của u. Mục đích chữa lành bệnh tự miễn vẫn chưa đạt được, mặc dù các phác đồ đầy hứa hẹn dựa trên các hiểu biết mới về miễn dịch của bệnh nhược cơ đang được phát triển.
Hai kiểu điều trị thường được kết hợp trong điều trị bệnh nhược cơ. Các triệu chứng có thể cải thiện một cách nhanh chóng bằng các thuốc kháng men cholinesterase để gia tăng lượng acetylcholine trong khe sy-nap bù trừ. Điều trị triệu chứng như thế có thể đủ trong các trường hợp nhược cơ nhẹ và ảnh hưởng mắt đơn thuần. 
Tuy nhiên, cách điều trị này không ảnh hưởng đến quá trình miễn dịch bên dưới. Ở các bệnh nhân nhược cơ tự miễn toàn thể, thường cần phải dùng ức chế miễn dịch như steroids, aza hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác. Sự loại bỏ tức thì các tự kháng thể bằng phương pháp lọc huyết tương hoặc hỗ trợ miễn dịch thường rất hiệu quả khi điều trị ngắn hạn trong cơn nhược cơ, trong các trường hợp diễn tiến xấu nhanh, hoặc trong các bệnh nhân trước khi cắt tuyến ức. Phương pháp điều trị tốt nhất cần được chọn lựa cho phù hợp trên từng bệnh nhân.

Cách tập luyện sau phẫu thuật khớp gối

Sau các phẫu thuật khớp gối như thay khớp, nội soi tạo hình dây chằng hoặc các phẫu thuật gãy xương, đa số các bệnh nhân cho rằng vấn đề gấp gối rất quan trọng.

Sau phẫu thuật khớp gối nếu hạn chế duỗi ở mức độ lớn thì cũng là một phiền toái dễ nhận thấy nhưng hạn chế ở mức độ ít, khoảng dưới 10 độ thì đôi khi không dễ nhận ra. Hạn chế ở mức độ này sẽ có những tác động không tốt đến chức năng gối sau phẫu thuật và đôi khi làm cho tiến triển điều trị chậm lại hoặc kém đi. Nếu để quá muộn đôi khi làm cho kết quả phẫu thuật không được như mong muốn.
Tại sao sau mổ gối duỗi không thẳng?
Với các can thiệp vào khớp gối như nội soi hay thay khớp, sự đau đớn là yếu tố phiền toái nhất sau mổ. Phản xạ tự nhiên của con người khi bị đau là co gối lại, nếu không phát hiện và điều trị sớm thì sẽ dẫn đến tình trạng mất duỗi gối. Vì vậy, sau một số phẫu thuật như nội soi hoặc thay khớp, bác sĩ điều trị có thể yêu cầu bệnh nhân đeo thêm nẹp để duy trì tình trạng duỗi gối sau mổ. Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến việc gối duỗi không thẳng là do đau, khả năng vận động của bệnh nhân bị hạn chế, do đó làm cơ tứ đầu đùi của bệnh nhân yếu nên khi co cơ không đảm bảo gối duỗi thẳng được.
Cách tập luyện sau phẫu thuật khớp gối 1
Cần luyện tập duỗi khớp gối sau phẫu thuật
Nếu gối duỗi không thẳng, khi đứng và chịu lực, cơ tứ đầu đùi và các khối cơ khác của đùi sẽ phải ở trạng thái co cơ để giữ cho gối ở trạng thái duỗi nhất có thể. Quá trình này kéo dài sẽ làm mỏi cơ, đồng thời các điểm bám của các cơ vào quanh khớp gối có thể phát sinh hiện tượng đau. Sự co cơ kéo dài có thể kích thích và làm xuất hiện tình trạng tràn dịch khớp gối. Cùng với đó là sự phân phối lực truyền từ lồi cầu đùi xuống mâm chày không đạt được mức độ tốt nhất có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sụn khớp, sụn chêm và làm thay đổi lực tác động lên các dây chằng, dễ có nguy cơ giãn dây chằng sau tái tạo. 
Sự đau do tình trạng gối duỗi không thẳng sau phẫu thuật thay khớp gối có thể làm kéo dài tình trạng hồi phục sau phẫu thuật, một số trường hợp có thể là yếu tố khởi phát hội chứng CRPS (complex regional pain syndrome) gây rất nhiều khó khăn cho điều trị. Đối với một số phẫu thuật như thay khớp gối, tạo hình dây chằng, việc tì chân chỉ nên thực hiện khi gối duỗi thẳng, do đó, nếu gối bạn duỗi không thẳng thì thời gian đeo nẹp hoặc đi nạng của bạn có thể kéo dài hơn.
Cách phát hiện gối duỗi không thẳng
Với những trường hợp hạn chế duỗi nhiều thì rất dễ dàng phát hiện được, một số trường hợp mất duỗi nhiều có thể còn làm cho bệnh nhân không thể đi lại được. Với những trường hợp mất duỗi ít hơn, đôi khi rất khó để phát hiện nếu không biết cách. Với những tình trạng như vậy, nếu bệnh nhân đi lại có thể vẫn đau, khó chịu dai dẳng đồng thời ảnh hưởng không tốt đến kết quả như gối bị tràn dịch, dây chằng bị căng giãn. Để đánh giá tình trạng duỗi gối sau mổ, có nhiều cách, tuy nhiên, đơn giản, bạn có thể làm theo cách sau: 
Bạn ngồi trên giường hoặc trên bàn hay trên 1 mặt phẳng cứng nào đó, không phải trên đệm mềm. Hai chân bạn duỗi thẳng song song với nhau. Bạn so sánh độ cao của 2 đầu gối, nếu bên mổ cao hơn thì khả năng gối của bạn duỗi chưa thẳng. Trường hợp này có thể khó khăn nếu khớp gối có dịch (thường gặp sau phẫu thuật) nên gối duỗi thẳng rồi nhưng vẫn có thể cao hơn bên đối diện. Bạn có thể đánh giá bằng cách thứ hai: bạn luồn bàn tay dưới khoeo bên lành (giữa gối và mặt bàn) sau đó làm tương tự với bên gối phẫu thuật. Nếu bàn tay bạn đưa vào bên gối phẫu thuật dễ dàng hơn bên lành là khả năng gối bạn duỗi chưa hết.
Tại sao phải tập gối duỗi thẳng?
Gối duỗi thẳng có vai trò khá quan trọng. Khi đứng thẳng, ở tư thế gối duỗi thẳng cho phép các nhóm cơ đùi và cẳng chân có thể thả lỏng, không cần phải co cơ, do đó, có thể coi là ở trạng thái nghỉ. Gối duỗi thẳng giúp cho trọng lượng cơ thể phân phối lên hai khớp gối có thể truyền xuống cẳng chân và xuống đất thông qua 1 diện tiếp xúc sinh lý nhất, vì vậy, lực tác động lên các thành phần bên trong khớp gối như dây chằng, sụn chêm, sụn khớp... hợp lý và không có tình trạng căng giãn bất thường. Vì vậy, ở tư thế đứng với gối duỗi thẳng là tư thế nghỉ hợp lý nhất của khớp gối.
Về cơ bản, gối duỗi thẳng là khi góc giữa trục của thân xương đùi và cẳng chân là 180 độ (trong y học được gọi là 0 độ theo tư thế xuất phát 0). Tuy nhiên, có những trường hợp gối của một số người có thể ưỡn ra sau, tức là hơn 180 độ, thường gặp ở những người chơi thể thao. Tình trạng gối duỗi thẳng ở hai chân của bệnh nhân thường là tương tự nhau.
Đề phòng gối duỗi không thẳng sau mổ
Sau mổ vùng khớp gối, bên cạnh việc tập gấp gối thì tập duỗi gối rất quan trọng. Bạn cần biết là khả năng gối của bạn sẽ bị hạn chế duỗi do đau nên có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đeo thêm nẹp, đặc biệt khi ngủ. Việc kê gối dưới khoeo sau mổ có thể sử dụng để đỡ đau nhưng không được lạm dụng, tốt nhất là duỗi thẳng chân và kê gối dưới gót chân. Kết hợp một số bài tập mà các kỹ thuật viên hướng dẫn sẽ giúp bạn duỗi thẳng gối.

Theo TS. Trần Trung Dũng - Sức khỏe & Đời sống

Tàn phế vì hư khớp, bệnh nhân ngày càng trẻ

Nhiều bệnh nhân xương khớp không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách dẫn đến tàn phế. So với 10 năm trước người phải thay khớp trẻ hóa đi rất nhiều.

Theo PGS-TS-BS Lê Anh Thư, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ cho thấy Việt Nam có tới 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 80, bị thoái hóa khớp. Hiện nay, tại nhiều bệnh viện không hiếm gặp bệnh nhân trẻ tuổi phải thay khớp với chi phí trung bình một khớp 100 triệu đồng. Sau thời gian sử dụng 10-15 năm, khớp nhân tạo cần được thay mới với chi phí tăng gấp đôi. Các khớp có thể thay để cứu bệnh nhân khỏi tàn phế cũng chỉ thực hiện được trên một số nơi ở gối, chỏm xương đùi, ngón tay...
Xuongkhop-1371993446_500x0.jpg
ThS-BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, cho biết, những trường hợp cần chỉ định phẫu thuật thay khớp như đau nhiều, không đi được, kháng thuốc điều trị, không còn khả năng tập vật lý trị liệu, khớp biến dạng, cong vẹo làm đi lại khó khăn... "Trong đó, thay khớp gối là phổ biến nhất, chiếm 50% trường hợp. Rất nhiều người trẻ tuổi bị hư khớp gối, không còn biện pháp nào buộc phải tiến hành phẫu thuật thay thế để cứu bệnh nhân khỏi tàn phế", BS Nam Anh trăn trở.
Một bệnh nhân trẻ phải thay khớp gần đây tại BV Nguyễn Tri Phương là chị Tuyết Mai, 39 tuổi, ở TP HCM. Trong 10 năm viêm đa khớp dạng thấp, chị đã điều trị ở nhiều nơi, uống thuốc hết chỗ này đến chỗ kia nhưng bệnh vẫn ngày một năng thêm do điều trị không đúng đắn. Chị cũng không áp dụng các biện pháp bảo vệ khớp như mang nẹp, chỉnh chân không vẹo, không kịp thời hỗ trợ bổ sung các dưỡng chất chăm sóc sụn khớp...
Trường hợp khác là ông Quang Thanh, 54 tuổi, làm kinh doanh tại quận 3, TP HCM. Chủ quan và cố gắng lướt qua những cơn đau khớp, lại khiêng vác nặng trong một thời gian dài, ông Thanh tìm đến bác sĩ trong tình trạng không tự đi được, hai khớp gối đã thoái hóa đến độ biến dạng làm chân vẹo cong như hình chữ O. Uống thuốc đặc trị một thời gian không ăn thua, ông buộc phải thay cả hai khớp gối.
PGS-TS-BS Thư phân tích, là một trong những tác nhân gây hàng đầu tàn phế cho con người nhưng thoái hóa khớp thường bắt đầu với những biểu hiện không mấy trầm trọng như đau nhức một hoặc nhiều khớp từng đợt, hạn chế vận động tạm thời hay cứng khớp thoáng qua vào buổi sáng... Những triệu chứng này khiến cho người bệnh quen dần, chịu đựng và chủ quan với bệnh tật.
xuong-khop-1371993450_500x0.jpg
Sau 90 ngày điều trị, UC-II (Collagen type II không biến tính) có trong JEX giúp cải thiện tình trạng của bệnh khớp gấp đôi so với glucosamine + chondrotin.
Theo BS Nam Anh, một chấn thương nhỏ ở khớp cũng có nguy cơ gây tàn phế cho bệnh nhân. Chấn thương khớp thường chỉ được chú ý điều trị ở những trường hợp cấp tính khi tổn thương thật sự nặng nề. Còn lại, ít người chú ý và bỏ qua đối với tổn thương nhỏ. "Theo thời gian, những tổn thương nhỏ này có thể thành mạn tính, kết hợp với những viêm nhiễm dần làm sụn bị phá hủy, dẫn đến hạn chế vận động và gây tàn phế khớp", BS Nam Anh nói.
Ở các nước tiên tiến, 90% các trường hợp thay khớp gối và khớp háng là do thoái hóa khớp. Tại các nước đang phát triển, chi phí cho thay khớp đang là một gánh nặng, thậm chí vượt quá mức chi trả của nhiều người. Tại Mỹ, có tới 27 triệu người trưởng thành bị thoái hóa khớp và hàng năm số tiền chi cho các phẫu thuật thay khớp nhân tạo lên đến trên 42 tỷ USD.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thống kê trong 10 năm về bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Cơ Xương khớp, thoái hóa khớp đứng thứ hai trong nhóm các bệnh tổn thương khớp. Bệnh viện đa khoa Bưu điện thống kê trong 5 năm đến 2010, thoái hóa khớp đứng thứ hai trong các bệnh có tổn thương khớp, trong đó, thoái hóa khớp gối chiếm 54,1%.
PGS Thư cảnh báo, không nên tự điều trị theo cách truyền miệng, điều trị dựa trên các bài thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, để rồi bệnh ngày càng nặng thêm và gây ra các biến chứng trên dạ dày, thận, tim mạch..."Nếu ý thức đúng về sự thoái hóa của xương khớp, chúng ta có thể phòng ngừa và hạn chế các yếu tố thúc đẩy quá trình này, làm nó xảy ra chậm hơn, muộn hơn, nhẹ hơn và cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân", PGS Thư khẳng định.
Theo đó, sụn khớp là thành phần quan trọng nhất để giúp khớp không đau khi vận động nên cần được bảo vệ bằng mọi giá. Trước hết, vận động thường xuyên và vừa sức để giúp sụn khớp hấp thu dinh dưỡng. Tránh vận động quá sức, khiêng vác nặng, ngồi xổm hay đột ngột thay đổi tư thế... Song song đó, chế độ ăn uống cần khoa học và đầy đủ các chất, vừa để không thiên lệch, thiếu hụt dinh dưỡng, vừa để duy trì cân nặng hợp lý cho cơ thể. Các cơn đau có thể là dấu hiệu cảnh báo khớp bị tổn thương, viêm nhiễm... nên cần được chú ý và cần thiết phải đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị dứt điểm.

Dấu hiệu nào nhận biết sai khớp

Các dấu hiệu nhận biết sai khớp:
- Đau do tổn thương rách bao khớp.
- Giảm hoặc mất hoàn toàn cơ năng vận động khớp.
- Hõm khớp bị rỗng. Đây là dấu hiệu đặc biệt của sai khớp, nhưng không phải khớp nào cũng có, mà chỉ gặp ở khớp vai, khớp hàm và một phần khớp khuỷu. Nếu người bệnh đi khám muộn thì sẽ khó nhận thấy do sưng nề nhiều.
- Biến dạng toàn chi: Nếu sai khớp vai thì tư thế cánh tay luôn biến dạng hoặc không khép sát vào thân được. Nếu sai khớp háng thì tư thế chi ngắn, gối xoay vào trong, bàn chân bên sai gác lên cổ chân bên lành.
- Dấu hiệu gồ bất thường do chỏm xương trật ra khỏi hõm khớp.
- Cử động đàn hồi, còn gọi là dấu hiệu lò xo, chỉ có trong sai khớp, do đầu xương trật ra chỗ khác và bị bó chặt trong khối cân cơ và dây chằng. Dù cố ý kéo hay đẩy khớp về vị trí bình thường thì khớp vẫn bật trở lại tư thế sai.
- Có một số biến dạng đặc biệt:
+ Dấu hiệu gù vai (vai vuông góc) thấy ở sai khớp vai.
+ Dấu hiệu "nhát rìu" thấy trong sai khớp khuỷu ra sau (do mỏm khuỷu trồi ra sau làm với cánh tay một bậc lõm vào, trông giống như gốc cây bị rìu chặt dang dở).
+ Dấu hiệu "phím đàn dương cầm" thường thấy trong sai khớp vùng vai-đòn (do co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật lên như ấn vào phím đàn dương cầm).
Còn để xác định chính xác tổn thương ở cổ chân sau khi bị ngã trẹo chân, bạn nên đi khám ở chuyên khoa khớp. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang để biết chính xác loại sai khớp và tình trạng khớp (có hay không bong xương, vỡ mẻ xương khớp hay gãy đầu xương). Nếu để lâu có thể xuất hiện biến chứng như chèn ép mạch máu, dây thần kinh, sai khớp hở kèm mẻ xương.

Theo Khoa Học & Đời Sống

Người viêm khớp dạng thấp nên sinh hoạt thế nào?

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần có chế độ sinh hoạt và lao động hợp lý để cải thiện tình trạng bệnh tật, thích nghi tốt hơn với cuộc sống hàng ngày.

Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh hay gặp, nhất là ở người cao tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam. Đây là nguyên nhân hàng đầu trong nhóm bệnh lý khớp viêm gây tàn phế, mất khả năng vận động và tăng nguy cơ tử vong ở người cao tuổi.
Các động tác cần tránh và động tác cần làm khi bị VKDT
Ưu tiên hàng đầu là sự tiện lợi. Cần tránh các động tác có hại đối với khớp và thay thế bằng các động tác giữ gìn khớp. Tránh một số động tác cầm đồ vật (ngay cả khi có thể thực hiện dễ dàng) vì về lâu dài có thể gây biến dạng bàn tay. Hạn chế hay tránh làm những động tác có thể có hại cho khớp. Cố gắng giữ được trục khớp bàn tay (đi qua ngón tay thứ ba) khi kéo dài trục của cẳng tay. Không nên cử động cổ tay mà làm bàn tay bị lệch sang một bên. Đặc biệt chú ý khi viết. Cần chọn những đồ vật to để dễ dàng cầm nắm khi các khớp ngón tay bị cứng. 
Tuy nhiên, không nên dừng việc khâu vá hay đan lát nếu đó là công việc yêu thích của bạn. Ngón cái và ngón trỏ là hai ngón tay làm việc nhiều nhất. Do vậy, hãy làm việc với cả các ngón tay khác bằng cách thay kéo chuyên dụng. Không nên cố vặn mở nắp nút chai hay lọ mà hãy dùng dụng cụ mở nút chai. Tránh ấn nút bằng ngón tay mà hãy dùng lòng bàn tay. Không mang đồ vật bằng cách nắm các ngón tay lại. Ví dụ không nên mang chảo bằng cách cầm cán chảo mà nên nhấc cả chảo lên.
Người viêm khớp dạng thấp nên sinh hoạt thế nào? 1
Người bệnh nên có chế độ sinh hoạt hợp lý hằng ngày
Bệnh nhân nên cố gắng duy trì ở hoạt động hàng ngày bằng cách thay đổi môi trường xung quanh thích hợp hơn để giảm bớt sự gắng sức của bản thân. Tốt nhất là sử dụng trợ giúp kỹ thuật. Đó là các dụng cụ giúp bệnh nhân trong các sinh hoạt hàng ngày như vệ sinh, mặc quần áo, hoạt động dọn dẹp nhà cửa và nghề nghiệp. 
Việc chọn lựa kỹ càng các máy móc điện gia dụng hay vòi nước sẽ giúp công việc dọn dẹp nhà cửa trở nên dễ dàng hơn. Bệnh nhân cũng cần mua thêm các dụng cụ nhà bếp đơn giản giúp tránh được các động tác thừa như mở nút chai điện tử hay kéo lò xo. 
Trong VKDT, bàn chân thường hay bị tổn thương nên cần phải chọn giày thích hợp cũng như chăm sóc thích hợp để tránh kích thích da chân. Nên chọn giày mềm, nhẹ bằng da chẳng hạn, giày mũi tròn, tránh các đường khâu bên trên. Gót giày cao khoảng 3cm, có trường hợp cần đặt riêng giày cho các ngón chân bị biến dạng. Có cả các loại giày chỉnh hình biến dạng do nhiệt thích hợp với tất cả các biến dạng khớp. Nên mang lót giày chỉnh hình ngay từ khi bắt đầu bị bệnh. Chuyên gia phục hồi chức năng sẽ giúp bệnh nhân sử dụng các dụng cụ và thao tác hợp lý.
Tập thể dục, thể thao và lao động phù hợp giúp duy trì vận động và sự mềm dẻo của khớp
Nếu đau xuất hiện mỗi khi vận động thì không nên nản chí. Người bệnh chỉ cần mang dụng cụ giúp đỡ và thay đổi một số động tác là có thể tiếp tục hoạt động được. Có thể tập tĩnh, tức là chỉ cần tập luyện cơ lực có đối kháng thay vì vận động, hay tập luyện những bài tập thể dục ngắn tại nhà. Các bài tập thể dục cho bàn tay giúp duy trì sự mềm dẻo khớp cổ tay và ngón tay. Các bài tập cho chân giúp cho đứng vững và đi lại tốt hơn. 
Bệnh nhân cần duy trì hoạt động thể lực đầy đủ và tiếp tục các sinh hoạt hàng ngày, nhưng cần tránh các hoạt động không cần thiết. Người bệnh cần thường xuyên đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội theo khả năng của mình. Nếu tập được thể thao thì vẫn nên tiếp tục. Tuyệt đối không được tác động cột sống khi đau cổ vì các tổn thương cột sống có thể nặng lên sau khi làm thủ thuật này và có các biến chứng là tai biến mạch máu não, di chứng thần kinh không phục hồi được.
Ngoài ra, lao động cũng là một phương pháp điều trị VKDT bằng cách sử dụng các động tác. Người bệnh nên biết cách sử dụng các dụng cụ hỗ trợ, cách thích nghi để làm tốt các công việc sinh hoạt hàng ngày, giữ gìn các khớp bị tổn thương. Tiết kiệm khớp là liệu pháp giúp cho bệnh nhân có thể dễ dàng thực hiện công việc dọn dẹp nhà cửa, hoạt động nghề nghiệp và nghỉ ngơi giải trí với sự trợ giúp kỹ thuật thích hợp. Người bệnh có thể học nghề thủ công như đan lát để duy trì cơ và khớp, giúp sửa các tư thế, động tác chưa thích hợp. Sự lặp lại nhiều lần các hoạt động tay chân cho phép tự động hóa các động tác, tức là thành lập được thói quen tốt.

Theo PGS.TS. Nguyễn Vĩnh Ngọc - Sức khỏe & Đời sống

Phòng chống thoái hóa cột sống cổ từ Đông y

Thoái hóa đốt sống cổ nếu không chữa trị sẽ làm khí huyết ngưng trệ gây nên bệnh. Dưới đây là một số bài thuốc giúp phòng và trị bệnh rất tốt.

Bài 1: Cam thảo 6g, cát căn 15g, quế chi, bạch thược, đương quy, xuyên khung, thương truật, mộc qua mỗi vị đều 9g, tam thất 3g, sinh khương 3 lát, táo 3 quả. Cho các vị thuốc vào nồi đổ 400ml nước, nấu còn lại 150ml nước thuốc, cho nước ra, tiếp tục cho 300ml nước vào, nấu còn 100ml. Hòa 2 nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, khi còn ấm. Thích hợp cho bệnh nhân có biểu hiện gáy, vai và lưng đau, gáy cứng, có nhiều điểm đau ở cổ, có cảm giác như nhịp đập ở cổ, cử động khó khăn, tay chân tê, đau, mỏi, chi trên có cảm giác nặng, không có sức, thích ấm, sợ lạnh.
Phòng chống thoái hóa cột sống cổ 1

Bài 2: Đương quy, bạch thược, tỏa dương, tri mẫu, hoàng bá, quy bản, thỏ ty tử, kê huyết đằng mỗi loại đều 9g, ngưu tất, thục địa, đan sâm mỗi vị đều 12g. Cho các vị thuốc vào nồi đổ 4 bát con nước, nấu còn lại 1 bát, cho nước ra, tiếp tục cho 3 bát nước vào, nấu còn lại 1 bát. Hòa 2 nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc còn ấm. Bài thuốc thích hợp với người có biểu hiện gáy, vai, lưng đau, có khi đau lan lên đầu, tay chân tê, mất cảm giác, thắt lưng đau, đầu gối mỏi, chóng mặt, hoa mắt, gò má hay đỏ, ra mồ hôi trộm, họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng.
Bài 3: Cát cánh 6g, phục linh, trần bì, địa long mỗi loại đều 12g, tam thất 3g, đởm nam tinh, bán hạ, bạch giới tử, ngũ vị tử mỗi loại đều 10g . Cho các vị thuốc vào nồi đổ 400ml nước, nấu còn lại 150 ml nước thuốc, cho nước ra, tiếp tục cho 300ml nước vào, nấu còn 100ml. Hòa 2 nước, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc còn ấm. Bài thuốc thích hợp với biểu hiện: đầu, gáy, vai, lưng đau; váng đầu, chóng mặt, đầu nặng, cơ thể nặng, lưỡi trắng nhạt.
Bài 4: Hoàng kỳ 18g, kê huyết đằng 15g, xích thược, bạch thược mỗi loại đều 12g, quế chi, cát căn mỗi loại đều 9g, sinh khương 6g, táo 4 quả. Cho các vị thuốc vào nồi cùng 4 bát con nước, nấu còn lại 1 bát, cho nước ra, tiếp tục cho 3 bát nước vào, nấu còn lại nửa bát. Hòa 2 nước lại, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng lúc còn ấm. Bài thuốc thích hợp với người có triệu chứng đau đầu, gáy khó cử động, gáy yếu, tay chân yếu, nhất là ở các đầu ngón tay, vai và tay tê, mệt mỏi, mất ngủ, hay mơ, tự ra mồ hôi, da mặt xanh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng.
Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch... cần đến thầy thuốc để bắt mạch kê đơn không tự ý sử dụng bài thuốc.
Ngoài ra, cần kết hợp với tập vận động cột sống cổ như: cúi cổ, quay cổ, nghiêng cổ sang trái rồi sang phải, mỗi bên 10 lần sao cho tai áp sát vai càng nhiều càng tốt, chú ý phải giữ cột sống lưng và thắt lưng ở tư thế thẳng, hai vai cân bằng. Các động tác phải vừa sức, nhịp nhàng và tạo được cảm giác dễ chịu; phải tập trung tư tưởng chỉ huy động tác, làm đến đâu theo dõi đến đó; trong khi thực hành hơi thở phải tự nhiên; phải kiên trì tập luyện và tự xoa bóp, mỗi ngày làm 1 - 2 lần vào sáng sớm khi mới thức dậy hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Xương mạnh cơ thể mới khỏe

Loãng xương là một căn bệnh phổ biến, trong đó khối xương bị suy giảm. Nói một cách khác xương trở nên mong manh, giòn và có khuynh hướng dễ bị gãy. Mặc dù loãng xương có thể tác động đến mọi xương của cơ thể, tuy nhiên sự gãy xương nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở cổ tay, hông và cột sống. 

Gãy xương ở hông và cột sống cần phải được điều trị và hiển nhiên chất lượng cuộc sống sẽ bị suy giảm do những thói quen sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn. Gãy xương hông có thể làm tuổi thọ giảm đi 13 năm nếu nạn nhân là đàn bà và 8 năm nếu nạn nhân là đàn ông.
Những nhóm nguy cơ cao
Xương con người rất cứng cáp từ khi chúng ta còn trẻ cho đến 35 tuổi. Sau đó, độ cứng cáp của xương giảm dần và trở nên xốp khi tuổi càng cao. Đối với những người trên 60 tuổi thì yếu tố rủi ro càng nhiều hơn nữa, phụ nữ càng có tần suất rủi ro cao hơn nam giới và tần suất càng cao khi bước vào tuổi mãn kinh. Thông thường nữ giới sẽ mất đi 20% khối lượng xương chỉ 5-7 năm sau khi mãn kinh.
Nguyên nhân vì sao phụ nữ mãn kinh dễ bị loãng xương được xác định là do nồng độ estrogen bị suy giảm. Estrogen là loại hormone giúp cho xương khỏe mạnh. Những nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ châu Á với thân hình nhỏ bé cũng nằm trong nhóm nguy cơ loãng xương cao, ngoài ra những người nữ dậy thì muộn hơn bình thường cũng dễ bị loãng xương. Nếu tiền sử gia đình của bạn có người bị loãng xương thì bạn càng nên thận trọng.
Những bệnh nhân bị bệnh thấp khớp, viêm khớp, bệnh gan mãn tính, suy thận, cường giáp, các bệnh về tuyến cận giáp hoặc đang được điều trị bằng những hormone thyroid; những bệnh nhân đang được điều trị lâu dài với các thuốc corticosteroid đều dễ bị loãng xương. Người nghiện rượu trước 35 tuổi thì bộ xương sẽ bị tàn phá một cách mau chóng, vì vậy điều đầu tiên cần làm là phải bỏ rượu. Người nghiện thuốc lá cũng sẽ bị mất đi độ chắc của xương.
Ngăn ngừa: Quan trọng nhất
Thể dục thể thao (TDTT) là một yếu tố cần thiết và quan trọng để ngăn ngừa loãng xương, vì nó sẽ giúp hạn chế sự giảm tỉ trọng xương ở mức độ thấp nhất. Loại hình TDTT tốt nhất là những cách tập luyện làm cho cơ thể hoạt động phản ứng ngược lại tác dụng của trọng trường như đi bộ, chạy bộ, quần vợt, khiêu vũ, cử tạ… Động tác TDTT đơn giản và hiệu quả nhất là đi bộ vì ít làm chấn động đến xương. Thể thao nặng và những bài tập lưng cũng quan trọng vì nó giúp cải thiện tư thế và làm giảm những cơn đau do chứng loãng xương gây ra.
Vai trò của calcium và vitamin D
Điều quan trọng là phải bảo đảm lượng calcium trong xương. Lượng calcium được đề nghị là 1.000-1.200 mg/ngày đối với phụ nữ. Tốt nhất là nên chọn những loại thực phẩm giàu calcium. Điều quan trọng nữa là cơ thể cũng rất cần một lượng đầy đủ vitamin D, vì vitamin D sẽ giúp calcium được hấp thụ vào xương một cách hoàn hảo. Một nguồn vitamin thiên nhiên chính là ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại (ultraviolet-UV) làm tăng sự tổng hợp vitamin D ở da (nhưng chỉ nên phơi nắng ở một mức độ cho phép, nếu không, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, lão hóa da…)
Tránh những hoạt động và các loại thức ăn có thể làm mất calcium. Sự bảo toàn calcium còn quan trọng hơn gấp nhiều lần việc bổ sung calcium. Sự thiếu hụt calcium cũng bị gây ra do tiêu thụ những thực phẩm có quá nhiều protein, các loại thực phẩm giàu nitrate, thực phẩm động vật, nước ngọt có chứa carbonate. Nên hạn chế caffein (có trong cà phê) và sodium (có trong muối ăn) vì 2 loại này càng làm tăng khả năng thiếu hụt calcium.
Calcium được đề nghị qua khẩu phần ăn hằng ngày
Trẻ 1-3 tuổi: 700 mg; 4-7 tuổi: 800 mg.
Bé trai 8-11 tuổi: 800 mg.
Bé gái 8-11 tuổi: 900 mg; 12-15 tuổi: 1.000 mg.
Phụ nữ mang thai: 1.100 mg; phụ nữ cho con bú: 1.200 mg.
Phụ nữ trên 54 tuổi: 1.000 mg.
Nam giới trên 19 tuổi: 800 mg.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin D là dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, gan động vật, phô mai.
 
Theo Người lao động

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Siêu thực phẩm giúp khớp khỏe mạnh

Càng lớn tuổi, khớp xương của bạn có xu hướng hao mòn, gây ra các vấn đề khác nhau từ viêm khớp đến đau khớp.

Ngay từ bây giờ, bạn có thể ngăn chặn chúng bằng cách ăn uống đúng cách và tập thể dục. Hãy hình dung khớp xương của bạn như các bánh răng trong một cỗ máy, nếu chúng được sử dụng thường xuyên và bôi trơn tốt, chúng có thể tiếp tục chạy suốt một thời gian dài. 
Mặt khác, nếu chúng được bảo trì kém và rỉ sét, chúng sẽ xuống cấp nhanh chóng. Để giúp bạn bắt đầu quá trình chăm sóc khớp, dưới đây là một số loại thực phẩm lành mạnh cho các khớp xương.
Siêu thực phẩm giúp khớp khỏe mạnh.Siêu thực phẩm giúp khớp khỏe mạnh.

Cá hồi

Ở tuổi 30, hầu hết mọi người phát hiện có các vết rạn, nứt nhỏ trong sụn của mình. Theo thời gian, các vết rạn này dẫn đến viêm mãn tính, gây đau đớn và làm thoái hóa các khớp xương. Trong cá hồi không chỉ có vitamin D, mà còn rất giàu omega-3 có thuộc tính chống viêm đáng kể. Ngoài ra cá ngừ và cá thu cũng có hàm lượng omega-3 rất cao.
Quả hạnh
Thực tế viêm không hẳn là xấu vì trong thời gian ngắn, nó kích thích cơ thể chống lại bệnh tật của bạn. Nhưng nếu bị viêm trong thời gian dài, nó có thể gây hậu quả nghiêm trọng lên các khớp và cả các tế bào. Quả hạnh nhân chứa rất nhiều Vitamin E và các chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do và bảo vệ các màng khớp khỏi bị hư hỏng.
Đu đủ
Một nghiên cứu vào năm 2004 đã chỉ ra rằng, những người bổ sung đầy đủ vitamin C sẽ tăng gấp 3 lần khả năng mắc các vấn đề về khớp như viêm khớp dạng thấp. Hàm lượng vitamin C trong đu đủ vô cùng phong phú, nhiều gấp 2 lần cam. Ngoài ra đu đủ còn chứa một lượng beta caroten, một chất chống oxy hóa vô cùng có lợi cho các khớp xương của bạn.
Táo
Ăn một quả táo mỗi ngày có thể giúp cải thiện khớp của bạn. Vì táo rất giàu chất chống oxy hóa gọi là quercetin, tạo ra collagen và làm chậm sự thoái hóa khớp. Collagen là một phần thiết yếu của sụn, nó hoạt động như một chất hấp thụ các áp lực lên khớp xương cuả bạn. Chất Quercetin có nhiều trong vỏ, bạn nên rửa sạch và ăn cả vỏ, đặc biệt là các phần vỏ có màu đỏ.
Theo Phương Vũ - Gia đình Việt Nam

Những nguyên nhân thường gặp gây đau lưng

Đau lưng là căn bệnh thường gặp, phổ biến ở nhiều người. Lối sống thiếu vận động đang làm căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau lưng, người bệnh cần tìm đúng nguyên nhân mới trị dứt căn bệnh này.
Đau lưng có thể biến thành những cơn ác mộng ngoài tầm kiểm soát của người bệnh. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn tàn phá sức khỏe của mỗi người. Nhiều người bệnh thường bỏ qua triệu chứng đau lưng rất nguy hiểm vì đây có thể là nguyên nhân của một căn bệnh khác ngoài xương khớp. 
Trước khi nghĩ đến việc có thể mắc một căn bệnh nào đó, người bệnh hãy loại bỏ các nguyên nhân hàng đầu gây đau lưng dưới đây.
Qua các nghiên cứu trên lâm sàng và thực tế điều trị, các chuyên gia y tế đã thống kê được 10 nguyên nhân hàng đầu được coi là "thủ phạm" gây ra chứng đau lưng phổ biến.
Những nguyên nhân thường gặp gây đau lưng
Do thương tích hoặc bong gân
Khi bị bong gân hay chấn thương tủy sống người bệnh có thể không cảm thấy đau ngay lập tức. Người bệnh có thể bị đau nhiều sau mang vác nặng, đó có thể do bong gân hoặc giãn dây chằng do chấn thương. Tuy nhiên trên lâm sàng, những vết thương cũ hoặc bị thương dẫn đến bong gân được cho là nguyên nhân phổ biến của chứng đau lưng này.
Bị thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, người bệnh thường xuất hiện chứng đau lưng.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Nhiều khi thoát vị đè vào dây thần kinh làm đau lan xuống chân.
Không giống như bong gân ở cột sống, người ta có thể cảm thấy loại đau do thoát vị đĩa đệm ngay lập tức. Đau lưng do đĩa đệm thoát vị thường được chẩn đoán thông qua chụp X-quang hoặc MRI.
Những nguyên nhân thường gặp gây đau lưng
Gãy xương
Gãy xương ở cột sống có thể là một trong những nguyên nhân nổi bật của bệnh đau lưng. Tuy nhiên cơn đau do gãy xương thường khác hẳn với đau lưng mạn tính, nó thường có cảm giác đau buốt. Nếu chỉ bị rạn xương sẽ đau âm ỉ kéo dài, người bệnh trẻ tuổi thường bỏ qua triệu chứng này vì nghĩ nó là hậu quả do một tai nạn chẳng hạn. 
Nhưng đối với người lớn tuổi, việc liền xương rất khó và mất thời gian, cần phải bó cố định hoặc bó bột. Những bệnh nhân bị gãy xương ở cột sống thường trở thành bệnh nhân đau lưng mạn tính ngay cả sau khi phẫu thuật hoặc điều trị.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp là một vấn đề thường gặp ở tuổi trung niên, chủ yếu thường xuất hiện ở phụ nữ hơn nam giới. Bệnh có đến hàng chục loại, nhưng chủ yếu là viêm khớp do thoái hóa và viêm khớp do viêm. 
Tình trạng này xảy ra do thoái hóa khớp, dịch khớp đông lại nhất là vào mùa lạnh làm chứng đau khớp, viêm khớp tăng lên. Để điều trị các chứng viêm khớp tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh có thể được bác sĩ cho dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phải phẫu thuật.
Bài tập giảm đau lưng.Bài tập giảm đau lưng.
Mang thai
Phụ nữ trong kỳ có kinh hoặc có thai thường đau ở vùng thắt lưng là chuyện bình thường. Do áp lực quá mức trên cột sống, đau lưng rất phổ biến với nhiều phụ nữ mang thai đặc biệt là ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Ngoài ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột, ở thận, niệu quản, bàng quang người bệnh cũng cảm thấy đau lưng cấp hoặc mạn.
Hội chứng đau cơ xơ hoá (Fibromyalgia)
Đây là một yếu tố hàng đầu gây đau lưng, nặng có thể gây đau toàn thân. Hội chứng đau cơ xơ hoá là một tình trạng đau mạn tính trong cơ, dây chằng, gân và các tổ chức phần mềm của cơ thể. 
Đau cơ xơ hoá thường kèm theo cảm giác mệt mỏi, mất ngủ, hoặc trầm cảm nhưng không có tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp. Đau thường tăng lên sau quá trình làm việc nặng kéo dài, bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 
Hội chứng này hay gặp ở những người mắc các bệnh khớp mạn tính. Để điều trị căn bệnh này, ngoài các loại thuốc giảm đau, giãn cơ, người bệnh có thể được cho đi tập vật lý trị liệu cũng rất hiệu quả.
Béo phì
Nếu bị béo phì, bạn cũng có nguy cơ cao bị đau lưng. Khi lượng chất béo tích tụ ngày càng nhiều trong cơ thể sẽ tạo ra một áp lực lên cột sống, khiến xuất hiện bệnh đau lưng. Biện pháp khắc phục duy nhất cho loại bệnh này là giảm cân. 
Cần duy trì chế độ ăn giảm chất béo, năng vận động để đưa cân nặng về con số thích hợp. Cần lưu ý rằng việc giảm cân đối với người bị béo phì phải từ từ, tránh đột ngột vì nếu giảm cân quá mức lại khiến đau lưng tăng lên.
Bài tập kéo giãn cơ lưng.Bài tập kéo giãn cơ lưng.
Do lo âu và căng thẳng
Cuộc sống hiện đại làm con người gia tăng các mối lo và căng thẳng. Hơn nữa, lối sống và chế độ ăn uống không đúng cách gây ra nhiều rối loạn về sức khỏe trong đó có cả chứng đau lưng. 
Bệnh thường xảy ra khi các dây thần kinh bên trong cột sống không được cung cấp đủ lượng oxy do căng thẳng quá mức, hay việc sử dụng thuốc giảm đau mà không có tác dụng khiến người bệnh lo lắng, đã đau càng thêm đau.
Ngủ không đúng tư thế
Đôi khi những tư thế ngủ bất thường có thể là một trong những nguyên nhân gây đau lưng. Ví dụ như ngủ nằm úp bụng hay khi ngủ đầu không thẳng với cổ , nó làm cho cột sống phải chịu thêm áp lực. 
Những chứng đau do ngủ sai tư thế chỉ xảy ra tạm thời, nhưng nó sẽ trở thành mạn tính nếu bạn không thay đổi tư thế ngủ của mình. Cách tốt nhất khi ngủ là nằm thẳng lưng, nằm ngửa là tư thế tốt nhất cho hệ xương khớp.
Ngồi quá nhiều
Thói quen ngồi nhiều trong một thời gian dài rất phổ biến nhất là đối với những người làm việc văn phòng. Điều này có thể rất có hại cho sức khỏe và chức năng hoạt động cột sống của bạn. Bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 10 phút mỗi giờ và di chuyển xung quanh để tránh mắc bệnh đau lưng.
Theo Nguyễn Hoàng - Sức khỏe và Đời sống