Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Xương mạnh cơ thể mới khỏe

Loãng xương là một căn bệnh phổ biến, trong đó khối xương bị suy giảm. Nói một cách khác xương trở nên mong manh, giòn và có khuynh hướng dễ bị gãy. Mặc dù loãng xương có thể tác động đến mọi xương của cơ thể, tuy nhiên sự gãy xương nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở cổ tay, hông và cột sống. 

Gãy xương ở hông và cột sống cần phải được điều trị và hiển nhiên chất lượng cuộc sống sẽ bị suy giảm do những thói quen sinh hoạt hằng ngày bị xáo trộn. Gãy xương hông có thể làm tuổi thọ giảm đi 13 năm nếu nạn nhân là đàn bà và 8 năm nếu nạn nhân là đàn ông.
Những nhóm nguy cơ cao
Xương con người rất cứng cáp từ khi chúng ta còn trẻ cho đến 35 tuổi. Sau đó, độ cứng cáp của xương giảm dần và trở nên xốp khi tuổi càng cao. Đối với những người trên 60 tuổi thì yếu tố rủi ro càng nhiều hơn nữa, phụ nữ càng có tần suất rủi ro cao hơn nam giới và tần suất càng cao khi bước vào tuổi mãn kinh. Thông thường nữ giới sẽ mất đi 20% khối lượng xương chỉ 5-7 năm sau khi mãn kinh.
Nguyên nhân vì sao phụ nữ mãn kinh dễ bị loãng xương được xác định là do nồng độ estrogen bị suy giảm. Estrogen là loại hormone giúp cho xương khỏe mạnh. Những nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ châu Á với thân hình nhỏ bé cũng nằm trong nhóm nguy cơ loãng xương cao, ngoài ra những người nữ dậy thì muộn hơn bình thường cũng dễ bị loãng xương. Nếu tiền sử gia đình của bạn có người bị loãng xương thì bạn càng nên thận trọng.
Những bệnh nhân bị bệnh thấp khớp, viêm khớp, bệnh gan mãn tính, suy thận, cường giáp, các bệnh về tuyến cận giáp hoặc đang được điều trị bằng những hormone thyroid; những bệnh nhân đang được điều trị lâu dài với các thuốc corticosteroid đều dễ bị loãng xương. Người nghiện rượu trước 35 tuổi thì bộ xương sẽ bị tàn phá một cách mau chóng, vì vậy điều đầu tiên cần làm là phải bỏ rượu. Người nghiện thuốc lá cũng sẽ bị mất đi độ chắc của xương.
Ngăn ngừa: Quan trọng nhất
Thể dục thể thao (TDTT) là một yếu tố cần thiết và quan trọng để ngăn ngừa loãng xương, vì nó sẽ giúp hạn chế sự giảm tỉ trọng xương ở mức độ thấp nhất. Loại hình TDTT tốt nhất là những cách tập luyện làm cho cơ thể hoạt động phản ứng ngược lại tác dụng của trọng trường như đi bộ, chạy bộ, quần vợt, khiêu vũ, cử tạ… Động tác TDTT đơn giản và hiệu quả nhất là đi bộ vì ít làm chấn động đến xương. Thể thao nặng và những bài tập lưng cũng quan trọng vì nó giúp cải thiện tư thế và làm giảm những cơn đau do chứng loãng xương gây ra.
Vai trò của calcium và vitamin D
Điều quan trọng là phải bảo đảm lượng calcium trong xương. Lượng calcium được đề nghị là 1.000-1.200 mg/ngày đối với phụ nữ. Tốt nhất là nên chọn những loại thực phẩm giàu calcium. Điều quan trọng nữa là cơ thể cũng rất cần một lượng đầy đủ vitamin D, vì vitamin D sẽ giúp calcium được hấp thụ vào xương một cách hoàn hảo. Một nguồn vitamin thiên nhiên chính là ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại (ultraviolet-UV) làm tăng sự tổng hợp vitamin D ở da (nhưng chỉ nên phơi nắng ở một mức độ cho phép, nếu không, sẽ làm tăng nguy cơ ung thư da, lão hóa da…)
Tránh những hoạt động và các loại thức ăn có thể làm mất calcium. Sự bảo toàn calcium còn quan trọng hơn gấp nhiều lần việc bổ sung calcium. Sự thiếu hụt calcium cũng bị gây ra do tiêu thụ những thực phẩm có quá nhiều protein, các loại thực phẩm giàu nitrate, thực phẩm động vật, nước ngọt có chứa carbonate. Nên hạn chế caffein (có trong cà phê) và sodium (có trong muối ăn) vì 2 loại này càng làm tăng khả năng thiếu hụt calcium.
Calcium được đề nghị qua khẩu phần ăn hằng ngày
Trẻ 1-3 tuổi: 700 mg; 4-7 tuổi: 800 mg.
Bé trai 8-11 tuổi: 800 mg.
Bé gái 8-11 tuổi: 900 mg; 12-15 tuổi: 1.000 mg.
Phụ nữ mang thai: 1.100 mg; phụ nữ cho con bú: 1.200 mg.
Phụ nữ trên 54 tuổi: 1.000 mg.
Nam giới trên 19 tuổi: 800 mg.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin D là dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, gan động vật, phô mai.
 
Theo Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét