Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Cần chú ý khi ngã nhẹ vẫn gãy xương

Khi xương bị gãy chỉ vì một cú ngã nhẹ, đó có thể là biểu hiện lâm sàng đầu tiên báo hiệu tình trạng loãng xương nặng.

Mới đây, BV Nhân dân Gia Định (TP HCM) tiếp nhận một cụ bà 103 tuổi đến thay khớp háng. Điều đáng nói là trước đó, năm 100 tuổi, cụ cũng được chính bệnh viện này thay khớp háng bên kia. Cả hai lần, cụ đều bị chấn thương dẫn đến gãy cổ xương đùi vì té ngã. “Khoa chúng tôi có rất nhiều cụ 70, 80 tuổi hoặc lớn hơn đang nằm điều trị, trong đó có cụ bà 85 tuổi sắp được phẫu thuật. 
Đa số các cụ mắc nhiều bệnh lý, trong đó có loãng xương nặng, nên dù chỉ bị té ngã nhẹ, nhiều người đã phải vào bệnh viện mấy lần vì gãy xương” - BS Đinh Văn Thủy, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nhân dân Gia Định, cho biết.
Càng lớn tuổi, bệnh càng phức tạp
BS Đỗ Trọng Ánh, GĐ BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, cho biết bệnh viện này cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân ở độ tuổi “xưa nay hiếm” bị chấn thương liên quan đến xương khớp. Đó là những ca phẫu thuật không dễ và nhiều rủi ro.
“Cách đây không lâu, chúng tôi đã phẫu thuật cho một cụ bà 102 tuổi bị gãy cổ xương đùi. Mổ cho các bệnh nhân như thế phải kỹ càng trong tất cả các khâu, nhất là cần mổ nhanh để người bệnh lớn tuổi không phải trải qua cuộc gây mê quá lâu. Rủi ro luôn tồn tại nhưng rất may ở ca này, mọi chuyện đều suôn sẻ. Nếu sợ rủi ro mà không mổ thì cụ sẽ luôn bị đau, di chuyển bằng xe lăn cũng đau” - BS Ánh kể.
Cụ bà 103 tuổi được chăm sóc sau phẫu thuật thay khớp háng tại BV Nhân dân Gia Định Ảnh: ANH THƯ
Cụ bà 103 tuổi được chăm sóc sau phẫu thuật thay khớp háng tại BV Nhân dân Gia Định Ảnh: ANH THƯ
BS Đinh Văn Thủy nhấn mạnh rằng khi xương cốt đã dễ gãy vì loãng xương thì việc điều trị không chỉ là giải quyết vấn đề chấn thương. “Cho dù bệnh vi chúng tôi có đầy đủ phương tiện, nhân lực nhưng mỗi cuộc mổ vẫn cần tiến hành hết sức chặt chẽ, có sự kết hợp giữa nhiều chuyên khoa vì sức khỏe người cao tuổi thường không tốt và mắc đa bệnh lý, trong đó nhiều bệnh lý có thể cản trở cuộc mổ. 
Ca mổ chỉ được tiến hành sau cuộc hội chẩn của các chuyên khoa để tìm hướng điều trị an toàn nhất cho bệnh nhân. Phẫu thuật xong, bệnh nhân cần được điều trị loãng xương, tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý…, giúp quá trình hồi phục tốt hơn và hạn chế tình trạng tái diễn chấn thương” - ông phân tích.
Xương người trẻ cũng “xuống cấp”
Theo BS Ánh, không chỉ người già, gãy xương do loãng xương còn có thể gặp ở người trung niên, người trẻ tuổi nếu họ lỡ để bộ xương “xuống cấp” trầm trọng.
“Gãy xương do loãng xương là vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng nghiêm trọng. Nó gây tàn phế, giảm chất lượng sống và tăng chi phí y tế. Ngoài người cao tuổi thì phụ nữ sau mãn kinh, người có trọng lượng cơ thể thấp, người hút thuốc, uống nhiều rượu bia… cũng nằm trong nhóm nguy cơ.
Loãng xương cũng có thể xuất hiện khi bệnh nhân mắc các bệnh lý như viêm khớp, thiểu năng tuyến sinh dục, bất động kéo dài, ghép tạng, cường giáp, tiểu đường type I, bệnh thận mãn, gan mãn, bệnh đường tiêu hóa...” - BS Ánh cho biết.
Khi một người bị loãng xương, giai đoạn thiếu xương ban đầu thường không có triệu chứng rõ rệt. Gãy xương chính là biểu hiện lâm sàng đầu tiên. Vị trí gãy thường là đốt sống, đầu trên xương đùi hoặc đầu dưới xương quay - những vị trí thường gây “phiền hà” cho cả người bệnh lẫn thầy thuốc. 
Nếu không được điều trị đúng, tình hình càng trầm trọng hơn với những biến chứng như đau kéo dài, biến dạng xương, các thay đổi đặc hiệu do lún đốt sống (giảm chiều cao, gù, thay đổi thể hình, giảm thể lực…).
Vì vậy, kiểm tra sức khỏe của xương là một trong những điều cần thiết nếu bản thân nằm trong nhóm nguy cơ nêu trên, dù tuổi còn trẻ. Loãng xương ở người trẻ không được điều trị thì những biến chứng sẽ càng trầm trọng hơn khi họ lớn lên. 
 Chẳng vui vẻ gì với mấy cái nẹp và ốc vít
BS Đỗ Trọng Ánh cho biết ông từng gặp nhiều bệnh nhân bị vấp té, đập mông xuống đất không nặng nhưng lại gãy cổ xương đùi. Theo ông, bị như vậy thì khả năng gãy xương do loãng xương là rất cao.
BS Ánh cũng khuyên các bệnh nhân đừng quá chủ quan khi xương cốt của mình trở nên mong manh. “Y học dù có nhiều kỹ thuật để giải quyết những ca gãy xương phức tạp, kể cả thay khớp cũ bị hỏng nhưng thành thật mà nói, đồ giả thì không thể tốt bằng đồ thật và cũng chẳng sung sướng gì khi sống chung với mấy cái nẹp và ốc vít trong cơ thể” - ông hóm hỉnh.


1 nhận xét: