Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp gối

Nữ bệnh nhiều hơn nam
Phụ nữ có tỷ lệ thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới. Theo các chuyên gia y tế, cấu tạo dây chằng trước của khớp gối nữ yếu hơn nam. Bên cạnh đó, ngay từ sau tuổi 30, xương của phụ nữ đã giảm dần chất lượng, cộng với quá trình lão hóa, khiến cho sụn khớp gối mòn nhanh. Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan - BV Nhân dân 115 TP.HCM cho biết: “Sự lão hóa khớp thường xuất hiện sau tuổi 40, liên quan chặt chẽ đến khuân vác nặng, ngồi xổm, quỳ gối, thừa cân béo phì…”.
Phụ nữ thường có ý thức giữ gìn sức khỏe hơn nam giới. Điều này rất tốt, tuy nhiên không ít trường hợp do hiểu sai nên bệnh càng thêm nặng. Nhiều cô mắc bệnh tự miễn, khớp gối thoái hóa sớm, báo động bằng những cơn đau khi lên xuống cầu thang, khi ngồi xuống đứng lên, khi di chuyển… nhưng lại cho rằng sự tập luyện sẽ làm giảm cơn đau. Những trường hợp như vậy, nếu chạy bộ, đánh quần vợt,… sẽ làm cho khớp gối mòn dần phần sụn.
Khớp gối khi bị già nua, không đủ sức đảm nhiệm công việc “gánh gồng” cơ thể thì sẽ lên tiếng “cầu cứu” qua các biểu hiện:
- Cơn đau xuất hiện về đêm. Sáng dậy có cảm giác cứng khớp gối, nhưng sau một lúc đi lại thì cơn đau biến mất. Đau khi lên xuống cầu thang bộ.
- Khớp gối có những tiếng lạo xạo do mất một phần sụn đệm và chất nhờn bao bọc hai đầu xương.
- Khớp gối sưng to do tràn dịch khớp.
Nếu không điều trị, bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, lúc này khớp đã “oằn vai” vì công việc nên bị biến dạng. Nếu đi bộ đoạn ngắn cũng đau là bệnh đã vào giai đoạn nặng.
Điều trị và giữ gìn khớp gối
Những trường hợp bị lão hóa khớp gối giai đoạn nhẹ sẽ được dùng thuốc và vật lý trị liệu. Đây là cách giúp giảm đau, giảm phù nề, tăng lực cơ, tăng tầm vận động khớp gối. Cụ thể là làm tăng tuần hoàn đến khớp gối bằng cách chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng, sóng siêu âm giảm đau… Mang băng thun để cố định khớp gối, đỡ lực chịu đựng của khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang.
“Chị ngã em nâng” là cách mà kỹ thuật viên vật lý trị liệu ứng dụng trong việc điều trị khớp gối. Họ sẽ cho bệnh nhân tập các bài tập nhằm tăng cường sức lực của các cơ gập duỗi, cơ tứ đầu đùi để khớp gối bớt việc, tập di động xương bánh chè, tập chịu sức, lên xuống cầu thang. Tập thể dục nhẹ như chạy xe đạp, bơi lội nhằm tăng sức cho bắp cơ đùi, đầu gối.
Giảm cân lúc này không chỉ mang ý nghĩa giữ gìn vóc dáng mà còn là đỡ đần, bớt việc cho khớp gối.
Nếu bệnh đến giai đoạn nặng sẽ phải phẫu thuật hoặc thay khớp gối. Đây là cách điều trị tốn kém và đau đớn. Vì vậy, cần nhanh chóng điều trị khi khớp gối phát tín hiệu kêu cứu bằng những cơn đau.
Theo bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, sụn khớp mòn theo thời gian là tất yếu, nhưng nếu mòn sớm thì do bệnh (viêm đa khớp dạng thấp, bệnh tự miễn…) hoặc do vận động không đúng. Cần tránh các động tác khiến cho khớp gối lao động nặng nhọc như: ngồi xổm, ngồi xếp bằng, leo cầu thang, leo dốc, khiêng vác nặng…



1 nhận xét: