Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Hội chứng ống cổ tay

Khi cổ tay vận động liên tục và quá sức rất dễ mắc phải hội chứng ống cổ tay. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến teo cơ, khó cầm nắm...

Đặc biệt, hội chứng ống cổ tay xuất hiện nhiều ở phụ nữ do cổ tay của phụ nữ thường nhỏ hơn đàn ông nên hệ thông dây thần kinh giữa dễ bị đè nén hơn.

Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn

Đa số phụ nữ thường làm việc trong văn phòng, sử dụng bàn phím, chuột máy vi tính nhiều, làm việc nhà, chơi các môn thể thao hiện đại như golf, cầu lông, bóng bàn… Phụ nữ khi bước vào tuổi 35, độ tuổi đang ở thời kỳ tiền mãn kinh do sự trồi sụt của mức hàm lượng hormon nữ khiến các mô xung quanh các khớp bị sưng phù, tuổi này xương cũng bắt đầu bị lão hóa, rối loạn canxi huyết. 

Trong quá trình vận động và làm việc, các động tác lắc, xoay, úp, ngửa, lật… lặp đi lặp lại nhiều lần, dẫn đến tình trạng dây thần kinh giữa nằm ở ống cổ tay bị chèn ép. Dây thần kinh giữa có chức năng nhận cảm giác ngoài da của ngón trỏ và ngón giữa, do dây thần kinh nằm giữa ống khi vận động bị ép chặt sẽ tổn thương, gây gãy ống cổ tay. 

Ngoài những nguyên nhân trên thì hội chứng ống cổ tay còn xảy ra với những người mắc một số bệnh như chấn thương tay, viêm dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp dạng thấp, đái tháo đường, béo phì. Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ mắc phải hội chứng này.

Sử dụng chuột và bàn phím liên tục trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân chính gây nên hội chứng ống cổ tay. Ảnh minh họa

Triệu chứng

Ở giai đoạn đầu của hội chứng ống cổ tay, chị em sẽ cảm thấy có dấu hiệu tê buốt đầu ngón tay, thường xuất hiện trước tiên ở ngón trỏ và ngón giữa. Hiện tượng tê tay sẽ xuất hiện khi cầm nắm vật gì đó quá lâu: đi xe máy, chơi các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, tennis… chuột máy tính. Cũng có thể hiện tượng tê tay xuất hiện khi đang nghỉ ngơi, ngủ nằm lâu nguyên một tư thế. 

Sau đó khi làm động tác ngửa mạnh cổ tay, rồi gập cổ tay lại thì thấy triệu chứng tê tay, đau tăng lên thì bệnh đang tăng dần mức độ. Giai đoạn sau tay bị tê buốt nhiều hơn và cảm giác cơ tay đau nhức hơn. Nếu chị em không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến teo cơ ô mô cái, rất khó khăn trong việc cầm nắm và vận động. Hiện tượng này còn được gọi là điện thần kinh cơ bị tê buốt.

Phòng ngừa

Trước khi vận động hoặc làm một công việc nào đó thường xuyên, lặp lại nhiều lần nên chú ý khởi động cổ tay: lắc cổ tay, quay cổ tay… Khởi động như vậy các cơ xương và các khớp tay mới hoạt động nhịp nhàng, tránh được chứng bong gân ở cổ tay. Bạn nên thường xuyên cho các cơ bắp được nghỉ ngơi và thư giãn, không nên hoạt động quá sức, thỉnh thoảng xoa bóp nhẹ nhàng giúp các cơ phục hồi khả năng tuần hoàn.

Tập thể dục thường xuyên vào buổi sáng hoặc chiều. Nên chạy bộ, tập những động tác toàn thân và cổ tay… Việc luyện tập sẽ khiến cho hoạt động của các cơ mềm dẻo và năng động hơn. Khi vận động, làm việc, lái xe, chơi thể thao phải ngồi hoặc đứng đúng tư thế. Ngoài ra, không nên làm việc trên máy vi tính trong thời gian quá dài, cứ sau 1 giờ đồng hồ nên thả lỏng các cơ cổ tay.

Chế độ ăn uống giàu vitamin, nhất là vitamin B6 dưới dạng thực phẩm (thịt bò, trứng cá thu, trứng gia cầm, các loại cây họ đậu… ). Vitamin B6 có tác dụng chuyển hóa protein, kích thích hệ thần kinh, tăng cường hệ miễn dịch, tham gia quá trình tổng hợp hormon và tế bào hồng cầu. Trung bình mỗi người phụ nữ cần bổ sung 1,6 mg vitamin B6/ngày. Nếu cung cấp đầy đủ vitamin hằng ngày sẽ giúp chị em hạn chế hội chứng ống cổ tay và một số bệnh liên quan.

Hướng điều trị

Trước tiên sẽ siêu âm và chẩn đoán mức độ tổn thương cũng như thời gian mắc bệnh để xác định phương pháp điều trị. Nếu mới ở giai đoạn đầu của bệnh thì điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc chống viêm steriod hoặc corticord tiêm tại chỗ vào ống cổ tay, có tác dụng giảm đau, giải phóng dây thần kinh giữa. Ngoài ra còn cần điều trị tích cực các bệnh liên quan gây ra hội chứng ống cổ tay như chấn thương tay, viêm dây thần kinh, thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp dạng thấp, đái tháo đường, béo phì…

Với điều trị ngoại khoa, sẽ phẫu thuật giải phóng ống cổ tay, giải phóng dây thần kinh giữa. Sau khi phẫu thuật có thể sử dụng liệu pháp vật lý trị liệu vận động trở lại. Sử dụng liệu pháp này đa số bệnh nhân sẽ khỏi vĩnh viễn.

Các chị em nên thận trọng với hội chứng này, vì đây được các bác sĩ coi là bệnh của cuộc sống hiện đại. Hội chứng ống cổ tay không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu về dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh và mạch máu.

Tư thế ngồi đúng khi sử dụng máy vi tính

Ghế ngồi hơi dốc về phía trước, bàn chân đặt vững trên nền nhà, lưng thẳng, hơi ngả về phía trước. Màn hình máy tính để ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt, khi đánh máy, ngón tay đánh một cách thoải mái, bàn phím đặt thẳng hoặc thấp hơn khuỷu tay.
 
Theo PLTPHCM/ Tôn vinh vẻ đẹp Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét