Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Những ngộ nhận về loãng xương

Loãng xương đang trở thành vấn đề y tế cộng đồng vì tỉ lệ người mắc ngày càng nhiều. Bệnh gây ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/5 đàn ông trên 50 tuổi.


Do loãng xương thường diễn tiến từ từ và thầm lặng nên hầu hết người bị loãng xương thường không biết mình bệnh đến khi bị biến chứng gãy xương.
 
Chuyên gia xương khớp phân tích: trong suốt cuộc đời, cơ thể luôn tạo ra mô xương mới để thay thế cho mô xương cũ bị đào thải. Từ 20 – 30 tuổi, khối lượng xương đạt cao nhất, đây cũng là thời điểm dự trữ khoáng chất quý báu cho suốt cuộc đời. Khi có tuổi, các tế bào tạo xương bị lão hóa, các hormone sinh dục giảm thấp, việc hấp thụ canxi và vitamin D (hai nguyên liệu chính để xây dựng xương) cũng hạn chế.
 
Vì vậy, nếu ở tuổi trưởng thành, khối lượng xương không đạt đỉnh thì tình trạng loãng xương càng nặng hơn. Đáng nói, nếu như trước kia, loãng xương thường được xem là bệnh của nữ giới thì ngày nay, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy đây là một sự ngộ nhận tai hại.
Nam giới có mật độ xương cao hơn và tỉ lệ mất xương thấp hơn nữ giới nên gãy xương do loãng xương ở nam giới thường xảy ra ở tuổi khá cao, trên 70 tuổi. Đặc biệt, hậu quả gãy xương ở nam giới thường nghiêm trọng hơn ở nữ giới, khoảng 30% nam giới tử vong trong vòng 1 năm sau khi bị gãy xương vùng hông, tỉ lệ này ở nữ chỉ chiếm 12%.
Các nhóm có nguy cơ cao
 
Những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến loãng xương như: tuổi (càng lớn tuổi càng dễ bị loãng xương); tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em trong nhà bị loãng xương thì các thành viên cũng dễ mắc bệnh, nhất là những người đã có tiền sử gãy xương); người có tầm vóc gầy và nhỏ (nam giới gầy gò hoặc nhỏ bé có nguy cơ cao hơn vì thường ít có dự trữ khối lượng xương để dùng khi có tuổi) thiểu năng tuyến sinh dục nam và 1 số tuyến nội tiết (như tuyến giáp, tuyến thượng thận…).
 
Người có tiền sử dùng thuốc kéo dài (cortisone, thuốc chống co giật (thuốc làm mất xương), cortisone ); uống quá nhiều rượu (rượu làm giảm tiến trình tạo xương và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Với nam giới, uống nhiều rượu là một trong những nguy cơ thường gặp nhất bị loãng xương); hút thuốc lá (ở những người nghiện thuốc lá, tỉ lệ bị gãy cột sống cao gấp đôi so với những nam giới không nghiện thuốc lá); rối loạn về ăn uống (chán ăn do nguyên nhân thần kinh hoặc bệnh ăn nhiều, chế độ ăn không cung cấp đủ canxi…); lối sống ít vận động; các bệnh mãn tính (một số bệnh làm giảm khả năng hấp thụ canxi hoặc ảnh hưởng xấu đến tỷ trọng xương
Biểu hiện của loãng xương và cách phòng ngừa
Loãng xương thường diễn tiến thầm lặng, Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường là thời điểm đã có biến chứng, lúc này, cơ thể có thể đã bị mất 30% khối lượng xương.
Những biểu hiện lâm sàng thường thấy như đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài (đặc biệt xương cẳng chân), đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút các cơ; đau từ cột sống lan theo khoanh cơ sườn, đau khi ngồi lâu; khi thay đổi tư thế...; đầy bụng, chậm tiêu, nặng ngực khó thở; gù lưng, giảm chiều cao…
Biểu hiện khi có biến chứng: đau kéo dài do chèn ép thần kinh; gù vẹo cột sống, biến dạng lồng ngực; gãy xương (gãy 2 xương cổ tay, gãy lún đốt sống, gãy cổ xương đùi); giảm khả năng vận động…
TS Anh Thư cho rằng, loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa, đặc biệt ngay cả khi phát hiện thì cũng có phương pháp phòng ngừa xương yếu đi. Một số biện pháp như bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể; vận động ...sẽ giúp cơ thể tạo được dự trữ canxi; chơi những môn thể thao không có nguy cơ gây gãy xương; không uống nhiều rượu (1 trong những nguyên nhân giảm tạo xương và giảm hấp thụ canxi); không uống quá 3 ly cà phê mỗi ngày; không hút thuốc lá (đẩy nhanh quá trình tiêu xương); chủ động đi khám bệnh khi có các yếu tố nguy cơ…
 (Theo Phụ nữ TPHCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét